Cụm thi do Đại học chủ trì: Nhiều trường sẽ dùng kết quả để xét tuyển!
(Dân trí) - Tại Hội nghị Triển khai phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2015 tổ chức chiều 23/9, nhiều trường ĐH, CĐ phía Bắc bày tỏ quan điểm sẽ chỉ sử dụng kết quả của kì thi THPT quốc gia được tổ chức ở cụm thi do ĐH chủ trì.
Chiều 23/9, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị Triển khai phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ từ năm 2015 bao gồm các sở giáo dục và đào tạo; các đại học, học viện, viện; các trường đại học, cao đẳng từ Ninh Bình trở ra các tỉnh phía Bắc. Hội nghị này sẽ được tiếp tục triển khai cho khối các trường ĐH, CĐ, các Sở GD-ĐT khu vực miền Trung và miền Nam để lắng nghe ý kiến trước khi chốt phương án tổ chức kì thi THPT quốc gia.
Tại hội nghị chiều 23/9, các trường ĐH, CĐ, các Sở GD-ĐT đều đồng tình với Quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tổ chức kì thi THPT quốc gia từ 2015. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đã trao đổi một cách thẳng thắn về việc tổ chức kì thi như thế nào đảm bảo an toàn, nghiêm túc và đáng tin cậy.
Theo nguồn tin riêng của Dân trí, tại Hội nghị này, phần lớn các trường ĐH bày tỏ quan điểm sẽ chỉ sử dụng kết quả kì thi THPT quốc gia ở các cụm thi do ĐH chủ trì mà không sử dụng kết quả kì thi ở cụm Sở GD-ĐT chủ trì.
Lý giải điều này, cán bộ của một trường ĐH cho biết: Ở đây chúng ta tuân thủ luật chơi được ban hành. Bộ GD-ĐT sẽ cho thí sinh đăng ký dự thi theo hình thức dự thi chỉ để xét tốt nghiệp hay dự thi để xét tuyển vào ĐH. Đối với thí sinh xác định dự thi chỉ để xét tốt nghiệp nghĩa là không có nguyện vọng để vào ĐH thì chẳng lý gì nhà trường lại dùng kết quả này.
Cán bộ này giải cũng nhấn mạnh: “Dù thế nào thì kết quả kì thi được tổ chức ở cụm thi do ĐH chủ trì vẫn đáng tin cậy hơn”
Mặc dù nhiều trường đều khẳng định sẽ “từ chối” tiếp nhận kết quả thi do cụm Sở GD-ĐT chủ trì nhưng Bộ GD-ĐT vẫn bày tỏ quan điểm: Quyền tự quyết là do các trường, Bộ không cấm các trường dùng kết quả của kì thi do Sở GD-ĐT chủ trì.
Tuy nhiên, có thể nhận thấy cơ hội dành cho thí sinh dự thi theo cụm Sở GD-ĐT chủ trì sẽ rất hạn hẹp bởi ở cụm này thí sinh chỉ được phép đăng ký dự thi 4 môn gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ Văn, Ngoại Ngữ và một môn tự chọn. Tổ hợp của 3 môn trong tổng số 4 môn sẽ hạn hẹp, nghĩa là chỉ được đăng ký ở một số khối thi mà thôi.
Trong khi đó, nếu đăng ký thi ở cụm do các trường ĐH chủ trì thì thí sinh có quyền đăng ký dự thi tối đa 8 môn, điều này đồng nghĩa thí sinh có cơ hội tối đa xét tuyển vào 15 khối thi khác nhau (mỗi khối thi bắt buộc phải có môn Toán hoặc (và) Ngữ văn). Như vậy cơ hội trúng tuyển vào ĐH, CĐ sẽ rộng mở hơn.
Với việc các trường ĐH, đặc biệt là công lập từ chối sử dụng kết quả kì thi ở cụm Sở GD-ĐT chủ trì cho thấy cánh cửa vào ĐH dành cho những thí sinh này ngày càng hạn hẹp đi.
Cơ hội các thí sinh dự thi theo cụm thi Sở GD-ĐT chủ trì phụ thuộc vào đề án tuyển sinh riêng của các trường và chắc chắn con số này chắc cũng không nhiều. Năm 2014, mặc dù Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường có đề án tuyển sinh riêng nhưng đến phút cuối cũng chỉ có 62 trường đăng ký và triển khai thực hiện. Phần lớn các trường tiếp tục tham dự kì thi “3 chung”. Với xu hướng “tin cậy” và sử dụng hoàn toàn kết quả kì thi ở cụm do trường ĐH chủ trì nên chắc chắn nhiều trường sẽ không tổ chức một kì thi tuyển sinh riêng nữa.
Nguồn tin của Dân trí cũng cho hay, ở Hội nghị này, lãnh đạo khối các trường công cũng xin đề xuất hình thành cụm thi riêng bởi đặc thù của ngành là thí sinh phải qua sơ tuyển trước khi dự thi. Với ý kiến này thì nhiều trường không tán thành bởi khối công an, quân đội có thể tổ chức sơ tuyển trước nên không nhất thiết phải thành cụm thi riêng.
Ngoài vấn đề nêu trên, Hội nghị cũng tập trung trao đổi các vấn đề kỹ thuật khác như tỷ lệ ảo trúng tuyển tổ chức đăng ký nguyện vọng sau khi có kết quả, cụm thi quá đông sẽ khó kiểm soát, vai trò của các Sở GD-ĐT như thế nào trong kì thi THPT quốc gia tổ chức ở cụm do trường ĐH chủ trì, cấu trúc đề thi có phân loại được thí sinh hay không, vấn đề tài chính ở kì thi…