Cử nhân Trung Quốc: Khi một nghề là không đủ
(Dân trí) - Hiện nay ngày càng có nhiều thanh niên Trung Quốc có nhiều hơn một nghề nghiệp, họ làm nhiều nghề không chỉ để trang trải cuộc sống mà bởi vì một nghề thì không đủ thể hiện những sở thích, mối quan tâm của họ.
Zhou Huiquan bắt đầu làm công việc trợ giảng tại trường đại học lúc 7:30 sáng. Vào cuối ngày làm việc, cô dành 3 tiếng đồng hồ để múa ba lê. Rồi đến lúc mà mọi người đi ngủ, Zhou bắt đầu vẽ minh họa truyện tranh và viết cuốn tiểu thuyết mới nhất. Cô hiếm khi đi ngủ trước 1 giờ sáng.
Lịch làm việc của Zhou có thể kinh khủng với hầu hết mọi người, những người quen làm việc từ 9h sáng đến 5h chiều. Nhưng nó phản ánh phong cách sống của một số lượng ngày càng tăng các thanh niên Trung Quốc.
Theo khảo sát năm 2015 với 6.000 nhân viên văn phòng ở Trung Quốc do trang web tuyển dụng 51job.com thực hiện, có tới 40% người được hỏi cho biết họ có hơn một nghề.
Zhao Danmeng tốt nghiệp ngành Ngoại giao Đại học Bắc Kinh nhưng chọn làm việc trong ngành Nhân sự của tập đoàn nước giải khát Suntory ở Nhật Bản.
Cô gái 28 tuổi cho biết: “Tôi không thích trở thành học giả, nhưng tôi cũng không chắc mình muốn theo đuổi gì”.
Công việc đầu tiên của Zhao đòi hỏi cô phải học tiếng Nhật và học các kỹ năng chuyên nghiệp như truyền thông đa văn hóa và đào tạo.
Nhưng sau khi làm 3 năm rưỡi, Zhao cảm thấy mất phương hướng.
“Tôi làm việc không nghỉ quanh năm và hiếm khi được nghỉ ngơi để nhìn lại đời mình”, cô tâm sự. “Những gì tôi làm thì có ý nghĩa cho công ty nhưng chẳng có giá trị gì với tôi cả”.
Zhao bỏ việc và đến Ấn Độ trong một tour du lịch tâm linh. Chuyến đi đã thay đổi cuộc đời cô. Cô học những kỹ năng chữa bệnh bằng tâm linh và tìm thấy niềm đam mê như là người chữa lành.
Zhao có thể áp dụng nhiều kỹ năng mà cô phát triển trong ngành Nhân sự vào công việc mới. Hiện nay cô làm việc như là một người tư vấn ở Bắc Kinh và tổ chức hội thảo về chữa lành bằng tâm linh.
“Tôi thấy thỏa mãn từ những gì tôi đang làm”, cô cho biết. “Khi bạn bước chân vào xã hội, đừng bao giờ ngừng việc trải nghiệm những điều mới mẻ, và đừng bao giờ quên việc bạn là ai và bạn thực sự muốn dấn thân vào cái gì”.
Tờ China Daily nhận định, thị trường việc làm hiện đại, đặc biệt là ở những thành phố lớn, cung cấp cho thanh niên việc làm linh hoạt và những sân chơi mới để theo đuổi mục tiêu nghề nghiệp.
Hu Xiaowu, phó giám đôc Việc Khoa học Đô thị tại Đại học Nam Kinh, nhận định việc có nhiều nghề là thiên về đảm bảo sự an toàn tài chính hơn là một lựa chọn lối sống.
Hu cũng chỉ ra rằng một xu hướng phổ biến là mọi người kết hợp làm những việc đảm bảo kinh tế với những việc nuôi dưỡng đam mê.
“Bởi vì bây giờ có rất nhiều việc có thể làm linh hoạt, nên rất dễ làm nhiều việc trong một tuần làm việc, hoặc thậm chí trong một ngày làm việc”, ông Hu lý giải.
Dù xu hướng làm nhiều việc cùng lúc vừa giúp đảm bảo tài chính vừa hỗ trợ theo đuổi đam mê, nhưng đây cũng không phải là lựa chọn hấp dẫn với một số cử nhân trẻ tuổi.
Gao Wei, nhà tư vấn nghề nghiệp lâu năm, cho rằng làm nhiều nghề cùng lúc thì khá hấp dẫn nhưng cũng rất đòi hỏi cả về thể lực lẫn tinh thần. Ông Gao khuyên các bạn trẻ không nên mù quáng theo đuổi xu hướng này vì mỗi nghề có ngưỡng và có hệ thống giá trị của nó. Làm nhiều việc cùng lúc không phải là lựa chọn dành cho tất cả mọi người. Sự nguy hiểm là nó khiến người ta trở thành những người biết mỗi thứ một ít, nhưng không thành thạo về cái gì cả.
Xuân Vũ
Tổng hợp