Quảng Nam:
Cô giáo vùng cao vá áo ấm cho học sinh
(Dân trí) - Ngoài là một giáo viên xinh đẹp, giỏi giang… cô Thu Ba còn khéo léo tự tay sửa lại những chiếc áo ấm của mạnh thường quân gửi tặng cho học sinh của mình mặc cho vừa…
Cô là Nguyễn Thị Thu Ba - giáo viên chủ nhiệm lớp 5/2, trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Mỗi lần công tác lên huyện Nam Trà My, tôi thường ghé trường để chứng kiến những thay đổi của ngôi trường miền núi cao này. Trước đây trường cũng xập xệ xuống cấp, nhưng được nhà nước đầu tư, mạnh thường quân hỗ trợ, ngôi trường giờ đã rất khang trang.
Đặc biệt, ngôi trường này có những cô giáo trẻ xinh đẹp, cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho các em ở vùng núi rừng này. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Ba là một trong những giáo viên cũng đã dành cả tuổi thanh xuân của mình cho các em.
Cứ mỗi đầu năm học, các mạnh thường quân lại gửi áo quần đồng phục lên cho học sinh của trường và lớp cô làm chủ nhiệm. Đầu năm học 2020-2021, lớp của cô Thu Ba chủ nhiệm có 33 em học sinh và được nhận 33 bộ đồng phục áo trắng quần xanh từ mạnh thường quân từ đồng bằng.
Với thể trạng nhỏ bé của học sinh miền núi nên đồng phục cho các em thường không vừa cỡ. Có chiếc quần đồng phục các em mặc đến tận cổ, áo thì rộng thùng thình. Trong số hàng chục bộ đồng phục được mạnh thường quân tặng, chỉ khoảng một nửa lớp mặc vừa, còn lại là quá rộng.
Không thể lãng phí và các em có đồ mới mặc, cô Thu Ba lại xắn tay lên sửa lại tất cả cho vừa từng em mặc. Bộ nào quá rộng, cô tháo lại hết ra và đo may lại cho vừa vặn đến từng em. "Chiếc quần nào dài thì cắt bớt, lên lai cho đẹp. Chiếc quần nào rộng thì tháo lưng ra may lại cho vừa, chứ không thì rộng lắm, không em nào có thể mặc vừa", cô Thu Ba chia sẻ.
Nói về nghề may vá, cô Thu Ba chia sẻ, trước đây khi học sư phạm tiểu học ra trường chưa xin được việc làm, cô có học lớp may căn bản, biết sử dụng máy may để có thể tự may đồ cho mình và cho con mình say này; do đó, giờ đồ của học sinh của mình dù rộng hay chật cô đều ra tay sửa chữa lại để các em mặc cho vừa.
"Mình nay vá không bằng họ nhưng sửa chữa lại đồ thì cũng được. Nhờ thế, đồ của các mạnh thường quân gửi tặng nếu chật hay rộng gì thì em đều sửa lại hết cho các em mặc, nên bộ đồng phục nào cũng được sử dụng", cô Thu Ba chia sẻ.
Đó là vào đầu năm học, đến mùa đông lạnh giá này, cô cùng nhà trường đi vận động áo ấm cho các em. Khi nhận được áo ấm của mạnh thường quân không phải cái nào cũng sử dụng được. Có cái bị rách chút xíu, có cái hơi rộng… Những việc này là nhỏ đối với cô.
Sau khi nhận được đồ ấm, cô kiểm tra kỹ từng chiếc. Chiếc áo nào em nào mặc vừa thì mặc, chiếc nào hơi rộng thì cô sửa chữa lại ngay, chiếc nào bị rách hay hư hỏng thì cô cũng sửa lại luôn. Nhờ thế, các em học sinh miền núi lại có áo ấm mặc trong mùa đông giá rét.
Không những may vá lại áo quần cho các em mặc, cô Thu Ba còn "ra tay" làm đẹp cho các em. Mùa dịch Covid-19, sau kì nghỉ dài, các em học sinh ở các thôn, nóc xa trở lại trường em nào móng tay, tóc cũng dài ra. Thấy vậy nên cô "trổ nghề", cắt tóc và móng tay cho các em gọn gàng.
Nhất là vào năm học mới, đầu tóc các em thường dài, ở nhà bố mẹ các em lại không có điều kiện cắt nên khi đến trường là cô đều cắt ngắn hết cho các em. Dụng cụ, tông-đơ cô, bấm móng tay cô đi xin mạnh thường quân hỗ trợ. Vì thế, đầu năm học mới, tóc tai em nào cũng gọn gàng.
Không những thế, trong năm học, hễ thấy em nào tóc quá lứa là cô cắt hết. Cắt tóc xong, cô lại cắt móng tay. Cắt xong, cô lại dẫn các em đi tắm gội cho sạch sẽ vì đầu em nào chí cũng nhiều.
"Các em học sinh ở đây chí nhiều lắm, có em mang "cả đầu chí". Tắm gội mà chí rớt xuống cả mớ, nhìn thấy ghê lắm nhưng ở đây các em quen rồi. Nếu giáo viên không giúp các em thì không ai làm cả", cô Thu Ba chia sẻ.
10 năm gắn bó với trường, gắn bó với các em học sinh, giờ cô đã "lỡ yêu" các em học sinh vùng núi này. Cô Thu Ba đã lập gia đình và 2 con nhỏ. Khi được hỏi, bao giờ cô "hạ sơn". Cô nói "Giờ chưa nghĩ đến việc về xuôi vì em đã yêu nơi này, yêu các em ở đây rồi. Không nỡ xa các em ở đây".
Thầy Lê Huy Phương - Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, xã Trà Tập cho biết, nhiều giáo viên của trường "làm thêm" lắm. Nào là đi xin quần áo, sách vở, đồ dùng cho các em. May mắn là khi cần gì thì các mạnh thường quân đều hỗ trợ cho các em ở trường.
"Ở trường, có nhiều cô giáo tận tâm với học sinh. Việc may vá, cắt tóc, nấu ăn cho học sinh có nhiều cô làm được. Thấy học sinh thiếu thốn thì đi xin mạnh thường quân. Thầy cô nào xin được nhiều thì chia sẻ bớt cho những lớp mà thầy cô xin được ít hơn; mục đích cũng là đem đến cuộc sống tốt hơn cho các em học sinh ở vùng núi cao này", thầy Phương nói.