Công bố Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020

(Dân trí) - Dự kiến, trong thời gian từ 23 đến 26/10, Bộ GD-ĐT sẽ công bố Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục năm 2008-2020 để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các giáo viên, giảng viên, các Sở GD-ĐT và dư luận xã hội.

Theo GS Phan Văn Khang, Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Dự thảo này đã gửi tới Hội Cựu giáo chức Việt Nam, các nhà khoa học, các cán bộ quản lý để xin ý kiến đóng góp và hầu hết các ý kiến đóng góp đều đồng tình với cấu trúc của bản chiến lược, khẳng định tính nghiêm túc của Ban soạn thảo. Tuy nhiên, xung quanh nội dung Chiến lược phát triển giáo dục 2008-2020 còn có nhiều ý kiến chưa đồng tình.

Các ý kiến chưa đồng tình chủ yếu xoay quanh các vấn đề như làm thế nào để có được một sự phát triển giáo dục ổn định? Khi xây dựng Dự thảo Chiến lược cần phác thảo được bức tranh kinh tế - xã hội của Việt Nam năm 2020 để từ đó xác định yêu cầu của đất nước về nhân lực để có căn cứ xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển giáo dục.

Trong chiến lược này phải bao gồm cả chiến lược phát triển giáo dục trong nhà trường và chiến lược phát triển giáo dục ngoài nhà trường. Có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu học tập của 3/4 dân số ở ngoài nhà trường và mới thực hiện được chủ trương xây dựng xã hội học tập mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra.

Đối với một số chỉ tiêu trong dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục, có nhiều ý kiến vẫn nhận xét rằng đó là những mục tiêu mang tính “lãng mạn”, thiếu khả thi vì chưa rõ điều kiện thực hiện như: chỉ tiêu tỷ lệ thạc sỹ và tiến sỹ trong các trường đại học đến 2020, chỉ tiêu ở trường phổ thông có 1 - 2 môn dạy song ngữ…

Vì vậy, Chiến lược này cần đưa ra những giải pháp để giải quyết dứt điểm “các điều kiện đầu vào” của hoạt động dạy - học. Cần đánh giá chất lượng giáo dục của các khu vực thành thị, nông thôn, vùng khó khăn. Phải giải quyết 3 vấn đề: điều kiện về cơ sở vật chất; đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục phải đủ tiêu chuẩn; ổn định chương trình - sách giáo khoa trước khi nói đến chất lượng, mục tiêu ổn định tình hình và phát triển giáo dục…

Được biết, để ra mắt được bản Dự thảo này, trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã tổ chức nhiều cuộc Hội thảo lấy ý kiến đóng góp nhưng các Hội thảo đều được tổ chức dưới hình thức họp kín và không có sự có mặt của báo chí.

M.M