Cộng điểm học sinh giỏi vào lớp 10 THPT vẫn còn băn khoăn

Từ năm 2006 đến nay, ngành giáo dục Hà Nội áp dụng phương thức vừa xét tuyển vừa thi tuyển vào lớp 10 THPT. Qua 10 năm triển khai, phương án này được nhiều người đồng tình song vẫn còn không ít băn khoăn “liệu có việc chạy điểm làm đẹp học bạ để được cộng điểm cho học sinh hay không”?

Điểm xét tuyển sinh vào lớp 10 THPT ở Hà Nội được tính theo công thức: Điểm xét tuyển = Điểm THCS + Điểm thi (đã tính hệ số 2) + Điểm cộng thêm.

Điểm thi hai môn là Toán và Ngữ văn. Trong đó, điểm THCS là tổng số điểm tính theo kết quả học tập và rèn luyện của 4 năm học cấp THCS, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.

Ví dụ một học sinh thi vào Trường THPT A, có tổng điểm thi 2 môn Toán và Ngữ văn là 15 điểm. Theo công thức tính điểm xét tuyển, hai môn này nhân đôi được 30 điểm rồi cộng điểm tính theo kết quả rèn luyện và học tập mỗi năm học ở cấp THCS của học sinh.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nếu học sinh đạt hạnh kiểm tốt và học lực giỏi là 20 điểm. Như vậy tổng là 50 điểm. Nếu là hạnh kiểm khá và học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt và học lực khá thì cộng 18 điểm, hạnh kiểm khá và học lực khá là 16 điểm; Hạnh kiểm trung bình và học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt và học lực trung bình là 14 điểm; Hạnh kiểm khá và học lực trung bình hoặc hạnh kiểm trung bình, học lực khá là 12 điểm; Trường hợp còn lại 10 điểm.

Sau 10 năm triển khai, quy định này nhận được sự đồng tình của nhiều học sinh và phụ huynh. Những người đồng tình cho rằng, việc cộng điểm 4 năm học ở bậc THCS vào kết quả thi đánh giá được năng lực toàn diện của học sinh trong suốt quá trình. Đây cũng là mục tiêu để học sinh cố gắng học tập tốt tất cả các môn và rèn luyện để đạt hạnh kiểm tốt.

Em Ngô Thị Quỳnh Trang, học sinh lớp 11 Trường THPT Amsedam cho biết: “Em thấy cộng điểm là ổn, như thế đánh giá được cả quá trình học tập. Theo em những bạn chạy điểm vào về sau cũng không theo được”.

Ông Phan Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, thực hiện Luật giáo dục, từ năm học 2005-2006 cả nước chính thức bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương tuyển sinh vào lớp 10 THPT, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra 3 phương thức gồm xét tuyển, thi tuyển, thi tuyển kết hợp xét tuyển để các địa phương lựa chọn phương thức phù hợp.

Trong 3 phương thức này, Hà Nội đã trưng cầu và được sự đồng thuận cao của xã hội và quyết định lựa chọn phương thức thi tuyển kết hợp xét tuyển. Lý do chọn phương thức này là do việc chấm điểm ở các trường khác nhau, có trường cho điểm rất chặt chẽ, nhưng cũng có trường cho điểm nhẹ nhàng hơn, nên nếu xét tuyển sẽ không công bằng cho học sinh ở các trường. Còn nếu chỉ thi tuyển sẽ xảy ra tình trạng học lệch các môn và cũng chưa đánh giá toàn diện quá trình học tập của học sinh. Do đó, Hà Nội đã chọn phương thức kết hợp xét tuyển và thi tuyển.

Ông Phan Thanh Tùng phân tích: trong quá trình triển khai thực hiện chục năm qua cho thấy, việc kết hợp này chấm dứt được tình trạng học sinh phải đi học thêm để thi vào lớp 10 như trước.

“Trước đây, học sinh chỉ dồn vào mấy môn thi THCS, hồi đó thi THCS lấy điểm đó xét vào lớp 10 luôn. Khi bỏ thi THCS, chúng ta làm như thế để cho học sinh có động lực học đồng đều các môn. Tức là để cho các em với các thầy cô cũng đều phải cố gắng trong các năm học và không chỉ có học mà còn có cả hạnh kiểm nữa tức là phải phấn đấu”, ông Tùng nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến nhận định, trong ba phương thức mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra thì phương thức nào cũng có những ưu điểm và nhược điểm, rất khó để loại bỏ hoàn toàn tiêu cực. Một số phụ huynh vì muốn con em mình đạt danh hiệu học sinh giỏi để thuận lợi cho việc xét tuyển. Một số trường vì bệnh thành tích... mà đánh giá thiếu trung thực khách quan năng lực học tập của học sinh.

Không cầu toàn cho bất cứ một phương thức xét tuyển hay thi tuyển nào, mà mấu chốt là hạn chế bệnh thành tích và thi thực chất với trình độ của học sinh. Điều đáng quan tâm nữa là để tạo ra một kỳ thi công bằng, không quá căng thẳng đối với học sinh và phụ huynh thì kết quả kiểm tra, giám sát của ngành Giáo dục Hà Nội cũng phải được minh bạch, bởi trên thực tế việc “làm đẹp”, “nâng điểm” cho học bạ của học sinh THCS đã từng xảy ra.

Theo Thu Hiền

VOV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm