Cụm thi THPT Quốc gia 2016: Lợi có bất cập hại?
(Dân trí) - Việc cải tiến tổ chức 120 cụm thi trên 63 tỉnh thành cả nước là một trong những điểm đổi mới quan trọng của kỳ thi THPT Quốc gia 2016. Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi như giảm bớt lo lắng về di chuyển, coi thi thuận lợi, chấm thi nhanh hơn…cũng có không ít những băn khoăn về chất lượng của cụm thi liệu có được đảm bảo?
Những tác động tích cực
Nhằm tạo thuận lợi trong việc đi lại, hạn chế tình trạng thí sinh (TS) phải di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác như tại kỳ thi năm 2015, năm nay Bộ GD&ĐT quy định mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều tổ chức hai loại cụm thi: Cụm thi cho TS dự thi để xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ (do trường đại học chủ trì); cụm thi cho TS dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT (do Sở GD&ĐT chủ trì).
Như vậy, so với kỳ thi năm 2015 chỉ có 99 cụm, số cụm thi năm nay tăng lên 120; cấu trúc của các cụm thi cũng đã thay đổi khá nhiều. Trong đó, vai trò chủ trì của các trường ĐH trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 tăng lên đáng kể. Các TS ở các vùng giáp ranh giữa các cụm thi được linh hoạt lựa chọn cụm thi thuận tiện.
Ông Nguyễn Tu Tập, Hiệu trưởng Trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết: “Tôi đồng tình với việc Bộ GD&ĐT tổ chức hai hình thức cụm thi ở mỗi tỉnh/ thành phố. Đối với những học sinh thi để xét vào đại học, cao đẳng các em sẽ có áp lực thi cử hơn những học sinh chỉ thi THPT để xét tốt nghiệp”.
Còn theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM: Việc đưa những cụm thi ĐH về phủ kín các tỉnh, thành năm 2016 (từ 38 lên 70 cụm) còn có một số tác động. Về mặt kỹ thuật là quy mô số lượng thí sinh của từng cụm thi sẽ giảm đáng kể. Quy mô bình quân mỗi cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì ở năm 2015 là 20.000 thí sinh, chỉ 2 cụm có số thí sinh dưới 10.000 và có 4 cụm thi có trên 30.000 thí sinh. Điều này giúp cho việc tổ chức thi, coi thi thuận lợi hơn và chấm thi nhanh hơn.
Bên cạnh đó, năm 2016, theo quy chế, các hội đồng thi được phép công bố kết quả thi sau khi chuyển dữ liệu về Bộ GD&ĐT và hoàn thành việc đối chiếu dữ liệu kết quả thi gửi về Bộ GD&ĐT với dữ liệu kết quả thi lưu tại hội đồng thi.
“Do vậy, có thể năm nay, thời gian công bố điểm thi sẽ sớm hơn để kịp ngày 1-8, học sinh bắt đầu làm hồ sơ xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Hơn nữa, việc công bố kết quả không nhất thiết phải cùng một thời điểm như năm 2015, tránh được tình trạng “nghẽn mạng”, thậm chí là “sập mạng”, gây bức xúc cho thí sinh vì không xem được kết quả thi của mình”, ông Nghĩa chia sẻ.
Băn khoăn về chất lượng cụm thi
Xung quanh việc tổ chức cụm thi vẫn còn một số ý kiến lo ngại về sự công bằng trong công tác coi thi và chấm thi giữa cụm thi do sở GD&ĐT chủ trì và cụm thi do trường đại học chủ trì.
Nhận định sự thay đổi của Bộ GD&ĐT trong mùa tuyển sinh năm nay là đúng đắn và tạo điều kiện thuận lợi cho TS nhưng ông Phan Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) không khỏi lo lắng: “Khi số cụm thi tăng lên thì kỷ luật phòng thị ở các cụm thi phải làm thế nào để sao cho đồng đều, nghiêm minh, tránh việc nơi làm đúng, nơi làm chưa đúng. Điều đó sẽ khiến kết quả kỳ thi không được phản ánh đúng thực chất và công bằng”.
Khi được hỏi về lo ngại trước việc tổ chức kỳ thi tại địa phương, giáo viên coi thi ở địa phương sẽ có sự châm trước, ông Tùng bày tỏ: “Thực tế là do ý thức của chính những cán bộ coi thi, chấm thi, nếu họ làm đúng trách nhiệm của mình thì dù tổ chức thi ở đâu cũng không lo ngại về sự chêch lệch kết quả giữa các cụm thi.”
“Tuy nhiên qua kỳ thi 2015 tôi thấy kỷ luật phòng thi thực chất hơn so với những năm cũ.Trước đây, trường nào cũng có một số học sinh có khả năng trượt tốt nghiệp vì ý thức học quá kém, tuy nhiên kết quả là các em đó vẫn đỗ tốt nghiệp. Nhưng trong năm 2015, những học sinh học kém tất nhiên sẽ không vượt qua được kỳ thi này là do điểm liệt chứ không phải do điểm trung bình chung”, Hiệu trưởng trường THPT Trần Nhân Tông nhận định.
Chung quan điểm trên, ông Nguyễn Tu Tập cũng cho rằng: Giáo viên THPT tham gia công tác coi thi, chấm thi thực hiện đúng quy chế sẽ đảm bảo công bằng. “Theo tôi không chỉ có cán bộ các trường đại học mới có thể làm công tác coi thi. Để đảm bảo công bằng giữa các cụm thi, giữa các thí sinh quan trọng nhất là tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ giám thị, lãnh đạo ở các điểm thi”.
Cho rằng việc các trường băn khoăn về khâu chấm thi là có cơ sở, tuy nhiên TS Nguyễn Đức Nghĩa vẫn khẳng định: Mấu chốt là chúng ta phải tin tưởng lẫn nhau. Hơn nữa, nếu làm tốt khâu coi thi và các trường giám sát kỹ khâu chấm thi thì có thể hạn chế được tiêu cực, còn không có kiểm tra giám sát thì ngay cả các cụm thi ĐH vẫn có nguy cơ xảy ra tiêu cực.
Ông Lưu Danh Chiêm, Hiệu trưởng trường THPT Tây Đô (Nam Từ Liêm – Hà Nội) đánh giá: Bên cạnh những tác động tích cực của việc mở rộng cụm thi cũng tồn tại điều bất cập, đó là chất lượng kỳ thi có thể được đảm bảo hay không?! Tuy nhiên đó vẫn chỉ là suy đoán cá nhân, ta vẫn nên để thực tế cho câu trả lời chính xác.
Thúy Hằng