1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Cử nhân thất nghiệp tràn lan: Đâu là nguyên nhân?

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp, nguyên nhân do việc nắm bắt nhu cầu thị trường để đổi mới việc đào tạo nghề hiện nay chưa được chú trọng nhiều.

Trong Bản tin cập nhật thị trường lao động quý 1/2015 cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất vẫn ở nhóm có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và cao đẳng nghề, chiếm khoảng 7%. Nguyên nhân do việcnắm bắt nhu cầu thị trường để đổi mới việc đào tạo nghề hiện nay chưa được chú trọng nhiều.

Phóng viên VOV phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp về vấn đề này.

PV: Thưa ông, Bản tin thị trường lao động cho thấy, tỷ lệ lao động thất nghiệp có trình độ cao đẳng khá cao. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp:Số tốt nghiệp đại học, sau đại học, cao đẳng chuyên nghiệp gia nhập thị trường khá là khó khăn. Số tốt nghiệp cao đẳng nghề, tỷ lệ thất nghiệp cũng cao, chiếm 6,2%, chỉ sau cao đẳng chuyên nghiệp.

 

Thứ
  trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp
 

 

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp

Chúng ta đặt mục tiêu là đào tạo nghề, sau đó phải có 80% có việc làm. Quy mô đào tạo đại học hiện nay, mỗi năm có 400.000 nhưng khoảng 170.000 người tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học không có việc làm thì đúng là điều đáng suy nghĩ.

Bản tin cập nhật thị trường lao động phần nào đã làm thay đổi nhận thức của xã hội, của những người có mong muốn theo đuổi đại học. Một số thay vì thi vào đại học chuyển sang học nghề, một số gia đình mong muốn con em chọn được nghề phù hợp đề học và sau đó việc để làm.

Đây là chuyển biến tích cực và cũng đặt ra cho các cơ quan như Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có sự thay đổi, đổi mới trong công tác, kế hoạch đào tạo, tìm hiểu kỹ hơn nhu cầu của thị trường, từ đó xây dựng chương trình phù hợp đáp ứng nhu cầu của thị trường.

PV: Ông nghĩ sao khi nhiều người học nghề ra, khi đi xin việc làm, người sử dụng lao động vẫn phải đào tạo lại, ngay cả những nghề họ được tuyển dụng đã được học trong trường nghề?

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp:Nếu chúng ta kỳ vọng tất cả những người tốt nghiệp đại học, cao đẳng đều có thể làm việc chưa hẳn đã hợp lý lắm. Trước đây, khi tốt nghiệp đại học cần có thời gian tập sự 1 năm hoặc 18 tháng, kể cả những người tốt nghiệp cao đẳng cũng vậy.

Kiến thức trong nhà trường chỉ đáp ứng một phần, khoảng 70-80% kiến thức mà doanh nghiệp cần. Bởi vậy, hầu hết sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng đều có giai đoạn đào tạo bổ sung để đáp ứng trình độ công nghệ, với vị trí việc làm tại doanh nghiệp.

Nói rằng phải đào tạo lại toàn bộ thì tôi không tin vì một số kiến thức, kỹ năng cơ bản đã được cung cấp ở các trường đại học, cao đẳng. Chính vì thế, các doanh nghiệp chỉ phải đào tạo bổ sung để đáp ứng yêu cầu công việc.

PV: Vậy liệu chúng ta có nên tiết giảm quy mô đào tạo không, thưa ông?

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp:Nói rằng đào tạo thừa và làm quy mô đào tạo đỡ tốn kém thì đây là câu hỏi khó trả lời, không chỉ là trình độ ngành nghề mà cả về nhu cầu của từng vùng. Mặc dù là sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề thất nghiệp ở vùng này nhưng vùng khác có khi lại cần.

Thừa ở quy mô đạo tạo ngành nghề này nhưng ngành nghề khác lại cần. Chính vì vậy, công tác kế hoạch hóa đào tạo, kể cả đào tạo nghề, đại học, cao đẳng cũng cần phải đổi mới để đáp ứng nhu cầu thị trường. Việc nắm bắt tín hiệu thị trường để đổi mới công tác giáo dục đào tạo hiện nay vẫn chưa được chú trọng nhiều.

Chúng ta rất cần những cuộc khảo sát định kỳ để nắm bắt nhu cầu doanh nghiệp và kế hoạch đào tạo dựa trên nhu cầu đó, như thế sẽ tránh được lãng phí trong đào tạo.

PV: Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên nhiều hơn so với năm ngoái. Trong khi đó, nền kinh tế vốn đang trên đà phục hồi nhanh. Theo ông, Bản tin thị trường lao động cần bổ sung chỉ số gì để phản ánh đúng sự phát triển của nền kinh tế?

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp:Nếu chúng ta quan tâm về mặt lượng của thị trường lao động thì cần quan tâm ít nhất là 2 chỉ số: chỉ số thất nghiệp và số giờ sử dụng lao động. Nếu tỷ lệ thất nghiệp thấp, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động cũng thấp thì nguồn nhân lực của đất nước chưa được sử dụng cũng khá là cao.

Nếu tỷ lệ thất nghiệp cao nhưng hầu hết họ sử dụng hết thời gian lao động, điều đó chứng tỏ chúng ta đã khai thác khá cao nguồn lực lao động của đất nước. Chính vì thế, Bản tin cập nhật thị trường lao động lần này đã bổ sung thêm một số chỉ tiêu để đo thị trường lao động.

Chúng tôi hy vọng, trong các Bản tin thị trường lao động sắp tới, sẽ có nhiều chỉ số để đo chính xác hơn thực trạng của thị trường lao động. Những chuyển biến của thị trường lao động sẽ được đưa vào. Như thế thì tất cả chúng ta sẽ có cái nhìn đầy đủ hơn đối với thị trường lao động.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Theo VOV