“Con ngoan - trò giỏi” không còn phù hợp bối cảnh toàn cầu?
(Dân trí) - Khái niệm về “con ngoan - trò giỏi” lâu nay của chúng ta đã lỗi thời, hoàn toàn không còn phù hợp trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
PGS.TS Trần Thị An, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ quan điểm này tại hội thảo quốc tế Giáo dục giá trị trong nhà trường do Viện Nghiên cứu giáo dục và giao lưu quốc tế - Đại học Huế phối hợp với Trường cán bộ quản lý giáo dục TPHCM tổ chức vào ngày 11/1.
Theo bà An, chúng ta đang diễn ngôn về khái niệm “con ngoan, trò giỏi”, trong khi đối với nước ngoài, ngay cả từ điển tiếng Anh cũng không có chữ “ngoan".
“Ngoan" đã từng được coi là một chuẩn mực, bây giờ cần phải xem lại. Cái “ngoan chuẩn mực” đấy dạy cho học sinh học thuộc, học vẹt và tuân theo khuôn mẫu và không phản biện. Nhưng, chúng ta có làm được điều đó trong thế giới toàn cầu hóa hay không? Tôi nghĩ không. Thứ hai là “trò giỏi”. Giỏi là gì - là điểm cao. Tôi nghĩ điểm số đương nhiên cũng là một cách đánh giá. Nhưng, bằng cách gọi để học sinh đạt điểm cao bằng văn mẫu, bằng quay cóp và mọi thứ, thì cũng cần phải xem lại”, TS An chia sẻ.
Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, khác với giáo dục tri thức, trong giáo dục giá trị, gia đình và xã hội có tác động không kém nhà trường. Thời gian trẻ ở nhà và ngoài đường, tiếp xúc với tivi, mạng xã hội nhiều hơn ở trường. Nếu nhà trường hướng trẻ đến những giá trị của tương lai thì gia đình có thế mạnh trong việc giáo dục những giá trị truyền thống và nhân bản. Còn xã hội, đường phố thì thường thiên về tuyên truyền cho những giá trị hiện tại. Bởi vậy, dồn hết nhiệm vụ cho nhà trường trong công tác giáo dục giá trị, cũng như đổ hết trách nhiệm cho ngành giáo dục khi trẻ “hư”, hay những hiện tượng đau lòng xảy ra với học sinh, là chưa đầy đủ.
Các chuyên gia giáo dục cũng nhìn nhận, hiện tượng xuống cấp về văn hóa và đạo đức trong xã hội, đặc biệt trong lứa tuổi vị thành niên rất đáng báo động, đặt ra cho nhà trường, các nhà giáo dục nhiều câu hỏi cần suy nghĩ. Chúng ta đang tập trung thay đổi cách truyền thụ kiến thức chuyển từ lối học ghi chép, thụ động sang phát triển năng lực.
Thế nhưng, việc bồi dưỡng phẩm chất, giáo dục giá trị thì vẫn còn lúng túng. Các đại biểu cũng băn khoăn việc có cần thiết thêm một môn học mới là Giáo dục giá trị hay không, khi hiện nay chương trình đã có môn Đạo đức và môn Giáo dục công dân. Nếu không, việc cần thiết trước mắt là làm sao cải tiến nội dung, cách dạy các môn học này để phát huy hơn nữa hiệu quả của môn học cũng như góp phần nâng cao nhận thức giá trị cho học sinh. Bên cạnh đó, khai thác và phát huy hơn nữa vai trò của một số môn như Ngữ văn, Nghệ thuật, Lịch sử trong giáo dục giá trị.
Thêm vào đó, nhiệm vụ của giáo dục giá trị cho học sinh hiện nay không chỉ là bồi dưỡng giá trị này hay giá trị kia, mà cái chính là giúp học sinh hình thành một hệ giá trị mới, nhân văn, tiến bộ và phù hợp với đặc điểm dân tộc, thời đại.
Theo PGS. TS Trần Thị An, có 5 kỹ năng công dân toàn cầu cần phải đạt được, đó là ngoại ngữ, công nghệ, trách nhiệm, độc lập, phản biện. Tuy nhiên, nếu có, hiện học sinh mới chỉ được trang bị kỹ năng về ngoại ngữ, công nghệ; còn ba giá trị quan trọng còn lại thì lại rất mơ hồ.
Lê Phương