Cô bé đề xuất “lễ khai giảng không bóng bay” và chuyện trẻ chỉ cần... học

(Dân trí) - Không phải gương mặt của giải quốc tế, quốc gia hay điểm số, thành tích cao "ngất ngưởng", cô bé 12 tuổi Nguyễn Nguyệt Linh ở Hà Nội đã chạm vào trái tim mọi người xuất phát từ khát khao "không thả bóng bay trong lễ khai giảng".

Trước thềm năm học mới năm nay, gương mặt học trò được nhắc đến nhiều nhất, tạo ảnh hưởng và lan tỏa nhất lớp 6 có lẽ là cô bé Nguyễn Nguyệt Linh với lá thư gửi đến các trường học với mong muốn "lễ khai giảng không thả bóng bay". 

Cô bé đề xuất “lễ khai giảng không bóng bay” và chuyện trẻ chỉ cần... học - 1

Em Nguyễn Nguyệt Linh - cô học trò gửi 40 bức thư đến các trường kêu gọi không thả bóng bay trong lễ khai giảng.

Trước đến nay, chúng ta quen với các gương sáng "con ngoan trò giỏi" trong khuôn khổ những đứa trẻ biết nghe lời, học giỏi, đạt thành tích cao trong học tập, các cuộc thi. Người lớn gói gọn vai trò, trọng trách của trẻ nhỏ trong giới hạn chật hẹp là chỉ cần biết học và chơi. Còn các vấn đề trong cuộc sống, chúng ta dễ gạt tay: "Không phải chuyện của con nít". 

Trong gia đình, nhiều phụ huynh đưa ra mục tiêu và cũng xem như là "phần thưởng" cho con được sướng tấm thân: "Chỉ cần học thật giỏi là được, không phải làm việc gì hết". Thậm chí những việc tự chăm sóc bản thân ăn uống, tắm táp..., nhiều đứa trẻ cũng không cần động tay chân dù hoàn toàn lành lặn. 

Ở trường học, trẻ được đánh giá bằng mẫu số chung là... điểm số. Điểm số là mục tiêu gần như duy nhất của trẻ khi đi học. 

Nhiều trẻ nhỏ khi tham gia các hoạt động xã hội, thiện nguyện, dự án có thể bị người lớn châm chọc, bị cho là vớ vẩn, bị nhắc nhở "lo mà học". 

 Khuôn khổ trẻ chỉ cần biết học và chơi, "con nít biết gì mà nói" là một sự phủ đầu đánh giá thấp khả năng con trẻ, làm trẻ dễ bị co mình trong chiếc áo "trẻ em chỉ cần vậy". 

Trong khi thực tế trẻ em giỏi hơn chúng ta tưởng, ý tưởng của các em chân thực, sống động hơn những suy nghĩ nặng nề, toan tính làm thì "được gì mất gì" của người lớn. 

 Chúng ta không chỉ có em Nguyễn Nguyệt Linh với lời kêu gọi "lễ khai giảng không bóng bay"; chúng ta có bạn học sinh lập dự án sách nơi chung cư mình sinh sống kêu gọi người dân đọc sách; có em nhỏ lớp 4 ở TPHCM nói trước lãnh đạo thành phố hãy "mở lớp dạy ý thức không xả rác, không vượt đèn đỏ, không chửi thề cho người lớn"; hay cô nữ sinh lớp 6, từ nhiều năm trước đã là diễn giả có mặt khắp các tọa đàm, tổ chức về phòng chống xâm hại cho trẻ em... 

Cô bé đề xuất “lễ khai giảng không bóng bay” và chuyện trẻ chỉ cần... học - 2

Em Trần Lê Thảo Nhi làm diễn giả về phòng chống xâm hại cho trẻ em từ năm lớp 4

Và còn rất nhiều đứa trẻ nữa đang làm những việc có ích ngoài "học" và "chơi".

Một nhà hoạt động trẻ em tại TPHCM kể, khi tổ chức các sự kiện cho trẻ nhỏ, bố mẹ thường hỏi "Có hoạt động gì vui chơi cho trẻ em không?". 

Chúng ta mặc định chỉ những sự kiện ăn chơi, nhảy múa mới phù hợp với trẻ con. Không biết từ lúc nào khả năng tư duy nghiêm túc của trẻ em lại bị đánh giá thấp như vậy? 

Theo bà, chúng ta kêu than học sinh Việt Nam thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề, đi ra ngoài xã hội ngơ ngác, mười tám, hai mươi tuổi đầu vẫn được cha mẹ chăm bẵm như “thiếu niên lâu năm”. Rồi ta chê trách trẻ con bây giờ dễ dàng khóc lóc vật vã vì một thần tượng showbiz tóc xanh tóc đỏ.

Nhưng khi có cơ hội để giới thiệu đến con những tư duy sâu, những câu chuyện, vấn đề nghiêm túc, chúng ta lại sợ nó không đủ để nuông chiều cảm xúc của con.

Câu chuyện "lễ khai giảng bóng bay" của em Nguyễn Nguyệt Linh không chỉ lời kêu gọi về môi trường mà còn là sự thức tỉnh người lớn về khả năng, vai trò, trách nhiệm của trẻ em đối với các vấn đề của cộng đồng, xã hội. Các em còn thay đổi những hành động, tư duy cũ mòn của người lớn như "khai giảng thì phải có bóng bay". 

Trẻ em có khả năng thay đổi thế giới theo hướng tốt đẹp hơn từ những vấn đề nhỏ bé trong cuộc sống. Nhất là khi người lớn trao niềm tin, sự tôn trọng, dẫn dắt trẻ với sự lắng nghe chân thành. 

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm