Học nghề:

“Con đường mòn” ngoằn nghèo thiếu an toàn?

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã thẳng thắn cho rằng chỉ có những học sinh “sa cơ lỡ vận” mới bước vào. Lý do vì đó là “con đường” chưa an toàn, chưa tới đích.

Lãng phí… hàng trăm nghìn thanh niên mỗi năm

Lãng phí… hàng trăm nghìn thanh niên mỗi năm

Ngày 20-12, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội thảo phân luồng học sinh (HS) THCS và THPT nhằm chỉ ra thực trạng công tác phân luồng HS, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp cũng như kiến nghị với Chính phủ nhằm đầy mạnh công tác phân luồng. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cùng Thứ trưởng Bùi Văn Ga chủ trì Hội thảo.

Nêu lên thực trạng việc phân luồng hiện nay đang hết sức khó khăn, ông Dương Đình Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT  cho biết, trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến 2010, mỗi năm có khoảng trên 300.000 HS tốt nghiệp THCS không vào học THPT. Một phần trong số đó có thể vào học trong các cơ sở GD thường xuyên để lấy bằng bổ túc văn hoá. Một phần vào học trong các trường dạy nghề hoặc trung tâm dạy nghề. Một số học tại các trường TCCC. Và phần còn lại ra thị trường lao động khi chưa được đào tạo lấy một nghề.
Nếu tính cả số HS bỏ học THPT, thi trượt tốt nghiệp lớp 12, thi trượt CĐ-ĐH mỗi năm thì con số thanh niên chưa được đào tạo nghề nghiệp sẽ lên tới hàng trăm nghìn người mỗi năm. Hậu quả là một số lượng lớn thanh niên đến tuổi lao động động chưa được đào tạo nghề và kể cả học văn hoá đã tạo ra sự lãng phí lớn cho xã hội và tác động đến tính hiệu quả của hệ thống GD-ĐT.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng đưa ra nhận định, hầu như HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên THPT, sau đó thi vào ĐH, CĐ. Tỷ lệ các em sau THCS sang học các hệ nghề nghiệp rất thấp, chỉ khoảng 5 - 6%, còn rất xa so với chỉ tiêu 30% mà Bộ Chính trị giao. Điều này gây áp lực rất lớn cho các trường ĐH- CĐ. Ngược lại, các trường TCCN, trường dạy nghề tuyển sinh vô cùng khó khăn. Nghịch lý là trong khi đó, những nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp lại rất cần người có kỹ năng nghề nghiệp ở bậc nghề, TCCN.

Theo thống kê từ các địa phương gửi về Bộ GD&ĐT, trong 2 năm học 2010 - 2011, 2011 - 2012, tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS vào THPT chiếm trên 70%; tỷ lệ tốt nghiệp THCS tham gia bổ túc THPT chiếm khoảng trên 8%. Chỉ có 1,8% tốt nghiệp THCS vào học TCCN (năm 2010-2011) và 2% (năm 2011-2012).

“Việc phân luồng hiện nay là thách thức rất lớn trong nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo cũng như cân đối nguồn nhân lực trong các ngành kinh tế khác nhau” – Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết.

Hướng nghiệp “chết” luôn từ trong nhà trường

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, nguyên nhân đầu tiên khiến phân luồng chưa đạt được mục tiêu như mong muốn là do nhận thức của người dân, nhà trường và xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế. Nhiều gia đình và HS không lượng sức học của bản thân, điều kiện kinh tế gia đình để tìm con đường học nghề từ sớm. Tiếp đó là sự nghèo nàn trong hệ thống thông tin, thiếu việc làm trên thị trường lao động và điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Việc các DN đòi hỏi người dự tuyển phải tốt nghiệp THPT cũng là trở ngại cho công tác phân luồng.
Nói về nguyên nhân chủ quan, Thứ trưởng thừa nhận công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường THPT còn yếu. Quy mô, điều kiện của các cơ sở dạy nghề và TCCN chưa đáp ứng được nhu cầu. Khả năng liên thông hạn chế từ TCCN lên ĐH, CĐ... Cơ cấu hệ thống giáo dục trung học và sau trung học cũng ảnh hưởng đến phân luồng với sự mở rộng quá nhanh các trường THPT, trong khi hệ thống các cơ sở đào tạo sau trung học chưa đáp ứng nổi nhu cầu học tập học sinh tốt nghiệp THPT, dẫn đến sự “dồn toa” khá lớn...
Lãng phí… hàng trăm nghìn thanh niên mỗi năm

