Chụp ảnh kỷ yếu và những trò lố phản cảm

Chụp ảnh kỷ yếu để lưu lại những khoảnh khắc đẹp trước khi rời ghế nhà trường của học sinh, sinh viên là một một việc làm mang ý nghĩa tốt đẹp.

Thế nhưng, thời gian gần đây, không ít bộ ảnh kỉ yếu của học sinh, sinh viên đã khiến dư luận bị sốc nặng bởi sự phản cảm, thô tục. Theo các chuyên gia giáo dục, hiện tượng lệch chuẩn này chính là biểu hiện rõ nhất cho thấy một bộ phận học sinh, thậm chí sinh viên đang có “lỗ hổng” về nhân cách.

Kỉ yếu hay trò lố phản cảm?

Để lưu giữ lại những khoảnh khắc đẹp trước khi rời ghế nhà trường, xa thầy cô bạn bè, các thế hệ học sinh thường chụp ảnh kỷ yếu in ra làm kỷ niệm. Trong đó, phổ biến nhất là với những học sinh vừa hoàn thành chương trình lớp 12 hoặc những sinh viên sắp ra trường. Cũng chính trong những giây phút xúc động sắp chia xa sau nhiều năm gắn bó, không ít những bức ảnh kỉ yếu của các em đã gây ấn tượng mạnh tới nhiều người. Thế nhưng thời gian gần đây, trên nhiều trang mạng xã hội đã chia sẻ nhiều bộ ảnh kỉ yếu của các em khiến không ít người “mắt tròn mắt dẹt”. Bởi những hình ảnh ấy ghi lại những hành động thân mật quá trớn, những cách thể hiện tình cảm quá đà và cả những cách ăn mặc vô cùng phản cảm.

Trong đó, gây xôn xao nhất là bộ ảnh kỉ yếu của nhóm sinh viên một trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Bộ ảnh được chụp tại Hoàng thành Thăng Long với hàng loạt bức ảnh tạo hình gây “sốc” như: tạo hình biểu tượng giới tính, hôn nhân đồng giới, thậm chí có những bức hình chụp sinh viên nam nằm gối đầu lên ngực sinh viên nữ... Bộ ảnh được chụp ở Hoàng thành Thăng Long khiến không ít người phẫn nộ. Bác Hoàng Văn Trọng (Hai Bà Trưng- Hà Nội) chia sẻ: “Bác nghĩ chuyện sinh viên xếp những hình thù ấy sẽ không khiến bác “nhức mắt” nếu như thực hiện ở một nơi nào đó mà không phải là Hoàng Thành. Một nơi cần sự tôn nghiêm, cần những hành động thanh lịch để gìn giữ biểu tượng lịch sử văn hóa, thật đáng buồn khi các cháu sinh viên lại có những việc làm thiếu suy nghĩ như vậy”.

Những bức ảnh kỉ yếu phản cảm đang gây bất bình trong dư luận
Những bức ảnh kỉ yếu phản cảm đang gây bất bình trong dư luận.

Chưa hết, một bức ảnh kỉ yếu chụp lại khoảnh khắc một nam sinh... hôn mông một nữ sinh cùng lớp khiến những ai đã xem đều đỏ mặt vì ngượng ngùng. Được biết, đây là hai học sinh vừa hoàn thành chương trình lớp 12 của một trường phổ thông trung học ở Đà Nẵng. Điều đáng nói là sau khi có được khoảnh khắc “quý giá” này, nam sinh đã đăng lên Facebook như một chiến tích mặc cho nhiều người tỏ thái độ không hài lòng. Em Nguyễn Hoàng Sơn – học sinh lớp 12A1 trường THPT A.D.V (Hà Nội) sau khi được người viết cho xem bức ảnh cũng lắc đầu ngán ngẩm: “Em nghĩ đấy là hành động vui đùa quá trớn. Bọn em chụp ảnh kỉ yếu với các bạn nữ cùng lắm cũng chỉ dám khoác vai thôi, chứ chẳng dám cầm tay. Đằng này...”. Cô Lê Thị Kim (trú tại Phố Bạch Mai, TP. Hà Nội), có con năm nay đang học lớp 11, sau khi xem bức ảnh đã không giấu nổi vẻ bàng hoàng: “Thật là những hành động không thể chấp nhận với lứa tuổi học trò?”.

