Chị Minh, phụ huynh có con học Trường Hà Nội - Academy (Hà Nội) được một năm, cho biết: “Cả nhà tôi đang phải tính cách chuyển con về trường công. Cho dù có tốn tiền để lo chuyển trường thì cũng chỉ tốn một lần, đằng này với mức học phí cao ngất cộng thêm nhiều phụ phí khác thì chịu không nổi vài năm học nữa”.
Giờ tan học của học sinh Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Khánh)
Theo thông báo của trường này, học phí cấp I (tiểu học) năm học 2012-2013 là 93,6 triệu đồng/năm học/học sinh, học phí cấp II (THCS) là 106,6 triệu đồng/năm học/học sinh, học phí cấp III (THPT) là 124,6 triệu đồng/năm học/học sinh.
Lo chuyển trường từ đầu năm
Một số phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Ngôi Sao - Hà Nội cũng cho biết học phí năm học mới là 4,4 triệu đồng/tháng, tăng 1 triệu đồng so với năm học trước, chưa kể nhiều loại tiền khác. Chị Hồng, một phụ huynh, lo lắng: “Năm nay con tôi mới lớp 2, mỗi năm tăng học phí thêm 1 triệu đồng cùng với nhiều khoản phát sinh thì không chắc trụ được tới lớp 5”.
Theo chị Hồng, trường công lập ở khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính không có nên nhiều người không có sự lựa chọn khác ngoài Trường Ngôi Sao nếu không muốn cho con đi học quá xa. Nhưng với mức tăng học phí và đủ loại phí như hiện nay, nhiều phụ huynh phải nghĩ đến giải pháp quay về trường công vì lo không thể trụ nổi.
Tương tự, một số phụ huynh có con học ở Trường tiểu học quốc tế Thăng Long trong khu đô thị Bắc Linh Đàm cũng xin chuyển trường cho con. Theo anh Thắng - phụ huynh có con học lớp 2, “lý do chuyển trường vì năm nào học phí cũng tăng. Bên cạnh học phí, tiền xây dựng trường, tiền hoạt động ngoại khóa, đồng phục, những khoản phải nộp đầu năm cũng đội lên rất cao khiến phụ huynh không thể gánh nổi”.
“Một năm học thì có thể cố được để con không phải chuyển trường, nhưng không có cam kết nào của nhà trường cho thấy tiền trường không tiếp tục tăng mà không báo trước cho phụ huynh. Trong khi đó, cơ quan quản lý giáo dục không thể can thiệp vào quan hệ trường tư và phụ huynh. Đó là điều khiến nhiều người hoang mang” - anh cho biết.
Trường tiểu học dân lập Lê Quý Đôn năm học này tăng học phí lên 2,8 triệu đồng/tháng/học sinh, bữa ăn từ 1 triệu đồng/tháng/học sinh (năm trước) lên 1,5 triệu đồng/tháng/học sinh. Chỉ riêng học phí và tiền ăn, một tháng phụ huynh phải đóng 4,3 triệu đồng. Nhưng ngoài khoản cố định, học sinh phải đóng góp thêm nhiều khoản dịch vụ và tiền (một lần) đầu năm học với chi phí hàng triệu đồng. Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm - Hà Nội, một học sinh trung bình phải đóng 5,5-6 triệu đồng/tháng. Trường Việt - Úc (Hà Nội) riêng học phí cũng 70 triệu đồng/năm học.
Trăm loại phí
Tại TP.HCM, các trường phổ thông ngoài công lập đã công bố mức học phí năm học 2012-2013, trong đó đa số trường giữ nguyên mức học phí, chỉ tăng các phí dịch vụ bán trú, nội trú. Tuy nhiên, việc tăng các loại phí dịch vụ này cũng đủ khiến phụ huynh choáng váng khi một số trường có mức tăng các khoản thu đầu năm lên tới 15-20%. Không ít phụ huynh cho biết họ có ý định chuyển sang trường có mức thu thấp hơn, hoặc chuyển con từ nội trú sang bán trú để giảm bớt các loại phí phải đóng hằng tháng.
Mức học phí được các trường công bố về cơ bản không thay đổi nhiều so với năm học 2011-2012, dao động ở mức 1,5-2,6 triệu đồng/ tháng như Thanh Bình (1,6 triệu đồng), Nguyễn Khuyến, Đông Du, Đăng Khoa (1,7 triệu đồng), Thành Nhân (1,8 triệu đồng), Đức Trí (2,6 triệu đồng)... Tuy nhiên, ở một số trường, mức tiền ăn, các dịch vụ vệ sinh, giặt ủi, xe đưa rước, phí quản lý đã tăng lên so với năm trước, đẩy tổng chi phí mà phụ huynh phải đóng hằng tháng đội lên.
Một phụ huynh ở Trường Quốc văn Sài Gòn (Q.Tân Phú) cho biết năm học mới này chị phải đóng hơn 5,5 triệu đồng/tháng bao gồm học phí (2,2 triệu đồng), tiền ăn (2 triệu đồng), tiền ở (600.000 đồng), quản sinh (400.000 đồng), giặt ủi (200.000 đồng), như vậy tăng khoảng 17% so với năm học trước khi chị chỉ phải đóng tổng mức phí một tháng khoảng 4,7 triệu đồng.
“Đó là chưa kể tiền cơ sở vật chất, tiền hội phụ huynh, xe đưa đón được tính riêng. Dẫu biết học trường tư thì phải chấp nhận việc thu chi là do thỏa thuận, nhưng nếu mức tăng quá cao thì chi phí hằng tháng của gia đình cũng sẽ đội lên, gây không ít khó khăn. Nếu cứ tiếp tục tăng mỗi năm như thế này, chắc chắn gia đình phải tính toán lại việc có nên cho con học trường có mức thu thấp hơn” - chị cho biết.
Tương tự, ở Trường trung - tiểu học Thái Bình Dương (Tân Bình), so với năm học trước mức thu cũng đã tăng hơn 20%. Nếu năm học 2011 học sinh lớp 1 chỉ phải đóng 2,3 triệu đồng/tháng thì năm nay mức học phí là 2,8 triệu đồng. Tổng chi phí nội trú do vậy cũng tăng từ 3,5 triệu đồng lên 4,3 triệu đồng/tháng. Đối với phụ huynh có con học bậc THPT, tổng mức phí phải đóng hằng tháng lên đến 7-8 triệu đồng.
Không có quy định về mức thu của trường tư thục Theo ông Nguyễn Hoài Chương - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, sở không quản lý các mức thu của trường tư thục mà hiện nay cũng không có quy định nào về việc thu chi của trường tư. Ông Chương thừa nhận: “Các mức thu ở trường tư hiện đang bị “thả nổi”. Do đó, một số trường tự đặt ra nhiều khoản thu khác nhau với nhiều mức khác nhau. Tình hình lạm thu ở trường tư ngày càng tăng lên, ví dụ như năm nay TP.HCM đã bỏ khoản thu cơ sở vật chất nhưng tôi vừa nhận được thông tin do phụ huynh báo là có trường tư thục yêu cầu phụ huynh phải đóng khoản cơ sở vật chất đầu năm 2 triệu đồng”. Về việc học sinh ở trường tư chuyển sang học ở trường công, ông Chương cho biết: “Theo đúng quy định, học sinh trường tư không được chuyển về trường công lập, nhưng thời gian qua tôi đã trực tiếp ký đơn cho một số trường hợp vì hoàn cảnh gia đình không có điều kiện cho các em tiếp tục học ở trường tư”. H.Hg. |
Theo Vĩnh Hà - Lưu Trang
Tuổi Trẻ