Cơ hội rộng mở khi học nghề tại New Zealand
Trong những năm trở lại đây, nền giáo dục New Zealand nổi lên như một hiện tượng và trở thành “khoản đầu tư thông minh” mà bất cứ sinh viên nào cũng nên nghĩ đến khi nuôi giấc mơ du học.
Tại sao nên du học tại New Zealand?
Với nhiều sinh viên, du học là một khoản đầu tư lớn. Không ai muốn “thua lỗ” khi học xong, bằng cấp không được nhiều quốc gia công nhận và bản thân vẫn loay hoay tìm cách vận dụng kiến thức vào thực tế. Chính vì khoản đầu tư càng cao, những đắn đo, cân nhắc và tiêu chí sàng lọc cũng càng nhiều.
Trong những năm trở lại đây, nền giáo dục New Zealand nổi lên như một hiện tượng và trở thành “khoản đầu tư thông minh” mà bất cứ sinh viên nào cũng nên nghĩ đến khi nuôi giấc mơ du học. Bằng cấp của sinh viên học tại New Zealand được công nhận toàn cầu. Đây là “điểm cộng” giúp hồ sơ tìm việc của những sinh viên này có thêm “sức nặng” và gây ấn tượng ban đầu khá tốt với các đơn vị tuyển dụng. Với “tấm hộ chiếu” này, các du học sinh tại New Zealand sẽ tự tin chinh phục những cơ hội nghề nghiệp tại bất cứ quốc gia nào mà họ muốn.
Ngoài ra, chương trình giảng dạy tại các trường Đại học New Zealand luôn hướng tới việc giúp sinh viên phát triển khả năng tư duy và suy nghĩ sáng tạo, đồng thời trang bị cho họ cả kiến thức lý thuyết lẫn kinh nghiệm thực tế. Nhờ chương trình giảng dạy mang tính ứng dụng cao, có nhiều yếu tố thực tiễn và có mối quan hệ chặt chẽ với môi trường làm việc thực tế, sinh viên New Zealand có khả năng làm việc ngay sau khi tốt nghiệp, một phẩm chất rất hấp dẫn đối với nhà tuyển dụng toàn cầu.
Cuối cùng, với đa dạng lựa chọn, sinh viên du học tại New Zealand chắc chắn sẽ tìm ra môi trường và chương trình học phù hợp nhất với mình. Quốc gia này hiện có 8 trường đại học công lập, 16 học viện kỹ nghệ, 3 wananga (cơ sở đào tại đại học của người Maori) uy tín, sở hữu cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp, đẳng cấp thế giới.
Học nghề hay học đại học?
Lựa chọn được điểm đến du học lý tưởng là New Zealand nhưng nhiều sinh viên Việt Nam vẫn không biết nên quyết định học nghề hay học đại học. Phân tích những điểm giống và khác nhau của hai hình thức du học này sẽ giúp sinh viên có được lựa chọn phù hợp nhất với chính mình.
Điểm đầu tiên, nổi bật và quan trọng nhất mà chỉ du học sinh tại New Zealand mới có thể cảm nhận đó là dù có bằng nghề hay bằng đại học, họ đều được xem trọng và có cơ hội nghề nghiệp bình đẳng như nhau. Không còn phải giữ tâm lý “bị thua thiệt” so với những sinh viên tại các trường đại học, học viên tại các học viện kỹ nghệ vẫn được đánh giá trên năng lực thực sự của họ và đứng trước rất nhiều cơ hội rộng mở không hề kém cạnh.
Đáng chú ý, tại New Zealand, dù học nghề hay theo đuổi con đường học thuật, sau khi tốt nghiệp, các sinh viên đều có thể tiếp tục học cao lên để lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ. Chính đặc điểm này đã tạo cho những học viên cơ hội trau dồi thêm kỹ năng và chuyên môn, vươn đến đỉnh cao trong lĩnh vực của mình và trở thành những lao động ưu tú, xuất sắc nhất trên thị trường.
Dù là học nghề hay học đại học đều có thể lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ
Ngoài ra, các học viện kỹ nghệ và đại học tại New Zealand đều có rất nhiều chương trình, khóa học và lĩnh vực đào tạo phù hợp với nhu cầu đa dạng của cá nhân học viên. New Zealand áp dụng phương pháp giảng dạy lấy học viên làm trọng tâm. Phương pháp dạy học này giúp sinh viên phát triển tối đa tiềm năng của mỗi cá nhân và sẵn sàng gia nhập lực lượng lao động toàn cầu sau khi tốt nghiệp.
Bên cạnh những điểm tương đồng, học nghề và học đại học tại New Zealand cũng có những điểm khác biệt đáng quan tâm. Thứ nhất, chỉ tiêu đầu vào của những trường đại học cao hơn so với các học viện kỹ nghệ. Học viên phải hội đủ những yêu cầu về học lực, bằng cấp ngoại ngữ và khả năng nghiên cứu nhất định nếu muốn nộp đơn vào một trường đại học. Trong khi đó, nếu lựa chọn các học viện kỹ nghệ thì những yêu cầu này sẽ ít khắt khe hơn.
Thêm nữa, sinh viên đại học phải chi trả khoản học phí mỗi năm cao hơn so với học viện học nghề. Đó là chưa kể thời gian học đại học thường lâu hơn học nghề nên chi phí tổng cộng để đầu tư cho việc học đại học thậm chí còn cao hơn rất nhiều.
Cuối cùng, chương trình học tại đại học thường hướng sinh viên tập trung vào nghiên cứu học thuật chuyên sâu và rèn luyện kỹ năng quản lý, trong khi sinh viên tại các học viện kỹ nghệ lại tập trung vào thực hành. Trọng tâm chương trình tại các học viên kỹ nghệ thường xoay quanh những kiến thức mang tính ứng dụng cao và kinh nghiệm thực tế.
Tùy vào định hướng nghề nghiệp, hoàn cảnh của gia đình và nhu cầu của bản thân, xem xét và tìm hiểu kĩ lưỡng về hai hình thức đào tạo này sẽ giúp bạn chọn lựa cho mình con đường phù hợp nhất để trải nghiệm nền giáo dục tiến bộ tại New Zealand.
Thông tin chi tiết tại: https://www.studyinnewzealand.govt.nz/
K.M