Chuyện cụ ông 78 tuổi tự học tiếng Anh qua... Google

(Dân trí) - Chia tay vùng quê đầm Dạ Trạch, hình ảnh đọng lại trong tôi là một cụ ông 78 tuổi và một ông 66 tuổi cặm cụi ngồi học tiếng Anh với câu nói "lớp học cực chẳng đã, nhưng có ông thầy Google tận tụy nên càng học càng ham"…

Đầu tuần rồi, nhân được nghỉ bù 30/4 -1/5, tôi về thăm bà con vùng quê đầm Dạ Trạch ven sông Hồng. Đến xóm Xuân Đình (xã Hàm Tử), tôi định ghé thăm nhà ông Phó Chủ tịch huyện Khoái Châu đã nghỉ hưu từ mấy năm nay không gặp, thế nhưng cậu con rể ông xem đồng hồ rồi nói: "Hôm nay thứ hai, giờ này mới 15h chắc ông cháu bận lớp!".

Theo thói quen, tôi bảo: "Ông đi học nghị quyết Đại hội à?".

- Dạ không, ông cháu học Tiếng Anh.

Tôi ngạc nhiên vì chuyện ông Phó Chủ tịch huyện về hưu bây giờ ôm sách học tiếng Anh, nên đi thẳng vào nhà. Sự xuất hiện đột ngột của chúng tôi có lẽ làm hai ông lão đang chăm chú ghi ghi chép chép bài học tiếng Anh có phần lúng túng.

Tôi chủ động lên tiếng: “Ngày nghỉ mà các cụ vẫn học hành nghiêm chỉnh quá!”.

Ông chủ nhà Nguyễn Chiến Khu - nguyên phó Chủ tịch huyện Khoái Châu phân bua: “Nói thật với các anh đây là lớp học cực chẳng đã vì con cháu bây giờ nó học ngoại ngữ mà mình kèm nó học lại chẳng biết chữ nào thì kèm làm sao được. Thế là cực chẳng đã phải đi học, mà ở thành phố thì trung tâm đầy ra, thầy dạy ngoại ngữ đầy ra, còn đây chúng tôi giữa đồng quê này cực chẳng đã phải mày mò tự học. Nhưng cái trò tự học dễ bốc lên là ào ào, nhưng gặp khó là nản ngay, do đó mấy ông già chúng tôi phải có quy chế việc học chặt chẽ thì mới học lâu dài được”.

Quy định bắt buộc mỗi tuần học hai buổi cố định vào ngày thứ hai và thứ năm. Mỗi buổi học tập trung trong 2 tiếng. Bận việc bất khả kháng thì phải học bù.

Hai thành viên của "lớp học tiếng Anh" đặc biệt này là ông Nguyễn Chiến Khu và cụ Nguyễn Quang Nhượng.


Ông Nguyễn Chiến Khu.

Ông Nguyễn Chiến Khu.

Ông Nguyễn Chiến Khu tuổi Canh Dần năm nay đã là 66 tuổi. Tốt nghiệp phổ thông, ông theo chân người anh ruột vào tận chiến trường Nam bộ, anh ở miền Đông, còn em ở Sài Gòn Gia Định. Sau giải phóng, ông Khu mới lại vào đại học, nhưng ngoại ngữ lúc ấy là tiếng Nga nên chẳng có tí cơ bản nào về tiếng Anh.


Cụ Nguyễn Quang Nhượng.

Cụ Nguyễn Quang Nhượng.

Còn thành viên thứ hai của lớp là cụ ông Nguyễn Quang Nhượng tuổi Mậu Dần năm nay đã 78 tuổi, là một thầy giáo tiểu học trường làng như một người lái đò cần mẫn hơn nửa thế kỷ đã đưa qua sông lớp lớp học sinh. Nhưng thời ông cũng chẳng được học tiếng Anh. Nhìn cuốn sổ ghi chép của ông nét chữ chân phương thật đẹp. Trang vở ông chia 5 cột , từ tiếng Anh, phiên âm quốc tế, phiên âm theo cách của ông, giải thích, và mục cuối là ghi chú.

Cả hai ông đều cho biết cái khó nhất là phát âm chuẩn vì muốn hướng dẫn các cháu đúng thì phải chuẩn. Không phải mình học cho mình mà học vì các cháu nên các ông phải học song song hai giáo trình: bộ sách giáo khoa cho tiểu học và bộ sách tự học.

Vậy bây giờ học tiếng Anh thì có cái gì thuận lợi? Ông Khu cho rằng bây giờ đi học không vì tăng lương tăng chức, không vì một áp lực nào mà hoàn toàn vì học để biết, học để giúp cháu. Và thầy dạy lúc nào cũng sẵn sàng giúp mình đo là thầy Google. Máy tính bật lên cần từ nào, câu nào gõ ra ngay, nghe một lần chưa rõ thì nghe hai lần, nghe hai lần chưa rõ lại nghe tiếp nghe đến lúc nào nhập tâm thì thôi.

Kết quả ban đầu giúp các ông hết sức tự tin, các cháu ở trường tiểu học bây giờ vào lớp 3 mới bắt đầu học tiếng Anh, tuần 2 tiết, trong lúc các ông học tuần 2 buổi, các ông lại có các phương tiện nghe nhìn hỗ trợ nên không sợ sai. Các ông cũng phấn khởi hơn khi xem tivi, đọc báo có một số câu tiếng Anh đơn giản mình cũng hiểu được phần nào nên lại càng ham học.

Tôi gợi ý, trên mạng bây giờ có một số chương trình dạy tiếng Anh online, nếu các cụ theo chắc hiệu quả hơn. Ông Khu cho hay: “Hay thì hay thật, nhưng muốn học thì phải nạp thẻ cào lích kích lắm, vậy nên bám ông Google thôi”.

Chia tay vùng quê đầm Dạ Trạch, hình ảnh đọng lại trong tôi là một cụ ông 78 tuổi và một ông 66 tuổi cặm cụi ngồi học tiếng Anh với câu nói "lớp học cực chẳng đã, nhưng có ông thầy Google tận tụy nên càng học càng ham".

Hiền Phương