Phân tích nguyên nhân dẫn đến thất bại trong công tác phân luồng, hướng nghiệp, TS Lê Đông Phương, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng cho rằng “Giáo viên phổ thông không thích dạy hướng nghiệp, trong khi HS thì “đói” thông tin và không được tư vấn đầy đủ, cộng thêm áp lực “cố vấn’ của gia đình, người thân và ảnh hưởng từ bạn bè. Do đó, dẫn tới việc HS chọn sai nghề”.

TS Phương cũng chỉ ra giáo dục hướng nghiệp trong trường THPT hiện nay rơi vào thực trạng thiếu biên chế, thiếu chuyên môn, thiếu chuyên trách, chuyên nghiệp, chủ yếu kết hợp, ít tương tác và không hiểu về thị trường lao động. HS không được trải nghiệm, nặng sách vở, hình thức. Phụ huynh chưa tham gia hoặc không biết, dẫn đến “giáo viên dạy một đằng, bố mẹ khuyên bảo một kiểu”.

Do số giờ của hoạt động hướng nghiệp bị giảm, kết hợp vào nội dung của môn học khác nên HS không thích hướng nghiệp. Hoạt động này bị “chết” luôn trong nhà trường THPT. Ngoài ra, tư vấn nghề nghiệp trong các cơ sở đào tạo nhân lực cũng không có cơ cấu tư vấn nghề nghiệp. Tư vấn không được bài bản, chưa đúng quy trình và việc cung cấp thông tin thị trường lao động không chính thóng, thiếu thường xuyên.

Do đó, TS Phương khuyến nghị hãy để HS là người ra quyết định về nghề nghiệp tương lai của mình. Bố mẹ, thầy cô là người chỉ cho các em thấy được khả năng thực sự, quan tâm của bản thân, hỗ trợ các em hiện thực hóa được lựa chọn của mình. Riêng môn giáo dục hướng nghiệp phải được thực hiện từ lớp 6, không đợi đến lớp 9 bởi cuộc chạy đua cho tương lai bắt đầu từ lớp 1. Hoạt động giáo dục hướng nghiệp không thể làm nửa vời như hiện nay, phải độc lập và tích hợp rõ ràng. Các trường THPT cần phải được biên chế đội ngũ giáo viên hướng nghiệp, đào tạo bài bản, cập nhật thông tin liên tục…


Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ví von: “Con đường chính đi lên THPT, CĐ, ĐH mới là đường chính. Còn có con đường mòn nho nhỏ, ngoằn nghoèo là học nghề thì không ai đi. Chí những ai sa cơ lỡ vận mới bước vào. Vì đó là con đường chưa ổn, chưa an toàn, chưa tới đích”.

Nhấn mạnh phân luồng là vấn đề lớn và rất khó và là vấn đề liên ngành, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tiếp tục khẳng định: Thực hiện phân luồng cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, không thể chỉ mình ngành Giáo dục.

Theo Bộ trưởng, cần phải giải bài toán tổng thể, vĩ mô. Vậy nên, trước mắt hội thảo cần bàn nội dung Bộ GD-ĐT, các bộ ngành có liên quan, UBND các tỉnh cần phải làm gì? Bộ GD-ĐT cần phối hợp với các cơ quan, Bộ, ngành như thế nào? Những vấn đề Bộ GD-ĐT không làm được, kiến nghị với Chính phủ, với các Bộ, ngành để có đề đạt chính xác... Đồng thời nhấn mạnh đến cơ chế chính sách, khuyến khích, hỗ trợ người học, nhà trường và các doanh nghiệp tham gia đào tạo, sử dụng lao động...

“Hội thảo cần đề xuất các giải pháp cụ thể trong 1 năm, vài 3 năm tới... Sau hội thảo, tập hợp lại các ý kiến, cân nhắc những việc chúng ta có thể làm được, từ đó tiếp tục tổ chức các hội thảo liên ngành. Với vấn đề vượt thẩm quyền sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để giải bài toán tổng thể” – Bộ trưởng giao nhiệm vụ.
Theo Ngân Hạ/Báo Hà Nội mới