"Cô đơn" nhưng không hề "cô đơn": Nghiên cứu sinh kể chuyện du học xa xứ
(Dân trí) - Có rất nhiều áp lực và thách thức mà một nghiên cứu sinh phải đối mặt, trong đó có nỗi cô đơn. Nhưng có thật cứ làm nghiên cứu sinh thì sẽ phải miệt mài học tập trong cô đơn?
Những ai đã từng trải qua những năm tháng học tiến sĩ mới hiểu rằng, hành trình này không hề dễ dàng. Có rất nhiều áp lực và thách thức mà một nghiên cứu sinh phải đối mặt, trong đó có nỗi cô đơn. Nhưng có thật cứ làm nghiên cứu sinh thì sẽ phải miệt mài học tập trong cô đơn?
Học tiến sĩ thường được coi là một hành trình vất vả, lặng thầm và cô đơn. Cô đơn bởi đó là một hành trình rất khó chia sẻ với ai, và sẽ kéo dài từ 3 đến 4 năm, thậm chí với nhiều người, thời gian để hoàn thành luận án Tiến sĩ còn lâu hơn thế nữa.
Theo anh Lê Khắc Anh Huy, Nghiên cứu sinh ngành Khoa học Máy tính theo diện học bổng toàn phần của trường Đại học Công nghệ Auckland (AUT), người đã sống và làm việc ở New Zealand được hơn 15 năm, nguyên nhân tạo nên sự cô đơn trong hành trình làm tiến sĩ nằm ở chỗ, nghiên cứu tiến sĩ là nghiên cứu những đề tài mới, những điều mà trước đây chưa ai từng làm, là con đường mình phải tự vẽ ra, tự đặt câu hỏi, tự giải đáp.
Tuy nhiên, anh cũng cho rằng nghiên cứu sinh không cần phải đi một mình trên con đường gian nan này. "Vì vẫn còn thầy hướng dẫn và đồng nghiệp. Họ sẽ không giải quyết những khó khăn cho mình, nhưng sẽ hỗ trợ mình bằng những ý tưởng và kinh nghiệm họ từng trải qua.", anh Huy chia sẻ, "Mình cũng nghĩ rằng, nghiên cứu tiến sĩ cũng giống như cuộc sống thôi. Có muôn vàn rào cản nhưng cũng có vô vàn cơ hội."
Sự đồng hành của các giáo sư giúp san sẻ cảm giác cô đơn
Chị Đặng Thị Vân Anh, người đã hoàn thành chương trình Tiến sĩ của trường Massey, một trong những trường đại học lớn ở New Zealand, bày tỏ rằng chị luôn cảm thấy đã lựa chọn đúng khi tới New Zealand để theo đuổi hành trình này, dù ban đầu không có bạn bè hay người thân nào cả. Bù lại, chị luôn nhận được những sự hỗ trợ đáng quý khác để tiếp sức cho con đường nghiên cứu của mình. "Tôi trao đổi và chia sẻ các bước đi với giáo viên hướng dẫn (supervisor) hai tuần một lần, và luôn nhận được những góp ý sâu sắc cùng những câu hỏi hóc búa. Điều này vừa tạo áp lực vừa là động lực để tôi tiếp tục con đường mình đã chọn. Trường Nghiên cứu Sau Đại học (Graduate Research School) thường xuyên tổ chức các seminar và workshop để chúng tôi nâng cao các kỹ năng nghiên cứu và viết luận văn. Trong khi cộng đồng nghiên cứu sinh ở khoa và trường luôn giúp đỡ lẫn nhau."
Cũng như bao người, chị Vân Anh cho biết chị cũng không tránh khỏi những lúc cảm thấy nghi ngờ bản thân. Có khi chị gửi hướng trình bày nghiên cứu cho giáo viên hướng dẫn nhưng bị chất vấn lại đến mức không thể trả lời, hay mất vài tháng để trình bày kết quả nghiên cứu nhưng bị nhận xét là "không có ý nghĩa". Có khi chị cũng cảm thấy mất phương hướng và không biết mình đang tìm kiếm điều gì. Đỉnh điểm, có một lần chị phải viết mail cho giáo viên hướng dẫn và xin phép suy nghĩ lại về việc có nên tiếp tục theo đuổi con đường này không. Ngay lập tức, giáo viên hướng dẫn đã liên hệ lại, cùng chị đi cafe và bàn bạc về các hướng nghiên cứu khác, cũng như khuyên chị nên xả stress bằng cách nào.
Trường Massey cũng có một khu giải trí để tạo điều kiện cho nghiên cứu sinh giải tỏa áp lực thông qua luyện tập thể thao. Khi quá căng thẳng, nghiên cứu sinh có thể tới Trung tâm Tư Vấn để trò chuyện với các chuyên gia tâm lý. Một điều nho nhỏ nữa đã giúp chị Vân Anh vượt qua khó khăn là vẻ đẹp bình yên với hoa nở quanh năm của thành phố nơi chỉ học, cũng như sự thân thiện của người dân xứ Kiwi. "Tôi có thể thoải mái đi bộ từ trường về nhà, lang thang trong khuôn viên xinh đẹp của trường để suy nghĩ về đề tài của mình. Không ai làm phiền tôi khi tôi cần tĩnh lặng, và rất nhiều người quan tâm khi tôi gặp khó khăn. Chính điều này khiến ký ức về quá trình học tiến sĩ của tôi tuy có những nỗi sợ nhất định nhưng lại nhiều yêu thương."
Khi chính phủ tạo điều kiện để nghiên cứu sinh ở gần bên gia đình
Từng hoàn thành chương trình Tiến sĩ ngành tài chính Đại học Lincoln, chị Nguyễn Thị Thiều Quang cũng chia sẻ quan điểm với chị Vân Anh và anh Anh Huy về cảm giác cô đơn trong quá trình tự tìm tòi đề tài để tạo ra tri thức mới.
Một trong những điều chị Quang tâm đắc nhất khi lựa chọn học tiến sĩ ở New Zealand là chính phủ nơi đây luôn có nhiều chính sách hỗ trợ cả về tinh thần và tài chính cho nghiên cứu sinh tiến sĩ. Chị chia sẻ rằng gia đình của nghiên cứu sinh được cấp visa để cùng sang New Zealand. Ngoài ra, vợ/chồng của nghiên cứu sinh được phép làm việc toàn thời gian tại đây, con cái của nghiên cứu sinh được hưởng các chương trình miễn giảm học phí tại trường công lập như học sinh bản xứ, các bạn nhỏ dưới 5 tuổi thì được miễn phí 20 tiếng giữ trẻ tại nhà trẻ. Bên cạnh đó, nghiên cứu sinh được thuê nhà của trường với chi phí thấp.
Phần lớn các nghiên cứu sinh đều đã lập gia đình. Chính vì vậy, những hỗ trợ trên giúp cho nghiên cứu sinh tập trung hoàn thành nghiên cứu của mình mà không phải băn khoăn về chuyện gia đình hay phải rời xa con cái.
Nếu bạn đang có dự định theo đuổi bậc học Tiến sĩ trong tương lai thì webinar "Ask NEW Anything: The PhD Journey", được tổ chức bởi Cơ quan Giáo dục New Zealand (Education New Zealand - ENZ), sẽ giúp giải đáp nhiều thắc mắc để bạn chuẩn bị chu đáo nhất cho hành trình này. Chương trình có sự tham gia chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Thị Thiều Quang và Nghiên cứu sinh bậc Tiến sĩ Lê Khắc Anh Huy cùng một số khách mời khác. Webinar diễn ra từ 10:00-11:00 vào sáng thứ Bảy, ngày 22/01/2022, qua nền tảng trực tuyến Zoom. Đăng ký tham gia ngay tại: https://bit.ly/Webinar-NZ-PhDedition