Quảng Trị:

Cô thủ khoa thích học Văn

(Dân trí) -“Em rất thích học môn Văn bởi môn này rất thiết thực, những tác phẩm đều mang ý nghĩa nhất định, gần gũi với cuộc sống. Học môn Văn khiến cho tâm hồn được thư thái, bay bổng...” - chia sẻ của em Hoàng Thị Thùy Hương thủ khoa khối C vào ĐH Kinh tế Đà Nẵng.

Đó là chia sẻ của em Hoàng Thị Thùy Hương (SN 1995), có điểm thi 3 môn khối C là 21 điểm, cao nhất của Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng.

Trò chuyện với Thùy Hương ở gia đình em nơi khu phố Đông Hà (Quảng Trị), chúng tôi cảm thấy ấn tượng bởi ngoài sự hồn nhiên, vui tươi, thì trong cách suy nghĩ của em cũng bộc lộ sự chín chắn, trưởng thành.

 

Con đậu đại học, ba mẹ canh cánh nỗi lo

Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo có 5 anh em, Hương là người kém may mắn hơn bởi yếu tố sức khỏe khiến em phải học chậm một năm so với các bạn cùng lứa. Tuy vậy, trong gia đình Hương là người con gái ngoan ngoãn, học rất giỏi và được ba, mẹ đặt nhiều kỳ vọng.

Tiếp xúc với gia đình, chúng tôi cảm nhận được niềm vui vẫn hiển hiện trên khuôn mặt mẹ em là chị Trần Thị Hường. Không giấu được vui mừng, chị Hường chia sẻ: “Hôm qua, nghe cháu báo tin rằng con được 21 điểm ở 3 môn thi, vợ chồng tui vui mừng khôn xiết. Sau bao nhiêu cố gắng, nỗ lực thì bây giờ cháu cũng hoàn thành được mục đích của mình. Tuy vậy, vợ chồng tui cũng cảm thấy lo lắng bởi cháu đỗ đại học cũng đồng nghĩa với việc vợ chồng tui sẽ thêm nhiều gánh nặng. Nhưng dù vất vả bao nhiêu, vợ chồng tui cũng sẽ quyết tâm nuôi cháu cho đến ngày ra trường”.

Biết tin con đạt điểm cao, chị Hường tỏ ra vui sướng và tự hào về con
Biết tin con đạt điểm cao, chị Hường rất đỗi vui mừng và tự hào về con.

Đối với Hương, sau khi biết điểm thi, em rất vui sướng và bất ngờ vì không nghĩ mình đạt số điểm cao nhất khối. Em cho biết, ngoài việc nộp hồ sơ thi vào ngành Quản lý nhà nước của Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, em còn dự thi vào Trường ĐH Ngoại ngữ. Hương cho rằng, em rất muốn thử sức mình ở ngành học này, bởi đây là ngành rất mới. Trong quá trình học em sẽ hiểu được nhiều điều bổ ích liên quan đến lĩnh vực này.

Thấu hiểu được sự khó khăn của ba mẹ nên 5 anh em Hương đều chăm ngoan và học rất giỏi. Trong quá trình học phổ thông, ngoài thành tích học sinh giỏi, Hương còn tham gia vào đội tuyển thi học sinh Giỏi cấp thành phố và đạt được nhiều giải thưởng. Lên cấp 3, được thầy cô và bạn bè bầu làm Bí thư đoàn, em cũng rất năng động trong các phong trào của lớp, được mọi người yêu mến.

Dù đã biết kết quả thi nhưng Hương vẫn còn rất nhiều dự định cần thực hiện
Dù đã biết kết quả thi nhưng Hương vẫn còn rất nhiều dự định cần thực hiện.

Trò chuyện với chúng tôi, Hương cho biết, em rất thích học môn Văn bởi môn này rất thiết thực, những tác phẩm đều mang ý nghĩa nhất định, gần gũi với cuộc sống. Các nhân vật trong bài đại diện cho một số phận ở ngoài thực tại, qua ngòi bút của tác giả, nhân vật cũng trở nên sinh động hơn... Học môn Văn khiến cho tâm hồn được thư thái, bay bổng... Hương thừa nhận môn Sử của em có điểm thấp hơn các môn còn lại bởi có rất nhiều dữ kiện lịch sử rất phức tạp, dù em đã cố gắng đầu tư thời gian học nhưng vẫn chưa đạt như ý muốn. Bên cạnh đó, em còn có khả năng học môn Ngoại ngữ, và luôn đạt được kết quả cao ở môn này.

