Covid-19 làm gia tăng khoảng cách giáo dục các quốc gia trên thế giới

Lệ Thu

(Dân trí) - Theo báo cáo PISA vừa công bố mới đây, Covid-19 đã khiến gia tăng khoảng cách giáo dục khi có sự chênh lệch rõ ràng về học trực tuyến ở các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đại dịch Covid-19 dẫn đến việc nhiều trường học trên thế giới phải đóng cửa, phương pháp giảng dạy trực tiếp được dần thay thế, học trực tuyến lên ngôi.

Báo cáo PISA của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) mới đây cho thấy có sự chênh lệch lớn về năng lực sử dụng công nghệ thông tin của giáo viên, học sinh cũng như cơ sở vật chất công nghệ giữa các quốc gia với nhau và các vùng miền trong từng quốc gia. Báo cáo thực hiện dựa trên dữ liệu về khoảng 600.000 học sinh 15 tuổi ở 79 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Theo đó, Trung bình các nước OECD, 65% học sinh 15 tuổi được học ở trường có giáo viên có kỹ năng sư phạm và kỹ thuật cần thiết để tích hợp thiết bị kỹ thuật số trong giảng dạy. Tất nhiên, chỉ số này có sự khác biệt không nhỏ giữa các trường ở các vùng kinh tế khác nhau.

Một số quốc gia có tỷ lệ học sinh được học trong trường có tốc độ Internet đủ mạnh gồm Singapore (90,3%), Lithuania (91,3%), Slovenia (90%), Đan Mạch (89,9%), Thuỵ Điển (89,1%)…

Covid-19 làm gia tăng khoảng cách giáo dục các quốc gia trên thế giới - 1
Học sinh học online mùa Covid-19 (Ảnh minh hoạ: Aisa).

Theo báo cáo của PISA, Việt Nam có 79,7% học sinh học trong các trường có tốc độ Internet đủ mạnh. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình chung của các nước OECD (67,5%) và chỉ thấp hơn 16 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là con số khá khả quan về việc học trực tuyến giữa mùa dịch Covid-19 của nước ta.

Tỷ lệ học sinh học các trường có sẵn nền tảng hỗ trợ học tập trực tuyến hiệu quả của Việt Nam là 43,4%, thấp hơn trung bình OECD (54,1%).

Ông Andreas Schleicher, Giám đốc OECD về giáo dục và kỹ năng, cho rằng đại dịch Covid-19 đã để lộ nhiều bất cập và bất bình đẳng trong hệ thống giáo dục trên toàn thế giới.

"Những học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng và mọi quốc gia va gia tăng khoảng cách giáo dục. Như ở Brazil, 68% học sinh ở các trường thuận lợi, có quyền truy cập vào các thiết bị kỹ thuật số đủ mạnh. Nhưng ở các trường khó khăn, tỷ lệ này chỉ đạt 10%. Ở Tây Ban Nha, tỷ lệ này là 70%- 30%”, ông dẫn chứng.

Đại diện này khuyến nghị nhiều quốc gia nên cần hành động cải thiện để đảm bảo tất cả trường học có đủ nguồn lực cần thiết giúp học sinh có cơ hội học tập và thành công như nhau.

Trung bình ở các nước OECD, 9% học sinh 15 tuổi không có một nơi yên tĩnh trong nhà để học. Ngay cả ở quốc gia có thành tích hàng đầu PISA là Hàn Quốc, 1/5 học sinh từ 25% trường khó khăn nhất cho biết họ không có chỗ học ở nhà, so với 1/10 học sinh ở các trường thuận lợi.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm