Cô gái làng chài trở thành người tư vấn chiến lược tại Hoa Kỳ
(Dân trí) - Hà Giang, cô gái từ làng chài nhỏ ở miền Trung vươn ra thế giới với suất học bổng toàn phần 6 tỷ đồng đến Mỹ nay đã tốt nghiệp cử nhân Kinh tế toán và trở thành người tư vấn chiến lược tại đây.
Sinh ra ở một làng chài nhỏ nhưng từ lâu, cô bé miền Trung Nguyễn Thị Hà Giang (sinh năm 1997) đã luôn mơ ước được vươn xa.
Cũng chính sức mạnh của ước mơ đã cho Giang động lực để vượt lên những thất bại và đưa ra những quyết định khá mạo hiểm sau khi trượt học bổng UWC năm lớp 11.
Năm 2016, cô gái 9X được 6 trường ĐH Mỹ gửi thư cấp học bổng. Trong đó, Pitzer college là trường đại học giáo dục khai phóng nổi tiếng với tỉ lệ chấp nhận chỉ 13%, một năm chỉ nhận vài sinh viên quốc tế đã cấp học bổng trị giá tới 64.000 USD/năm (gần 6 tỷ đồng trong 4 năm học) cho Hà Giang.
“Nhiều người luôn hỏi mình tại sao một cô bé sinh ra ở một làng chài nhỏ lại ấp ủ giấc mơ lớn đến thế ? Lý do đúng nhất có lẽ vì mình luôn nhìn cuộc sống này qua con mắt của trẻ thơ”, Hà Giang tâm sự.
Và khát vọng vươn ra thế giới của Hà Giang đã thành hiện thực trong 4 năm qua. Tại Pitzer, các lớp của em hầu hết tập trung vào Kinh tế và Triết học. Em đã chinh phục thành công tấm bằng cử nhân ngành Kinh tế toán (Mathematical Economics), trường đại học Pitzer, Mỹ.
Không những thế, Giang còn xuất sắc nhận Bằng khen của Hội Kinh tế học danh dự quốc tế, Omicron Delta Epsilon, cho thành tích học thuật cao trong ngành. 9X còn từng giành giải thưởng của quỹ Katie Lawson Memorial, tài trợ cho dự án cộng đồng và nghiên cứu hè.
Nói về hành trình chinh phục bằng cử nhân tại Mỹ, Giang cho rằng, tấm bằng thực ra chỉ là một phần nhỏ trong hành trình giáo dục mà em đã may mắn được nhận ở Mỹ.
Về học thuật nói riêng, 12 năm giáo dục ở Việt Nam, đặc biệt là 3 năm “cày" ở trường chuyên, đã chuẩn bị cho em sự chuyên cần và nghiêm túc để “đương đầu" với bài vở ở Mỹ.
Bên cạnh việc kiến thức về xã hội và chuyên ngành của em được mở rộng, thay đổi lớn nhất nằm ở khả năng trình bày ý tưởng trước đám đông.
Năm đầu trong giảng đường Mỹ, Giang khá bỡ ngỡ khi các bạn liên tục phát biểu ý kiến, đặt câu hỏi ngay cả khi giáo sư đang giảng còn em chỉ chăm chú lắng nghe và ghi bài.
“Đến một hôm, giáo sư của em bày tỏ lo lắng vì dù bài kiểm tra và viết của em rất tốt, nhưng sao em không chia sẻ ý tưởng và suy nghĩ phản biện của mình với cả lớp. Khi đó em mới hiểu mình cần thay đổi cách học truyền thống từ Việt Nam.
Một khi đã quen việc phát biểu trước lớp, em chuyển dần sang các lớp thảo luận nâng cao, nơi sinh viên tự đọc bài ở nhà, đến lớp để thảo luận và phản biện dưới sự dẫn dắt của giáo sư, chứ không chỉ nghe giảng nữa.
Kỹ năng này không chỉ giúp em tối đa hoá thời gian học đại học, mà còn rất hữu dụng cho công việc tư vấn hiện tại của em”, Giang kể lại.
Ngôi trường đại học cô gái Việt theo đuổi nằm trong hệ thống giáo dục khai phóng (liberal arts) nên trải nghiệm của em có thể khá khác với các bạn học ở trường công lập Mỹ.
Hà Giang đánh giá cao giáo dục suy nghĩ phản biện (critical thinking) cho sinh viên trong mô hình trường đại học khai phóng của nền giáo dục Mỹ. Điều này thể hiện ở bài học - các kiến thức được giảng dạy, và cách dạy - tập trung mạnh vào viết và hùng biện.
Các giáo sư luôn nỗ lực cung cấp thông tin đa chiều nhất. Ví dụ, thay vì luôn luôn ca ngợi Mỹ, họ trao đổi thẳng thắn về lịch sử tàn khốc khi người da trắng đến châu Mỹ và tàn sát người bản địa, hay những ảnh hưởng mà chế độ nô lệ để lại trong xã hội Mỹ đương thời, hay các tập đoàn Mỹ, vừa là đầu tàu của nền kinh tế thế giới, vừa là nguồn gốc của các vấn đề nguy hại cho nhân loại như là ô nhiễm môi trường.
Nhiệm vụ của giáo dục chân chính là cung cấp thông tin đa chiều, để người học tự do suy nghĩ và xây dựng góc nhìn cá nhân.
Còn về cách dạy, các giáo sư đòi hỏi cao ở kĩ năng viết và nói. Ở trường, bên cạnh giáo sư, trung tâm Viết nơi em làm việc, luôn chú trọng đào tạo kỹ năng viết luận cho sinh viên.
