Cơ sở vật chất trường học và nỗi băn khoăn mang tên “tài trợ”
(Dân trí) - Có những đơn vị đầu tư tiền với điều kiện chỉ dùng để làm cổng, có đơn vị lại yêu cầu đập bỏ ngôi trường cũ để xây ngôi trường mới trong khi trường cũ vẫn đang sử dụng rất tốt.
“Giá dùng tiền xây 2 cổng này mà đầu tư nâng cấp, sửa chữa cái trường mầm non thì tốt biết mấy. Ít nhất là lúc mưa gió, bão lũ cô trò không phải vất vả, nguy hiểm”, một phụ huynh chép miệng.
Thẳng thắn mà nói thì quy mô và độ hoành tráng của hai cổng trường Tiểu học và THCS Nam Cường đã vượt quá một cổng trường thông trường. Theo một cán bộ lãnh đạo Phòng GD huyện Nam Đàn cho biết: Hai chiếc cổng này là do một đơn vị tài trợ với chi phí xây dựng mỗi cổng lên tới vài trăm triệu đồng. Đơn vị tài trợ yêu cầu số tiền này chỉ dùng để xây cổng chứ không thực hiện các công trình khác với lí lẽ “các công trình khác của một trường học đã có Nhà nước lo. Do được tài trợ nên nhà trường không thể không làm bởi lẽ trường chỉ là đơn vị thụ hưởng.
Cách đây chỉ hơn một năm, một địa phương ở Nghệ An cũng nhận được sự tài trợ của một doanh nghiệp cho việc xây dựng trường tiểu học. Địa phương này là nơi có vị trí đặc biệt, hàng năm đón hàng trăm ngàn, thậm chí cả triệu khách thăm quan mỗi năm. Để có thể triển khai xây dựng ngôi trường mới, đơn vị tài trợ yêu cầu đập bỏ trường cũ. Trong khi đó, ngôi trường cũ gồm những dãy nhà cao tầng đang rất tốt, bề thế, do một Bộ tài trợ, được xây dựng và đưa vào sử dụng chưa lâu.
“Phòng GD huyện cũng đã đề nghị đơn vị tài trợ chuyển dự án đó sang một xã khác, rất khó khăn và cần được xây trường hơn ở đây nhưng doanh nghiệp không chịu. Thôi thì họ cho cái trường, dẫu biết ngôi trường cũ còn tốt nhưng mất gì mà không nhận”, trưởng phòng GD địa phương nọ cho hay.
Cách đó không xa là chiếc cổng bề thế của Trường Tiểu học xã Nam Cường. Công trình này do một cá nhân xây tặng.
Vậy là, ngôi trường cũ (thực chất cũng chưa đến nỗi cũ lắm) khang trang, bền chắc bị đập bỏ để xây dựng ngôi trường mới. Trường mới sau khi làm xong, theo đánh giá của nhiều người là không đẹp bằng trường cũ. Thậm chí, một cán bộ công tác lâu năm trong ngành giáo dục Nghệ An đã phải thốt lên: “Hiện tại, ở nhiều nơi của vùng cao Nghệ An, học sinh đang phải học trong những căn nhà làm bằng tranh tre rách nát, trong khi ở đây, một ngôi trường đồ sộ với nhiều nhà hai, ba tầng đang hết sức vững chãi lại bị phá bỏ để xây mới. Giá mà tôi có phép mầu nào đó để xin không đập bỏ, rồi bê dời những dãy nhà học và làm việc đồ sộ kia lên cho vùng cao thì hay biết bao nhiêu”.
Tôi biết ông ước chỉ để mà ước thôi chứ làm gì có phép màu để di dời một ngôi trường từ miền xuôi lên miền ngược. Chỉ biết rằng, với số tiền của doanh nghiệp kia bỏ ra xây dựng ngôi trường kể trên, có thể xây dựng một hoặc thậm chí 2, 3 trường mới ở những nơi đặc biệt khó khăn - nơi thực sự cần một ngôi trường kiên cố. Nhưng khốn nỗi, doanh nghiệp đâu có đồng ý tài trợ cho vùng cao, vùng sâu, vùng xa; bởi tài trợ cho nhưng nơi này thì mấy ai biết đến.
Một điều dễ nhận thấy là các công trình “tài trợ” này sau khi hoàn thành đều được gắn một tấm biển ghi tên đơn vị (hoặc cá nhân) đã đầu tư tiền của xây dựng nên. Đương nhiên là tấm biển dù bé, dù lớn cũng được (hay phải) đặt ở vị trí mà người khác dễ nhìn thấy nhất. Dù muốn hay không thì bất kỳ ai đi qua hay vào trường đều phải (hay được) nhìn thấy tấm biển đó.
Liệu đây có phải là lý do để nhiều doanh nghiệp chỉ đồng ý tài trợ cho những địa phương "đắc địa" - nơi có nhiều người, nhất là nhiều quan khách qua lại hàng ngày.
Hoàng Lam