Con đường vào đại học của học sinh châu Á

(Dân trí) - Giấc mơ “vinh quy bái tổ” dường như không chỉ ám ảnh học sinh và phụ huynh Việt Nam mà là giấc mơ của hầu hết người dân châu Á vốn coi sự học là con đường thoát khỏi đói nghèo, tăm tối. Nhưng đại học đâu phải là tất cả và sự thực về kỳ thi đại học vẫn còn là dấu chấm hỏi với ngành giáo dục nhiều quốc gia.

Cuộc vật lộn với sự học

 

Hầu hết các nước châu Á đều coi trọng việc học hành và bằng cấp. Họ không ngại ngần khi đầu tư cho con em ăn học với giấc mơ được “đổi đời” và được tự hào về con cái. Chính vì thế, ngay từ khi còn nhỏ, học sinh châu Á đã được các bậc phụ huynh phủ đầu với tư tưởng: học, học và học.

 

Ấn Độ vốn tự hào là một nơi đào tạo kỹ sư hàng đầu của thế giới. Hàng năm, số lượng kỹ sư, bác sĩ họ đào tạo nhiều hơn hẳn các nước Âu Mỹ. Nhưng để được vào những trường hàng đầu và những ngành “ăn khách” thì quả thực không dễ dàng.

 

Các em không được bỏ phí một giây phút nào, cho dù là kỳ nghỉ hè. Cặp sách, ba lô của các em luôn là gánh nặng trên lưng. Các em phải học 6- 8 tiếng, thậm chí 10 tiếng mỗi ngày. Những người muốn đỗ cao còn phải luôn có gia sư kèm cặp, nhiều em có tới 5 gia sư dạy mỗi ngày! Điều đáng nói là khi được hỏi các em thích học môn nào nhất, nhiều em trả lời rằng: “Chẳng môn nào cả”.

 

Ở Trung Quốc, 77,4% người dân đề cao kỳ thi đại học. Kỳ thi cao khảo (gaokao - Thi tuyển sinh đại học) luôn được quan tâm, chú ý hàng đầu. Các bậc phụ huynh đều cho rằng kỳ thi đại học quyết định toàn bộ tương lai con cái họ. Áp lực học hành đè nặng lên con cái họ hơn bao giờ hết.

 

Sau mỗi giờ học, chỉ không đầy 20% học sinh Trung Quốc dành thời gian cho vui chơi, giải trí, tham gia các hoạt động ngoại khóa, hầu hết các em giành thời gian “đánh vật” với sách vở và bài tập.

 

Theo một cuộc điều tra của Trung tâm nghiên cứu thanh thiếu niên, nhi đồng Trung Quốc cho hay: Trung bình mỗi học sinh Trung Quốc mất 8,6 thời gian học hành, nhiều em mất 12 tiếng, nhiều hơn thời gian bố mẹ chúng làm việc. Cuộc chiến vào đại học không chỉ đeo đuổi các em từ khi các em còn bước chân vào trường học mà còn là cuộc chiến của các bậc phụ huynh kiếm tiền, đút lót… để con được vào các trường điểm và giúp con học thêm được nhiều hơn nữa.

 

Tình trạng này cũng rất phổ biến ở Hàn Quốc. Thông thường, vào ngày thi Đại học (CSAT), mọi hoạt động và tâm điểm của xứ kim chi đều ưu tiên cho kỳ thi này. Nó luôn được nhắc đến với cụm từ “kỳ sinh tử” bởi sự khốc liệt của nó.

 

Ở Hàn Quốc, học sinh muốn bước chân vào đại học phải có chứng chỉ TOEFL, nhưng số lượng đăng ký thi TOEFL ở đất nước này tăng nhanh đến nỗi nó tạo nên một “cuộc khủng hoảng TOEFL”.

 

Theo số liệu của Viện khảo thí giáo dục Mỹ (ETS) - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Princeton, bang New Jersey, số người muốn tham gia kì thi Toefl tại Hàn Quốc tăng lên rất nhanh, từ 50.311 người vào năm 2001 lên 130.000 người vào năm 2006. Điều này, khiến các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng. Nhiều người đã phải đưa con đến những nước lân cận để thi lấy chứng chỉ.

Con đường vào đại học của học sinh châu Á - 1

Học sinh Hàn Quốc bước vào kỳ thi CSAT.