Nhưng so với bộ kỉ yếu “mát mẻ” của học sinh lớp 12D1 trường THPT H.D (Hà Nội) được tung lên mạng, những bức ảnh nói trên thậm chí còn khá “hiền”. Trút bỏ những chiếc áo trắng thơ ngây, các nữ sinh đã khoác lên mình các bộ bikini, thi nhau tạo dáng phản cảm dưới bể bơi. Một bộ ảnh kỉ yếu khác của học sinh khối lớp 12 một trường THPT ở Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) cũng được cộng đồng mạng đặt cho cái tên “Bộ ảnh kỉ yếu 18 ” bởi những hình ảnh hết sức phản cảm. Trong bộ ảnh, một nam sinh đứng kéo rộng chun quần để cho 3-4 nữ sinh “nhìn vào chỗ ấy”. Chưa hết, có nữ sinh còn “thò tay vào hẳn trong quần của nam sinh này rồi tạo nét mặt tò mò”.

Khi mùa chụp ảnh kỉ yếu vẫn chưa kết thúc, liệu sẽ còn những bộ ảnh gây sốc nữa xuất hiện?

Lỗ hổng nhân cách

Những bộ ảnh kỉ yếu phản cảm của học sinh khiến không ít những bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng. Trao đổi với người viết, cô Nguyễn Thị Thúy – Giáo viên trường THPT Cẩm Bình (Hà Tĩnh) – người được hàng nghìn học sinh lập fanpape trên mạng xã hội Facebook để bày tỏ sự kính trọng, đã bày tỏ: “Những bức ảnh gây phản cảm trên đã khiến các em tự đánh mất đi hình ảnh ngây thơ, trong trắng của tuổi học trò”. Là một giáo viên nắm rõ những suy nghĩ, tâm lí của học sinh nhưng cô thực sự sốc khi xem những hình ảnh ấy. Cũng theo cô Thúy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ấy là do chương trình dạy học chủ yếu chỉ chú tâm đào tạo về kiến thức mà thiếu đi những buổi đào tạo về kĩ năng sống, về nhân cách sống cho học sinh. “Tôi nghĩ đó là biểu hiện của lỗ hổng nhân cách của các em, khi mà các em được học quá ít về khía cạnh này trong môi trường sư phạm”.

Nguyên nhân chính dẫn đến những hành vi lệch chuẩn, đi trái với thuần phong mĩ tục của một bộ phận học sinh xuất phát từ phía nhà trường, gia đình và ngay cả bản thân các em. “Định hướng từ phía nhà trường, gia đình ít nhiều đều hướng các em đến những điều tốt đẹp, tuy nhiên việc tiếp thu hay không và ý thức được bao nhiêu lại hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức của mỗi học sinh”. – Cô Thúy nêu quan điểm. Thực tế, trong hệ thống các môn học, có rất ít môn dạy cho các em về nhân cách sống mà cụ thể nếu để chỉ ra thì chỉ có môn Giáo dục công dân. Thậm chí môn học này cũng chỉ cung cấp cho các em những kiến thức, những khái niệm mang tính sách vở khô khan. “Trong môi trường sư phạm, các em ít có cơ hội được tiếp xúc với những tình huống thực tế để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm về nhân cách sống, khiến khi đến tuổi có nhu cầu khẳng định mình chuyện “lệch pha” là không tránh khỏi”, cô Thúy nhận định.

Cô Nguyễn Thị Thúy (ảnh do nhân vật cung cấp)
Cô Nguyễn Thị Thúy (ảnh do nhân vật cung cấp).

