Chuyện học ở nơi cổng trời
(Dân trí) - Bản Cháo cách trung tâm xã Yên Cư, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn hơn chục cây số. Đường đi đến bản phải vượt qua một cái đèo rất cao, người dân ở đây vẫn thường gọi là “cổng trời”. Cuộc sống của người dân nơi đây vẫn còn nghèo, nhưng trẻ em thì rất hiếu học.
Sau trận mưa đêm hôm trước, con đường đến Bản Cháo khá lầy lội và khó đi, chiếc xe ôtô chở chúng tôi cứ quay tít bánh mỗi khi qua vũng lầy. Bản Cháo nằm trọn trong một thung lũng bằng phẳng, có 44 hộ với hơn 230 khẩu, đây là thôn có 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Do khó khăn về đường giao thông, đất canh tác chủ yếu là nương, đồi nên Bản Cháo vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm khoảng 50% dân số và cả chuyện học ở đây thật gian nan.
Phân hiệu Bản Cháo nằm trên một khu đồi cao. Hai lớp học được dựng bằng gỗ ván, mái là tấm lợp xi-măng trắng nổi lên giữa những mái nhà sàn của dân. Trường có 18 học sinh, chia làm hai lớp ghép là: Lớp ghép 1, 2, 3 và lớp ghép 4, 5 do hai cô giáo phụ trách. Cô giáo Lê Thị Xanh dạy lớp ghép 1, 2, 3 còn cô Triệu Thị Gái dạy lớp ghép 4, 5.
Vào thăm hai lớp học tuềnh toàng, chúng tôi thấy lớp học hôm nay khá đông, học sinh ngồi học không theo một hướng, mà quay lưng vào nhau, cô giáo Xanh phải chạy liên tục qua 3 chiếc bảng để dạy cho các em học, lớp 1 và lớp 2 thì tập viết còn lớp 3 học toán. Đếm nhanh tại lớp học chúng tôi thấy số học sinh vượt so với con số 18, đang định thắc mắc thì cô Xanh đã nhanh nhẹn cho biết: “Trong lớp này có một số em chưa đến tuổi đi học, nhưng ở nhà bố mẹ đi làm vắng, nên theo anh, chị lên đây ngồi nghe cô giáo giảng bài”.
Cho học sinh nghỉ giải lao, hai cô giáo tranh thủ ngồi tiếp chuyện chúng tôi. Cô giáo Triệu Thị Gái tâm sự: Cô Xanh mới điều lên phân hiệu này dạy học từ trước Tết Nguyên đán, môi trường mới nên nhiều khi thấy buồn và nhớ nhà, còn bản thân cô lên đây dạy được hai năm. Nhà cô ở xã Bình Văn, cách đây hơn hai mươi cây số, cuối tuần về một lần để lấy lương thực.
Nhìn xuống nền lớp học gồ ghề, đất đồi vàng khè, cô Xanh tâm sự, Bản Cháo còn nghèo lắm, học sinh ở đây cũng thiệt thòi nhiều so với nơi khác, so ngay với trung tâm xã thì các điều kiện học tập cũng không bằng. Dạy học ở đây cũng gặp nhiều khó khăn, ngoài thiếu thốn về cơ sở vật chất thì việc cô giáo chưa thạo tiếng địa phương cũng là một trở ngại.
Khó khăn là vậy, nhưng hai cô giáo ở phân hiệu Bản Cháo, với lòng yêu nghề, yêu các em học sinh, ngày qua ngày các cô vẫn miệt mài truyền dạy cái chữ cho các em. Cô Triệu Thị Gái tâm sự: Hai năm dạy học ở đây, cô chưa được một học sinh nào tặng hoa nhân dịp ngày 20/11 dù chỉ là một bó hoa dại, nhưng cô thấy rất vui bởi học sinh ở đây chăm học lắm, các em đến lớp rất đều, dù là ngày mưa hay ngày nắng và chính sự chăm học của các em là nguồn động viên lớn nhất để hai cô “cắm chốt” ở bản vùng cao này dạy chữ cho các em.
Nói về những khó khăn ở đây, hai cô giáo đều không nói nhiều về sự thiếu thốn trong sinh hoạt của bản thân, mà chỉ kể về những khó khăn của nhà trường. Mặc dù hai lớp học được dựng bằng gỗ và lợp ngói xi-măng, nhưng vách lớp được ghép gỗ rất thưa, trống huếch. Cô Xanh cho biết: Ngày nắng thì ánh nắng chiếu vào tận bảng, ngày mưa thì mưa hắt vào tận bàn giáo viên, mưa to là phải cho các em nghỉ học, nền nhà gồ ghề đất đỏ, mỗi khi các em nô đùa là bụi bay mù mịt.
Mong muốn của cô trò ở đây là hai lớp học ở phân hiệu Bản Cháo sớm được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang hơn, sạch sẽ hơn, để các em có điều kiện học tập tốt hơn.
Sơn Lâm