Chuyện vui dạy văn

“Mắt ông sáng trưng như hai vì sao, mũi ông cao như cái dốc cầu, răng ông đều như hạt bắp, chân ông gầy như khúc mía, bắp chuối chân ông như củ khoai lang luộc...” là những câu từ vụng về, ngây thơ của em Chí Sinh khi tả ông nội.

Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, tôi được phân công về dạy văn cấp 2 một trường ở huyện ngoại thành Bình Chánh, TPHCM. Học trò ở đây đầu trần, chân đất, mộc mạc, dễ thương đã gieo vào lòng tôi những tình cảm đẹp và niềm hứng thú say mê đối với nghề sư phạm.

 

Còn nhớ, năm đầu tiên ấy tôi được phân công dạy văn lớp 6. Lúc hướng dẫn các em làm văn miêu tả, tôi dặn các em phải viết sao cho người đọc hình dung được cái mà em muốn tả thì mới hay. Muốn thế phải dùng từ gợi hình, sử dụng biện pháp so sánh, nhân hóa… Tôi giới thiệu những từ miêu tả mà người ta thường sử dụng như: Miệng cười như thể hoa ngâu, mắt bồ câu, mũi dọc dừa, mặt trái xoan, trắng như bông bưởi, đen như cột nhà cháy...

 

Tôi còn dặn, muốn được điểm cao phải chịu khó tìm thêm chi tiết mới lạ, đặc sắc chứ không nên rập khuôn, sáo mòn.

 

Các em đã vâng lời và thực hiện đúng lời cô dặn ở ngay bài làm đầu tiên của mình. Trong bài viết, các em chịu khó sử dụng khá nhiều hình ảnh, những hình ảnh quen thuộc của ruộng đồng, quê hương như bụi chuối, khóm tre, những tàu lá dừa, cây cầu khỉ, con đò nhỏ, ánh trăng non… mà các em được quan sát ngay nơi mình sinh sống.

 

Tôi vô cùng hứng thú khi bắt gặp nơi bài viết của các em tràn ngập hình ảnh thiên nhiên thật sinh động, đọc lên nghe mượt mà, cảm xúc và nghĩ đấy cũng là điểm mạnh mà học trò thành thị không có hoặc ít có được.

 

Đến khi dạy văn tả người, tôi lại bất ngờ hơn với những ý tưởng ngộ nghĩnh của các em. Khi làm bài tả anh bộ đội, em Khương viết như sau: Anh bộ đội có nước da bánh mật. Tính anh rất vui vẻ, mỗi khi cười mím chi, em thấy miệng anh như hoa sen nở trong hồ, khi anh cười hết ga thì hai bên mép có hai cái ngoặc đơn. Tôi đọc trước lớp bài văn này và khen em ở những chi tiết: nước da bánh mật, hoa sen nở trong hồ, hai cái ngoặc đơn… được dùng rất gợi hình.

 

Thế là lần sau, khi ra đề tả ông hoặc bà em, tôi thích thú khi bài viết của các em có thêm nhiều hình ảnh phong phú hơn. Bài của em Sáng viết như sau: Bà em có nước da bánh ít, mặt bà tròn như ánh trăng vành vạnh, da bà nhăn như bánh tráng nhúng nước. Bà rất hiền, mỗi khi bà cười, hai bên mép bà có “hai cái ngoặc kép”! Quả là học tập bạn một cách sáng tạo. Cả lớp được một phen cười thỏa thích!

 

Không cần giải thích thêm, lớp cũng hiểu vì sao em đã biến từ “ngoặc đơn” của bạn khi tả anh bộ đội thành “ngoặc kép” khi tả bà em rồi! Còn tôi, tôi rất thích thú khi học trò có sáng tạo khi viết văn. Tôi hỏi thêm “Sao em lại dùng từ nước da bánh ít?”. Em trả lời: “Dạ thưa cô, tại vì bạn tả chú bộ đội có nước da bánh mật rồi thì khi tả bà em phải chọn bánh nào ít đen hơn bánh mật, vì bà không ra nắng nhiều như chú bộ đội. Em thấy đó là bánh ít ạ!”.

 

Còn em Chí Sinh, khi tả ông nội thì so sánh thật táo bạo. Từ ngữ em dùng toàn là những hình ảnh thiên nhiên gần gũi: Mắt ông sáng trưng như hai vì sao, mũi ông cao như cái dốc cầu, răng ông đều như hạt bắp, chân ông gầy như khúc mía, bắp chuối chân ông như củ khoai lang luộc, râu ông lưa thưa như râu bắp.

 

Đọc lên cả lớp cười rần rần vì những hình ảnh sử dụng vụng về, ngây thơ của em. Tôi phải nhắc thêm hình ảnh so sánh không nên thô thiển quá khi miêu tả người mình tôn kính. Yếu tố gợi hình cần kết hợp với thái độ biểu cảm của người viết nữa, nếu không dễ sa vào cách miêu tả máy móc.

 

Chừng đến khi gặp đề tả cô giáo thì tôi hoàn toàn bất ngờ! Em Ngọc Mai hứng chí làm một bài thơ lục bát để miêu tả chính bản thân tôi:

 

Cô em tên là Minh Thi

Dáng người mập mạp nước da… bánh mì

Mắt cô, hạt nhãn đen sì

Mỗi khi lên lớp mắt thì như mơ

Cô em rất thích đọc thơ

Giọng cô thánh thót như là mưa rơi

Em thương cô lắm cô ơi

Gắng công học tập, vâng lời của cô

Trường em be bé đơn sơ Có cô, có cả bài thơ ngọt ngào!

 

Ý thơ còn vụng dại nhưng tấm lòng của em dành cho cô giáo thật dễ thương. Tôi vô cùng xúc động trước tâm hồn trong sáng, ngây thơ của những em học trò đầu đời sư phạm ấy.

 

Những bài làm ấy đến nay tôi vẫn còn cất giữ như một kỷ niệm đẹp nghề giáo.

 

Những học trò của tôi năm ấy, nay đã trưởng thành hết rồi. Không biết các em có còn nhớ chút gì về những kỷ niệm của những ngày học văn thật vui đó không? Riêng tôi, dù thời gian có phôi pha, đã hơn hai mươi năm rồi nhưng tôi vẫn còn nhớ như in những tiết dạy văn đầy lý thú ấy.

 

Theo Minh Thi
Giáo Dục TPHCM