Còn PGS.TS Phạm Minh Hằng (Giảng viên khoa Tâm lí học, trường ĐHKHXH&NV Hà Nội) cho rằng : “Ở độ tuổi của các em ai nhu cầu khẳng định mình rất lớn. Sẽ có những em đi đúng hướng nhưng cũng không ít em dễ có những hành vi lệch chuẩn để cố khẳng định bản thân. Các em muốn khác biệt, muốn tạo dấu ấn cá nhân nhưng không phải em nào cũng đã đủ trưởng thành để nhận thức được hành động của mình có phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, được mọi người chấp nhận hay không. Khi mà xã hội phát triển quá nhanh, hàng ngày các em tiếp xúc với những nét văn hóa mới, cởi mở hơn, tự do phóng khoáng hơn lại càng dễ khiến các em sai lầm”. Nói về những bộ ảnh trên, TS Minh Hằng cũng cho rằng: Có thể, bản thân các em cũng chưa thể nhận thức được hành động của mình sẽ khiến xã hội bức xúc, khó chịu như vậy.

Một thực tế hiện nay có thể dễ dàng nhận ra trong hệ thống giáo dục đó là việc giáo dục nhân cách sống đang bị xem nhẹ. Hiếm hoi lắm, các em mới có được buổi học ngoại khóa, buổi hướng dẫn kĩ năng mềm hay những buổi dạy kĩ năng giao tiếp, chung sống với xã hội, nhất là những trường ở vùng nông thôn, vùng núi. Không ít học sinh khi bị lên án đã ngụy biện rằng đó là những bức ảnh sáng tạo, thể hiện cá tính, sự hồn nhiên trong sáng, lưu giữ lại những thời khắc đẹp nhất của tuổi trẻ trước khi bước vào cuộc chạy đua tiền bạc. Và để có những bộ ảnh kỷ yếu “độc” không giống với ai, các em cũng đã phải bỏ rất nhiều công sức lên kịch bản, tạo hình, thuê áo váy, di chuyển hết từ địa điểm này đến địa điểm khác... Số tiền bỏ ra cho mỗi bộ ảnh kỷ yếu lên tới cả chục triệu đồng, đó là không kể việc nhiều lớp phải xin nghỉ học, căn ke thời gian giữa những lúc cao điểm ôn thi cuối cấp để đạt được mục đích này.

Cuối cùng, những bức ảnh “độc”, “không đụng hàng” được tung lên mạng xã hội còn các em thì hào hứng, phấn khích vì sẽ nhận được nhiều like, bình luận của mọi người. Nhưng các em không biết rằng, bên cạnh những lời a dua, đa phần mọi người phải ngao ngán thở dài vì một trào lưu lệch chuẩn đang đánh cắp của các em tiền bạc, thời gian... Thử tưởng tượng xem một vài năm nữa khi các em bước vào làm việc tại một doanh nghiệp, ông sếp khó tính của các em sẽ đánh giá gì khi nhìn ảnh chụp nhân viên của mình đang “hôn mông” một bạn gái khác trong ảnh kỉ yếu. Hoặc người yêu, bạn đời hay thậm chí cả con cái các em, vào “một ngày đẹp trời” thấy được ảnh bố, mẹ mình với những hình chụp phản cảm thời đi học đăng trên mạng. Lúc ấy chúng sẽ học được gì?.

Những bộ ảnh kỉ yếu phản cảm là một điều đáng lên án, nhưng bản thân nó cũng là những mũi tên chỉ ra lỗ hổng nhân cách ở nhiểu em, từ đó chỉ ra sự thiếu hụt về những kĩ năng sống của các em trong quá trình học tập ở trường. Phải chăng đã đến lúc cần ưu tiên hơn đến lúc “lấp lỗ hổng” ấy trong quá trình đào tạo những thế hệ tương lai cho xã hội.

Theo Báo Gia đình & Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm