Chuyện khuyến học ở một gia đình thương binh

(Dân trí) - Người dân ở khu phố 3, phường 2, thị xã Quảng Trị không ai không biết đến gia đình ông bà Trương Anh Toàn và Lê Thị Thanh. Cặp vợ chồng thương binh này đã vượt qua nhiều khó khăn để nuôi dạy các con ăn học nên người.

Là một người lính đặc công trở về sau chiến tranh với vết thương trong đầu, hoàn cảnh gia đình gặp nhiều trắc trở, nên ông Toàn lập gia đình với bà Thanh rất muộn, khi đã gần 50 tuổi. Đến nay, ông bà đã có với nhau 5 mặt con. Hai người con lớn vừa tốt nghiệp CĐ và ĐH hiện đang xin việc, người con thứ 3 đang là sinh viên ĐHSP Huế, cháu thứ 4 đang học lớp 10 và cháu út đang học lớp 4.

 

Ông Trương Anh Toàn cho biết, vì cả hai ông bà đều là thương binh nên nguồn thu nhập chủ yếu đều là từ đồng lương trợ cấp, để nuôi từng ấy miệng ăn đã là khó rồi chứ còn kể gì đến việc lo cho các con học hành với bao nhiêu khoản phí tổn, và có lúc còn tưởng  như đã rơi vào bế tắc, chỉ muốn buông xuôi. Nhưng chẳng lẻ lại để con cái thất học? Thế là ông bà bằng nhiều cách khác nhau, dù  chỉ là nhỏ thôi, như nuôi vài ba con lợn con gà, bản thân bà thì sắm một tủ bán hàng tạp hoá nhỏ bán ở ngay trước hiên nhà, rồi tảo tần buôn bán ngược xuôi…góp tay nhau quyết tâm cho con đi học.

 

Và rồi lần lượt những Oanh, Nhi, Hương, Hân… đều được cắp sách đến trường sánh vai cùng bè bạn. Ông Toàn tâm sự: “Mình phải lo cho mấy cháu thôi, cực khổ mấy cũng được, nhiều  khi nhịn cả ăn cho chúng nó, bởi vì mình tin và tâm đắc nhất ba điều: đối với gia đình, các cháu sẽ trở thành những đứa con đầy yêu thương và hiếu thảo; đối với xã hội các cháu sẽ sống chan hoà, biết trân trọng niềm tin của mình; đối với đất nước các cháu  sẽ sẵn sàng cống hiến hết khả năng mình có”.

 

Và quả thật, biết sự vất vả với những niềm tin yêu hy vọng của ba mẹ nên cả 5 em đều luôn phấn đấu vươn lên trong học tập, luôn đạt kết quả học tập khá và giỏi. Ngoài ra, vào những lúc rảnh rỗi các em đều biết phụ giúp công việc để góp phần đỡ đần cho cha mẹ. Hai vợ chồng cũng thường  xuyên khuyến khích con chăm học bằng nhiều hình thức khác nhau, tuy là không xứng bằng nhiều người khác, nhưng trên hết, chính là một  tấm lòng hy sinh hết mình cho con cái của hai người.

 

Vào năm 2005, ông  đã được Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị biểu dương điển hình khuyến học toàn tỉnh. Đó là một sự động viên khích lệ xứng đáng cho tinh thần vượt khó, cho cái tâm của không phải chỉ là của một bậc cha mẹ đối với con cái, mà còn là cái tâm và trách nhiệm đối với xã hội.  

Lê Tấn Quỳnh