Cực nhục vì... bán chữ !

(Dân trí) - Không ít người đặt ra câu hỏi về tình trạng dạy thêm học thêm: Tại sao tình trạng này tràn lan? Tại sao nói mãi vẫn không chấm dứt ?... Và thực tế đằng sau những câu hỏi ấy là nhiều vấn đề còn... bỏ ngỏ.

Siêu lợi nhuận!

 

5 đến 6 triệu đồng một tháng là con số ước tính “sơ sơ” về thu nhập của thầy cô khi tham gia dạy thêm, mà bất kỳ ai làm tính nhẩm cũng có thể dễ dàng đọc ra vanh vách: mỗi lớp học thêm trên dưới 20 học sinh, mỗi học sinh nộp trên dưới 300 nghìn mỗi tháng. Vì đó là một khoản cũng “tương đối”, nên hiện tượng dạy thêm nhanh chóng biến thành một căn bệnh dễ mắc mà khó chữa.

 

“Nếu không học thêm, tất nhiên con tôi sẽ thua kém hẳn vì chỉ đến lớp học thêm, cô giáo mới tung ra những bài độc chiêu, không được giảng trước thì đừng hòng làm nổi, mà trong các bài kiểm tra, không ít thì nhiều bao giờ cũng phải có độc chiêu để cho biết sự lợi hại của học thêm”- một phụ huynh có con học ở trường P.L khẳng định.

 

Tiêu cực như thế nên những nhà quản lý giáo dục đã buộc phải can thiệp bằng các biện pháp thanh tra, xử phạt, thậm chí đã có dự thảo cho quy chế xử phạt hành chính lên đến 5-10 triệu đồng cho việc dạy thêm.

 

Bản lĩnh nhà giáo!

 

Để đối phó với việc thanh tra kiểm tra, nhà giáo đã thể hiện môt bản lĩnh... đáng gờm! Theo chính lời kể của một cán bộ thanh tra Bộ GD-ĐT thì các lớp dạy thêm rất biết cách đề phòng nên thường được tổ chức bí mật trong “thành cao hào sâu”, bắt tại trận là chuyện rất khó.

 

Mặt khác, nhiều khi nhận được tin “mật”, đến thì lại phải về tay không vì có… điện thoại từ trên gọi xuống đề nghị rút, người gọi điện này đang có con học trong lớp đó nên phụ huynh không muốn làm khó cho thầy! Đấy là còn chưa kể biết là những lớp học thêm trá hình nhưng không thể dẹp  nổi vì học sinh đã được cô giáo huấn luyện phải nói dối thế nào khi có đoàn thanh tra bất ngờ đến!

 

Dùng thủ đoạn ép học sinh học thêm, dạy học sinh nói dối, lợi dụng quan hệ với phụ huynh học sinh, sẵn sàng đi trái với lương tâm của người  thầy để mưu lợi…Rõ ràng, căn bệnh dạy thêm đã biến bản lĩnh nhà giáo  trở nên méo mó đến mức thảm hại. Song, đó mới chỉ là phần “bẩy nổi” của căn bệnh này. Phần “ba chìm”,  ai hiểu cho nhà giáo?

 

Cực và nhục

 

“Những khoản tiền kiếm được của chúng tôi toàn là những khoản dễ cộng, dễ tính. Hơn nữa, có phải ai cũng có thể kiếm được nhiều tiền bằng cách dạy dỗ kiến thức như chúng tôi đâu. Nhiều công chức các bộ, ngành khác còn kiếm được gấp nhiều lần như thế nhưng có bao giờ họ bị soi xem đã kiếm tiền thế nào để lên án? Chắc là vì xã hội chỉ vốn quen với cảnh thanh bạch của người thầy nên khó có cái nhìn tích cực về mức thu nhập đó”, một thầy giáo ở trường T. buồn rầu tâm sự.

 

Còn cô giáo tiểu học H.L nhà ở ngõ chợ Khâm Thiên đã về hưu từ hai năm nay nhưng vẫn dạy thêm ngay tại nhà mỗi ngày ba buổi suốt từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối. Mỗi buổi học có từ 3 đến 4 học trò và thu nhập của cô cũng không tồi với khoảng 7 triệu đồng/tháng. Nếu nói vì sức ép mà học sinh phải học thêm trong trường hợp này thì không thể vì cô đã về hưu rồi, ép thế nào?

 

Trường hợp của cô giáo dạy tiếng Anh bậc THCS Vũ Thị D. thì khác, cô buộc phải lao vào dạy thêm bằng mọi cách với hy vọng sớm có ngày bù được không ít thì nhiều số tiền gần 40 triệu đồng đã tiêu tốn cho việc “chạy” các cửa từ phòng giáo dục đến Sở giáo dục thành phố để được chuyển từ một trường ngoại thành vào dạy trong nội thành.

 

Một vấn đề khác rất đáng buồn trong phần “ba chìm” này là mặc dù các cấp quản lý giáo dục một mặt rất ráo riết phong toả việc dạy thêm nhưng một mặt, ở không ít phòng giáo dục lại thu 5% số tiền dạy thêm của các trường, còn ban giám hiệu của nhiều trường THPT lại thành lập các quỹ dạy thêm và thu từ 20 đến 30% quỹ này dành cho công tác quản lý!

 

Đau lòng chuyện phải cắn răng!

 

Mặc dù có phần “ba chìm” như vậy nhưng ngành giáo dục vẫn nhất định chạy chữa bệnh dạy thêm tràn lan theo chỉ một mô hình là vớt phần “bẩy nổi”: Bộ “gõ đầu” các Sở; Sở “gõ đầu” các trường; các trường “gõ đầu” thầy cô giáo và các thầy cô giáo, không “gõ đầu” ai được ngoài học trò nên đành mặc kệ và tiếp tục “cắn răng”dạy thêm!

 

Kết quả là bệnh không thể triệt được! Vì phần “ba chìm” với rất nhiều câu hỏi như: Chương trình nên thế nào để cả thầy lẫn trò đều không phải nghĩ đến việc dạy thêm học thêm? Đồng lương của nhà giáo phải thế nào để họ không cò phải “cắn răng” dạy thêm? Quản lý giáo dục nên thế nào để nhà giáo không buộc phải dạy thêm?… thì luôn bỏ ngỏ.

 

Và ngành giáo dục, lẽ ra, thay vì tập trung giải quyết một loạt những biện pháp đồng bộ và dài hơi, lại chỉ ra sức với các biện pháp nhỏ lẻ, manh mún kiểu như: xử phạt bằng tiền, “bài binh bó trận” bằng hình thức thanh tra kiểm tra, sẵn sàng cho nhà giáo nghỉ dạy….

 

Bỏ chìm vớt nổi. Đau lòng thay khi dồn người thầy đến mức phải thừa nhận: bán chữ thật là cực nhục!

 

Mai Minh