Chuyện tình nơi xứ Tuyết của đôi vợ chồng Tiến sĩ Việt

(Dân trí) - Chín năm cho một mối tình nơi xứ tuyết mà kết thúc có hậu chính là tổ ấm như mơ của cặp vợ chồng tiến sỹ trẻ Trương Xuân Nam – Nguyễn Thị Lệ Huyền. Một câu chuyện đẹp, có lẽ bất cứ du học sinh xa nhà nào cũng hằng mơ ước.

Căn phòng nhỏ của cặp vợ chồng Trương Xuân Nam và Nguyễn Thị Lệ Huyền tại KTX ĐH KTTH QG Irkutsk (LB Nga) những ngày đầu năm mới 2013 này rộn ràng… như Tết. Nhiều du học Việt trong thành phố đã lội tuyết để đến gặp mặt, chúc mừng Nam – Huyền cùng chính thức trở thành tân tiến sỹ và chuẩn bị về nước làm việc và đón Tết cùng gia đình. Bên ấm trà nóng do chính tay anh Nam pha, đĩa bánh kẹo Huyền chuẩn bị sẵn, ai cũng háo hức được lắng nghe câu chuyện đặc biệt của hai người.

 

Suốt 9 năm bên nhau giữa miền tuyết trắng
Suốt 9 năm bên nhau giữa miền tuyết trắng



9 năm về trước, là những tân sinh viên xuất sắc, chàng trai Trương Xuân Nam và cô gái Nguyễn Thị Lệ Huyền tạm biệt quê hương miền Nam, nhận được quyết định sang học tập tại Nga. Điểm đến của họ chính là mảnh đất Siberia nhiều tháng liền chìm trong tuyết lạnh.

 

Suốt những năm ấy, có lẽ chính cái giá lạnh và tuyết trắng thường trực trong cuộc sống xa nhà ở nơi này khiến những chàng trai, cô gái Việt xích lại gần nhau hơn. Từ những sáng vượt đường, vượt bão tuyết để đến trường, những buổi bắt xe bus hàng cây số vào thành phố mua thực phẩm, hay sẻ chia những món quà quý từ Việt Nam sang…, họ đều có nhau.

 

Nam và Huyền yêu nhau từ ngày ấy. Chính tình yêu nơi xứ người đã giúp họ vượt qua những khó khăn trong học tập và cuộc sống, dành kết quả xuất sắc. Những chiếc huy chương vàng, bạc trong các kỳ Olympic cấp trường, cấp khu vực, hội thảo toàn Nga… nhiều lên cùng với thời gian và tình yêu của hai người.

 

Hạnh phúc đong đầy
Hạnh phúc đong đầy



Kết thúc thời gian học tập đại học, với tấm bằng loại xuất sắc, hai anh chị tiếp tục động viên nhau “cố” nốt ba năm nữa để học lên tiến sĩ. Nhưng lần này, trước khi quay lại Nga nghiên cứu, Nam đã nhanh tay  đã kịp rước cô gái miền biển Vũng Tàu về làm dâu vùng quê sông nước Cửu Long.

 

Chia sẻ về quãng thời gian ba năm làm vợ, sống cuộc sống gia đình nơi xứ người, chị Huyền nói: “Ba năm sang tiếp nghiên cứu khoa học thật sự là vất vả, nhưng tôi coi như ba năm trăng mật của mình vậy. Chưa bao tôi giờ thấy cuộc đời bình yên đến thế, chưa bao giờ thấy hạnh phúc đến thế”.

 

Quả thật vậy, giữa bộn bề công việc nghiên cứu khoa học, giữa bao cơn bão tuyết đến với đất Siberia thì cuộc sống của gia đình nhỏ này lại trôi qua một cách ấm áp, bình yên đến lạ. Ngày ngày anh chị đi lên viện nghiên cứu, tối muộn mới trở về căn phòng nhỏ trong kí túc xá, mệt mỏi như vậy nhưng chưa bao giờ căn phòng ấy ngớt tiếng cười.

 

Thỉnh thoảng, chị nấu một món ăn mới cho anh, tìm bằng được cho anh đôi găng tay thật ấm để anh đeo,… còn anh, không bao giờ quên những ngày lễ kỉ niệm của hai người, những ngày vợ đi làm về muộn, kiểu nào cũng đã có một bữa cơm ấm cúng đang chờ chị Huyền ở nhà.

 

Những ngày cuối cùng của năm 2012 cũng là khoảng thời gian bận rộn nhất của đôi vợ chồng trẻ này, chuẩn bị bảo vệ luận án, các giấy tờ liên quan đến thủ tục về nước, … tưởng chừng như 24 tiếng một ngày là quá ít, thế nhưng hai anh chị đã xuất sắc vượt qua thời gian khó khăn này.

 

Tình yêu trở thành động lực cho hành trình trở thành tiến sỹ
Tình yêu trở thành động lực cho hành trình trở thành tiến sỹ



Ngày 26/12/2012, anh Nam đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Hóa lý. Tiếp đó, cùng với sự động viên của bạn bè, thầy cô và ông xã bên cạnh, chị Huyền cũng đã hoàn thành xuất sắc quá trình nghiên cứu và trở thành  nữ tiến sĩ ngành ngành Hóa cơ kim vào ngày 15/1/2013 .

 

Trong niềm vui trở thành tiến sỹ, chị Huyền tâm sự: “Vậy là quãng thời gian vất vả mà đáng nhớ này cũng đã qua. Tôi thấy mình thật may mắn khi có một ông xã tuyệt vời ở bên cạnh, quan tâm, chăm sóc. Anh ấy giúp đỡ tôi một phần lớn trong việc đọc, dịch các tài liệu chuyên ngành, nên đáng nhẽ luận văn của tôi phải mang tên hai vợ chồng thì đúng hơn”.

 

Chỉ còn hơn một tuần nữa, đôi vợ chồng tiến sĩ trẻ này sẽ trở về Việt Nam, kết thúc 9  năm nghiên cứu và học tập tại Nga, cùng với những kế hoạch tương lai đang được ấp ủ từng ngày...  Họ sắp được đặt chân lên đất Việt với hai tấm bằng tiến sỹ, và gia tài lớn nhất chính là tình yêu  thực sự nở hoa trên tuyết với một hình hài đang lớn dần trong chị.

 

Đất Cửu Long vàng nắng lúa hay phố biển Vũng Tàu xanh sóng biển đang chờ đón gia đình nhỏ trở về,  hòa vào dòng chảy của cuộc sống và công việc ở ngay quê nhà, nhưng ở nơi xa – miền tuyết trắng, mảnh đất lành xứ Siberia - câu chuyện tình tuyệt đẹp và hành trình trở thành “song trạng” của Nam – Huyền, chắc hẳn sẽ còn được kể mãi…

 

Bài: Thúy Quỳnh

Ảnh: Nhân vật cung cấp