Có nhất thiết “giành vé” vào lớp 10 chuyên?
(Dân trí) - Chẳng bao lâu nữa, kỳ thi vào lớp 10 THPT sẽ diễn ra. Việc giành được một “tấm vé” vào các trường THPT chuyên luôn là niềm mơ ước của rất nhiều học sinh và của cả các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, trường tốt phải đi kèm với tỉ lệ chọi cao. Chính điều này đã gây ra không ít áp lực cho các em học sinh có định hướng thi chuyên.
Không có niềm đam mê với môn học cụ thể, đừng thi vào trường chuyên
Trong năm học 2019 - 2020, theo số liệu từ Bộ GD&ĐT, có khoảng 60% học sinh sẽ được tuyển sinh vào các trường công lập, 20% học sinh tuyển sinh vào các trường dân lập (tư thục); 10% học sinh tuyển sinh vào khối trung tâm giáo dục thường xuyên và 10% còn lại sẽ vào các trường nghề. Và trong số 60% khối trường công lập đó, chỉ có một phần tỉ lệ rất nhỏ dành các trường THPT chuyên. Bởi vậy, tỉ lệ chọi cao là điều đương nhiên và áp lực sinh ra là không thể tránh khỏi.
Để tiếp thêm động lực đồng thời giúp các em học sinh có phương pháp học, ôn thi hiệu quả nhất, thầy Nguyễn Thành Công (giáo viên trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội) đã có những chia sẻ bổ ích tại buổi tọa đàm Ngày hội giới thiệu về các trường THPT tại địa bàn Hà Nội diễn ra mới đây.
Trước những căng thẳng, băn khoăn của các bậc phụ huynh với quyết định có nên cho con em mình đăng ký thi trường chuyên, thầy Nguyễn Thành Công nêu quan điểm: “Mỗi người sinh ra đều có một thiên hướng riêng. Thử hỏi có bao nhiêu phụ huynh ở đây đã khám phá được thiên hướng của con em mình là gì, hay phụ huynh quyết định cho con em mình thi trường chuyên chỉ vì đó là ý muốn của bản thân?
Thậm chí có nhiều phụ huynh muốn con mình phải sống tiếp ước mơ của mình. Và điều đó có thể nói là quá “ác độc” đối với các em”.
Theo thầy Công, bản thân các em học sinh cần phải xác định rõ đam mê của mình. Nếu không có niềm đam mê với một môn nào đó thì đừng cố gắng thi chuyên bởi điều đó sẽ khiến các em căng thẳng hơn rất nhiều.
Chất lượng đào tạo của các trường chuyên tốt. Nhưng điều đó không có nghĩa là các trường công lập, dân lập còn lại đều có chất lượng thấp. Thực tế chỉ ra rằng, trong những năm gần đây, các trường dân lập nổi lên đóng vai trò lớn trong hệ thống giáo dục THPT với chất lượng đào tạo cũng không thua kém bất cứ trường chuyên nào. Đó cũng sẽ là những “bến đỗ” rất tốt mà các em học sinh có thể lựa chọn.
“Ngôi trường tốt nhất không phải là ngôi trường xếp thứ hạng bao nhiêu, có bao nhiêu học sinh giỏi, bao nhiêu học sinh đạt giải mỗi năm mà ngôi trường tốt nhất phải là ngôi trường phù hợp với bản thân các em nhất”, thầy Nguyễn Thành Công chia sẻ.
Áp lực đến do chưa nắm vững kiến thức
Thời điểm hiện tại đến hết tháng 5, học sinh còn hơn 7 tháng để ôn tập và chuẩn bị cho mình một tâm thế thật tốt để bước vào kỳ thi giành tấm vé vào các trường THPT chuyên. Nếu đã lựa chọn thi trường chuyên, bản thân mỗi em học cần phải xác định cho mình một phương pháp học tập đạt hiệu quả và lên kế hoạch học tập thật cụ thể.
Theo thầy Nguyễn Thành Công, quá trình ôn thi sẽ được chia thành 4 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là khởi động. Ở giai đoạn này, các em cần phải ôn tập thật chắc những kiến thức cần thiết để bước vào chương trình lớp 9, tránh tình trạng “hổng” kiến thức.
Giai đoạn thứ hai là giai đoạn vượt chướng ngại vật. Vào thời điểm này, nhiều bạn có thể bị vướng vào tình trạng chán nản và đuối sức do chưa chuẩn bị tốt ở giai đoạn thứ nhất. Để giải quyết vấn đề này, các em học sinh phải tự cố gắng nhiều hơn ôn tập lại kiến thức và nâng cao chương trình đang học để dần tiệm cần với kỳ thi THPT chuyên.
Giai đoạn thứ ba từ tháng 12 đến tháng 3, bắt kịp đà tăng tốc, kết hợp ôn tập nâng cao và hệ thống toàn bộ chương trình. Và giai đoạn cuối cùng hãy tập trung vào luyện đề để làm quen với dạng bài thi, kiểu ra đề thi của các trường.
Trong 2 tháng cuối trước khi bước vào kỳ thi cũng chính là giai đoạn quan trọng nhất, thầy giáo Nguyễn Thành Công có lời khuyên: “Tốt nhất nên luyện 2 đề mỗi môn/tuần, không nên làm quá nhiều đề và cũng không nên tham dự các kỳ thi thử quá nhiều. Thi thử là cần thiết. Tuy nhiên, thi thử quá nhiều sẽ khiến các em bị áp lực và bỏ lỡ các buổi học quan trọng dẫn đến những hệ quả không tốt”.
Bên cạnh kỳ thi chuyên, các em học sinh sẽ phải trải qua kỳ thi chung của Sở. Đến tháng 3, khi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố môn thi thứ tư, để tránh tình trạng “mất gốc” kiến thức thì ngay từ bây giờ, các em hãy tận dụng thời gian trên lớp để nghe giảng và ghi chép đầy đủ.
“Tình trạng chung của các bạn học sinh cuối cấp hiện nay là… khá lười. Các em không tiếc thời gian của mình cho những việc vô bổ. Vì vậy, nhiều bạn bảo rằng áp lực kỳ thi lớn nhưng thực chất là các em chưa chuẩn bị tốt cho việc ôn tập mà thôi. Một khi đã nắm chắc kiến thức thì các bạn hoàn toàn có thể tự tin bước vào kỳ thi”, thầy Công khẳng định.
Học sinh trường chuyên là những “con gà công nghiệp”?
Các trường THPT chuyên có đầu vào cao hơn thông qua việc tuyển chọn khắt khe, đòi hỏi lực học của học sinh phải ở loại giỏi trở lên. Bởi vậy, có ý kiến đánh đồng các học sinh trường chuyên với những “con gà công nghiệp” hay “mọt sách” và thiếu kỹ năng sống.
Chương trình học ở các trường chuyên nặng hơn rất nhiều so với các trường THPT khác. Tuy nhiên, các thầy cô giáo ở đây luôn sẵn sàng giúp đỡ các em học sinh.
Bên cạnh hoạt động về học tập, các trường THPT chuyên cũng có rất nhiều các câu lạc bộ (CLB) tạo môi trường cho các em sinh hoạt để rèn luyện kỹ năng mềm và giao lưu, bạn bè.
Theo bạn Trần Mạnh Quân (cực học sinh trường THPT Chuyên Ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội), ở trường Chuyên Ngữ có rất nhiều các hoạt động ngoại khóa thuộc nhiều lĩnh vực trong suốt cả năm học. Ví dụ như CLB khoa học, âm nhạc, CLB hùng biện, CLB lãnh đạo. Mỗi CLB sẽ hoạt đông dưới hình thức meeting hàng tuần và thông qua các sự kiện lớn, các cuộc thi lớn như cuộc thi hùng biện, chương trình “Sắc màu chuyên Ngoại Ngữ”…
Bạn Trần Mạnh Quân (áo đen chia sẻ trải nghiệm ở trường chuyên.
“Mình đã từng được đi trao đổi với các trường THPT chuyên khác như chuyên Sư phạm, THPT Amsterdam, THPT Chu Văn An thì có một sự thật là hầu hết tất cả các hoạt động của họ đều rất mạnh”, Mạnh Quân chia sẻ.
Bởi vậy, học sinh trường chuyên không phải chỉ biết mỗi học mà các em vẫn vô cùng năng động, sáng tạo và được rèn luyện kỹ năng sống thông qua các hoạt động ngoại khóa của trường.
Hồng Nhung (ghi)