Trung bình mỗi tháng, một gia đình trung lưu xứ Hàn phải tốn 700-1.000 USD cho con đi học thêm. Sự học khiến không ít gia đình nghèo trở nên lao đao. Còn học sinh thì tỏ ra chán nản và cực ghét những kỳ nghỉ đông và nghỉ hè, đơn giản vì thời gian đó chúng càng phải học thêm nhiều hơn.

 

Ngày thi đại học là ngày mà nhiều bậc phụ huynh đón đợi để hiện thực hóa giấc mơ. Nhưng những áp lực học hành nhiều khi vô tình biến đây trở thành ngày thảm họa của các học sinh. Nhiều học sinh Ấn Độ bỏ đi trước khi thi, Hàn Quốc thì năm nào cũng xảy ra các vụ tự tử… Và nhất là tình trạng tiêu cực trong thi cử không năm nào là không diễn ra. Hàng trăm dụng cụ gian lận công nghệ cao được sử dụng, hàng nghìn vụ gian lận bị phát giác…

 

Ở phương Tây, thực trạng này không phải không có, nhưng chế độ khoa cử không khắc nghiệt, công việc không nặng bằng cấp nên áp lực với học sinh cũng không nặng nề như các nước phương Đông.

 

Những đổi thay nhỏ nhặt

 

Nếu như Việt Nam đang tích cực để tiến tới sáp nhập kỳ thi ĐH và kỳ thi tốt nghiệp THPT thì các nước châu Á khác cũng cố gắng thay đổi hình thức thi cử. Nhưng nhiều người vẫn nghi ngờ tính hiệu quả của những chính sách này.

 

Ở Hàn Quốc, Bộ Giáo dục mong muốn thay đổi hình thức thi cử vì chỉ một bài thi thì không thể đánh giá được học sinh. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là ý kiến nêu ra, còn biện pháp cụ thể thì vẫn chưa có. Còn Trung Quốc kỳ thi gaokao vẫn được duy trì và cũng chưa có nhiều cải thiện với áp lực học hành như hiện nay cho dù các bậc phụ huynh, học sinh và giới truyền thông kêu ca rất nhiều.

 

Tuy nhiên, lỗi không chỉ ở ngành giáo dục mà còn ở các bậc phụ huynh. Nếu như họ không kè kè bên con, không bó buộc con trong khuôn khổ học hành thì có lẽ tình trạng tự tử hay bỏ nhà sẽ giảm đi rất nhiều. Phải chăng, ngành giáo dục các nước cũng cần nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh về vai trò của học hành và vui chơi, giải trí của các em học sinh. Sự thực đã cho thấy rằng, nhiều học sinh nông thôn, nhà nghèo không học thêm nhiều nhưng vẫn đỗ vào các trường đại học danh tiếng với kết quả rất cao.

 

Để thay đổi được quan niệm, tư tưởng truyền thống đó, có lẽ vẫn còn phải đi một con đường rất dài.

 

Ở Mỹ, kỳ thi đầu vào đại học không có, chỉ có kỳ thi kiểm tra chất lượng đầu vào đại học mà học sinh các quốc gia đều có thể tham gia (SAT) tổ chức 7 năm một lần. Học sinh có thể đăng ký dự thi vào những thời điểm thuận lợi nhất cho mình, họ cũng có thể thi nhiều lần để lấy điểm cao. Với kỳ thi này, tất cả học sinh đều cảm thấy rằng mình luôn có cơ hội chứ không như những kỳ sinh tử ở một số nước châu Á. Kết quả thi SAT cũng không quyết định hoàn toàn liệu thí sinh có được vào đại học hay không mà nó còn tính nhiều yếu tố khác như thành tích học tập, hoạt động ngoại khóa, thư giới thiệu…

 

Chúng ta coi trọng tri thức mà xem thường nhiều yếu tố khác cũng cần thiết không kém đối với học sinh. Phải chăng, nước Mỹ đã cân bằng được những yếu tố học thuật, tình cảm, hoạt động xã hội… nên họ trở thành nước có nền giáo dục bậc nhất thế giới?

 

Khuyến khích các em học sinh học hành là điều rất nên thế nhưng ép buộc lại là chuyện khác. Nếu các em chỉ biết vùi đầu vào sách vở và đối phó với các kỳ thi thì kiến thức xã hội, cuộc sống sẽ bị hạn chế rất nhiều. Không ít học sinh các nước thèm muốn được chơi với bạn đồng trang lứa hay được bố mẹ dẫn đi đây đi đó nhưng việc học đã kéo hết thời gian vui chơi mà lẽ ra các em phải có.

 

H.P

(Tổng hợp từ NewAmericaMedia,

The New York Times, Chosun Ilbo)