Cơ hội nào cho sinh viên kinh tế làm việc trái ngành?
(Dân trí) - Cùng nghe các chuyên gia tuyển dụng giải quyết khúc mắc của nhiều bạn sinh viên kinh tế đang tìm kiếm cơ hội việc làm và thử việc tại các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
Ngày 23/12, chương trình Ngày hội việc làm khối ngành kinh tế được tổ chức tại ĐH Thương Mại, Hà Nội.
Ngày hội việc làm này đã thu hút gần 3.500 sinh viên ghé thăm 30 gian hàng của các doanh nghiệp. Đặc biệt, trong khuôn khổ ngày hội, BTC còn mở cuộc tọa đàm mang chủ đề "Nhân lực thời hội nhập - Nhà tuyển dụng cần gì ở sinh viên năm cuối?".
Buổi tọa đàm là sự kiện thu hút đông đảo sinh viên nhất. Các bạn sinh viên từ ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia HN, ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế quốc dân... đã cùng tham gia, đặt câu hỏi cho các nhà tuyển dụng.
Trả lời thắc mắc của các bạn sinh viên là các nhà quản lí uy tín đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn: ông Vũ Tú Thành - Phó GĐ khu vực Đông Nam Á Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, ông Nguyễn Trần Đại - Trưởng văn phòng đại diện miền Bắc tập đoàn Hoa Sen, ông Nguyễn Cảnh Bình - GĐ Alphaboooks.
Là một người có kinh nghiệm thực tiễn và nghiên cứu kinh tế trong nhiều năm, ông Vũ Tú Thành chia sẻ: "Trong các phương án tuyển dụng nhân sự, chúng tôi chỉ tuyển những người phù hợp nhất chứ không tuyển những người giỏi nhất. Điều quan trọng nhất chính là thái độ làm việc".
Bạn Quân, SV năm thứ 2, ĐH Ngoại thương đặt câu hỏi: "Chúng em nên tham khảo cách thức làm việc ở các công ty từ đâu để có kinh nghiệm trước khi đi vào thực tế?".
Ông Nguyễn Cảnh Bình trả lời rằng: "Bạn nên tiếp cận với những thông tin trên mạng đầu tiên. Hiện nay, hầu hết những câu hỏi các bạn đặt ra, mạng Internet đều có thể trả lời cho các bạn. Thứ hai là bạn có thể đọc sách để tìm hiểu, có rất nhiều cuốn sách bạn có thể tìm đọc như "Bản CV hoàn hảo" chẳng hạn".
Bạn Hồng Vân, sinh viên ĐH Thương mại hỏi rằng: "Nếu phải lựa chọn giữa du học sinh có trình độ tiếng Anh tốt và sinh viên Việt có trình độ tương đương thì các nhà tuyển dụng sẽ chọn ai?".
Ông Nguyễn Trần Đại thẳng thắn nói: "Chúng tôi đang tuyển nhiều sinh viên đi học nước ngoài về nhưng chúng tôi không thiên vị. Trong quá trình tuyển dụng và thử việc, chúng tôi sẽ đánh giá, so sánh, sàng lọc để xét xem nhân sự nào phù hợp với vị trí nào thì sẽ đưa vào vị trí đó".
Bạn Tô Hồng Hạnh, SV năm thứ 4 khoa Kế toán - kiểm toán của ĐH Thương mại hỏi rằng: "Em muốn thực tập ở các doanh nghiệp thì phải làm thế nào để nộp hồ sơ?".
Ông Đại tiếp tục giải đáp: "Ngày hội việc làm chính là cơ hội tiếp cận doanh nghiệp của sinh viên. Chúng tôi sẽ đánh giá các bạn ngay trong quá trình các bạn thực tập để quyết định có tuyển dụng hay không, như vậy bạn cũng không mất thời gian thử việc".
Bạn Sơn, đến từ ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội có câu hỏi khá "nóng" như sau: " Em thấy SV ngành kinh tế ra trường thường không làm việc đúng chuyên ngành. Vậy các nhà tuyển dụng có đánh giá thấp SV không làm đúng chuyên ngành không, và cơ hội dành cho những người trái chuyên ngành khi đi thi tuyển là như thế nào? Bên cạnh đó, nhà tuyển dụng đánh giá ra sao về những người trẻ thường xuyên "nhảy việc"?".
Ông Vũ Tú Thành nhận xét câu hỏi của bạn Sơn là một vấn đề mang tính thời sự. Ông nói: "Tôi cũng là người làm việc không đúng chuyên ngành. Tôi cho rằng không ai đánh giá bạn khi bạn không theo chuyên ngành được đào tạo ở trường, nhưng quan trọng là bạn đang làm công việc gì và bạn có kiến thức về công việc hiện tại hay không. Khi đi tuyển dụng mà nhà tuyển dụng không nhận thấy được khả năng của bạn thì bạn nên đi, không để người ta đánh giá".
Tiếp nối ý kiến của ông Thành, ông Bình kể lại câu chuyện: "Đã từng có người phỏng vấn tôi vì sao tôi học chuyên ngành Hóa học ở ĐH Bách khoa mà lại mở công ty phát hành sách. Tôi trả lời rằng, số giờ tôi học Hóa ở đại học chỉ vài trăm giờ, còn đọc sách thì tôi đã đọc từ khi còn nhỏ. Như vậy tính ra tôi đã được "đào tạo" trong ngành sách còn lâu hơn Hóa học.
Chính vì vậy, chúng tôi quan niệm tuyển nhân sự đúng chuyên ngành, nếu trái chuyên ngành, bạn phải chứng minh được vì sao bạn lại thay đổi chuyên ngành, bạn đã tích lũy được những kiến thức, thành tựu gì trong chuyên ngành mà bạn đang muốn theo đuổi".
Về vấn đề "nhảy việc" của người trẻ, ông Thành nhận thấy mỗi công ty có cách nhìn khác nhau. "Tuỳ vào mô hình của mỗi công ty khác nhau mà người ta có đánh giá xấu việc nhảy việc hay không. Ví dụ, có một số công ty công nghệ thông tin chỉ có nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong một thời gian, họ sẵn sàng để nhân viên ra đi để đào tạo một lứa mới chứ không chấp nhận tăng lương hay đãi ngộ".
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trần Đại lại khá khắt khe trong vấn đề người trẻ nhảy việc bởi văn hóa tập đoàn ông đề cao hai chữ "trung thành". Chính vì vậy, ông rất "ngại" với những nhân sự liên tục "nhảy việc" vì mất thời gian đào tạo.
Câu hỏi cuối cùng của các bạn sinh viên do bạn Trương Thanh Hiền, SV ngành Marketing, ĐH Thương mại đặt ra: "Xin hỏi làm cách nào để thể hiện được thái độ làm việc tích cực, khát khao cống hiến của mình qua quá trình thử việc?".
Cả ba nhà tuyển dụng đều đồng tình với câu trả lời rằng nhân sự phải chủ động, đúng giờ và biết phối hợp với đồng nghiệp trong công việc; thực hiện đúng quy định của công ty và theo văn hóa của công ty.
Mai Châm