Để có được kết quả hôm nay, Hương đã có quá trình đầu tư thời gian học rất hợp lý. Lịch học trên lớp của em vào buổi chiều nên buổi sáng em có nhiều thời gian để học ở nhà. Trước kỳ thi, em càng dành nhiều thời gian vào việc ôn luyện, hệ thống lại kiến thức. Mỗi ngày, em thức dậy từ 4 - 5h sáng để xem lại bài; khoảng 7h, em giúp mẹ dọn dẹp hàng hóa rồi ngồi vào bàn học đến 11h trưa. Buổi tối, em thường học bài từ 8 - 11h.

Niềm vui luôn nở trên khuôn mặt của cô học trò nhỏ
Niềm vui luôn nở trên khuôn mặt của cô học trò nhỏ.

Chia sẻ về bí quyết học tập của mình, Hương cho biết: Ngoài những kiến thức có trong sách giáo khoa (SGK), em thường tìm kiếm các sách tham khảo, sách nâng cao và thường xuyên vào mạng internet để thu thập các thông tin thời sự đang diễn ra hàng ngày. “Học các môn này yêu cầu người học phải nắm kiến thức xã hội. Những kiến thức này không chỉ có trong SGK mà ở các bản tin thời sự, các trang báo, tạp chí, các tài liệu lịch sử… Bản thân em xem đó là kho tư liệu phong phú nhất để áp dụng vào quá trình học tập của mình.

"Em sẽ đi làm thêm để trang trải trong việc học"

Dù chưa nhập học nhưng Hương đã tự vạch ra cho mình kế hoạch đi làm thêm để tự trang trải, đỡ đần cho ba, mẹ. Bởi em nhận thức rằng, việc ba mẹ nuôi mấy anh em ăn học như hôm nay là một sự cố gắng lớn lao. Có lúc ba mẹ rất vất vả nhưng vì thương con, nghĩ đến tương lai của con để cố gắng làm việc, mong các con ra trường và có công việc ổn định.

Rời ngôi nhà ở quê, gia đình em lên ở nhờ nhà bác họ ở TP Đông Hà để anh em Hương có điều kiện theo học thuận lợi. Anh trai đầu của Hương là Hoàng Minh Quyết, vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế. Còn hai anh tiếp theo là Hoàng Minh Thắng, hiện chuẩn bị học năm thứ 4, Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng và Hoàng Minh Chiến, hiện đang học năm thứ 3 Trường ĐH Nông lâm Huế. Em gái út của Hương là Hoàng Thị Như Quỳnh, năm nay vào học lớp 10.

“Những năm vừa qua, để có tiền gửi vào cho các anh, ba mẹ em phải lao động cật lực để gom góp, hoặc đi mượn người thân. Ba mẹ đã vất vả vì chúng em nhiều rồi nhưng chưa có dịp để đền đáp công ơn to lớn đó. Khi vào học, em sẽ cố gắng học thật tốt, hy vọng giành được học bổng. Nếu không em sẽ đi làm thêm để đỡ đần cho ba mẹ em được chừng nào hay chừng đó” - Hương tâm sự.

Hương xem lại thông tin về điểm thi trên mạng
Bố Hương cho biết, thấy các con học tốt nên vợ chồng anh sẽ quyết tâm lao động để chu cấp cho con trong những năm tháng theo học.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Hoàng Văn Phương - bố em Hương tỏ ra rất tự hào về con gái. Lúc nghe tin con đạt điểm cao của khối, dù đang ngủ nhưng anh vội ngồi dậy để cùng chia sẻ niềm vui với con. Nhưng trong sâu thẳm suy nghĩ, khuôn mặt của anh Phương, chúng tôi biết được vợ chồng anh đang rất lo lắng. Đó cũng là mối lo chung của những bậc làm cha mẹ, dám chấp nhận gian khó để nuôi con ăn học.

Vốn là quân nhân Sư đoàn Phòng không, Không quân (367), anh trở về sinh sống nhờ những mảnh ruộng, mảnh vườn, thu nhập không đáng bao nhiêu. Dù vậy, hai vợ chồng anh luôn dốc sức lo cho các con ăn học. Những tấm giấy khen, thành tích học tập của các con như là một phần thưởng, đền đáp những vất vả của người cha mẹ.

Đăng Đức