Viết, về bản chất, là sự diễn đạt suy nghĩ có trau chuốt. Luyện viết là luyện nghĩ. Hà Giang là trưởng nhóm hướng dẫn tại trung tâm Viết, ĐH Pitzer, chuyên giúp sinh viên cải thiện kĩ năng viết và suy luận.
Theo Hà Giang, những người xung quanh đóng vai trò rất quan trọng để giúp em phát triển tốt. Ở một môi trường văn hoá mới, thói quen lắng nghe để học hỏi rất quan trọng. Ở đại học Mỹ, năm nhất là thời điểm dễ kết bạn vì ai ai, cả sinh viên bản địa lẫn quốc tế, đều cần và muốn kết bạn mới.
Giang cho hay: “Các cuộc hội thoại 1-1 thay vì thảo luận đông người là nơi lý tưởng để bắt đầu, đặc biệt là cho sinh viên quốc tế. Cái này cần một chút tự tin và khéo léo, nhưng hầu hết mọi người rất thân thiện nên không quá khó để mở lời đâu. Bạn bè em hầu hết biết nhau từ những lời chào đơn giản, rồi rủ nhau ăn trưa tại căng tin và trò chuyện.
Về học tập thì kết quả của mỗi sinh viên ở Mỹ rất là riêng tư, mỗi người có mục tiêu và ưu tiên khác nhau của họ. Bọn em không bao giờ nói về điểm số, mà chỉ tập trung thảo luận về các ý tưởng và bài học. Vì sự chú trọng vào suy nghĩ phản biện, nếu để đánh giá, mọi người để ý nhiều về cách mình đặt câu hỏi và hướng phân tích đa chiều”.
Ngoài giờ học, 9X tích cực tham gia hoạt động với câu lạc bộ mô phỏng Liên Hợp Quốc (Model UN) trong ba năm. Đây là một hoạt động ngoại khóa phổ biến ở Mỹ, và cũng đang phát triển mạnh ở Việt Nam.
Giang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Câu lạc bộ Pitzer Model UN, mô phỏng liên hợp quốc, thi đấu trên toàn nước Mỹ và Canada. Hàng tuần, thành viên sẽ nghiên cứu, tranh biện về một vấn đề chính trị, quan hệ quốc tế rồi đi thi đấu ở các hội thảo lớn. Nhà trường tài trợ tất cả mọi chi phí, thành viên vừa được trau dồi kiến thức, du lịch vừa gặp gỡ sinh viên trên toàn nước Mỹ.
Cộng đồng thứ hai của Hà Giang là tổ chức sinh viên quốc tế tại trường. Cô gái Việt năng động được tín nhiệm bầu vị trí Chủ tịch Hội sinh viên quốc tế tại Đại học Pitzer. Mỹ thu hút sinh viên từ mọi nơi trên thế giới nên Giang được tiếp xúc và học hỏi nhiều văn hoá khác nhau.
“Hội học sinh có quỹ nên bọn em tổ chức các chuyến đi biển, cắm trại ở sa mạc,... Có bạn dạy em tiếng Đức, có bạn Hàn học tiếng Việt vì muốn làm việc ở Việt Nam, các bạn Pháp thì thuyết phục mọi người dành đến tận 3 tiếng đồng hồ cho một bữa ăn tối kiểu Âu (ở Mỹ, mọi người thường ăn khá nhanh). Bên cạnh chia sẻ văn hoá, bọn em cũng hiểu nhau và tâm sự vì đều là người nước ngoài ở Mỹ”, nữ du học sinh tâm sự.
Nữ du học sinh cũng được các giảng viên tin tưởng, hỗ trợ tối đa. Giang tâm sự, em có một người thầy là giáo sư kinh tế, người đã đến Việt Nam cùng em trong một chuyến nghiên cứu hè năm ngoái, hiểu và ủng hộ con đường học tập của em nhất.
Ông ấy rất ấn tượng với sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong ba thập kỷ qua, kể từ chính sách Đổi Mới. Nghiên cứu của bọn em tập trung vào sự đóng góp của lực lượng lao động di cư từ nông thôn đến đô thị ở Việt Nam. Vị giáo sư rất tin tưởng và luôn hỗ trợ Giang.
Sau khi tốt nghiệp, hiện tại em đang làm việc với vị trí tư vấn chiến lược tại Dasion Corporation - một công ty về công nghệ chuyên về trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence) và học máy (Machine Learning) ở Mỹ.
Đây là những ngành được dự đoán sẽ thay đổi thế giới mạnh mẽ nhất trong những năm tới. Dù công nghệ không phải là đam mê của Hà Giang, em tin kinh nghiệm và kiến thức cơ bản về công nghệ sẽ hỗ trợ em trong những dự án tương lai.
Ngoài công việc chính nêu trên, em đang tận dụng thời gian rảnh cho các dự án riêng, chủ yếu hướng về Việt Nam. Suốt hai năm làm việc ở trung tâm dạy Viết ở đại học Mỹ, Hà Giang đã học rất nhiều về các phương pháp cũng như sự quan trọng của việc dạy viết phản biện.
Hiện tại, em đang dạy thử mô hình đào tạo đó cho một số học sinh, du học sinh Việt. Hiệu quả khá rõ ràng, các bạn thích viết và viết tốt hơn rất nhiều, em hy vọng có thể nhân rộng để hỗ trợ nhiều học sinh nữa trong tương lai gần.
Nhắn gửi lời khuyên đến các bạn trẻ cũng muốn du học tại Mỹ, Hà Giang ngắn gọn: “Luôn cố gắng đặt thêm nhiều câu hỏi, về thế giới xung quanh và về bản thân mình”.