Chương trình tích hợp tiếng Anh tại TPHCM: Hiệu ứng ngày càng lan tỏa
Năm học 2015-2016, TPHCM có gần 60 trường tham gia đề án “Dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh quốc và VN”. Qua một năm giảng dạy, lãnh đạo nhiều trường Tiểu học, THCS nhìn nhận bước đầu có tín hiệu khả quan với giải pháp được xem là đột phá để nâng chuẩn tiếng Anh cho học sinh thành phố.
Học sinh năng động, sáng tạo và giao tiếp tốt
Một năm triển khai có thể chưa đủ đánh giá hết hiệu quả của chương trình Tiếng anh Tích hợp (TATH) nhưng cũng đủ bộc lộ những ưu- khuyết. Đánh giá chung của lãnh đạo nhiều trường tham gia triển khai giảng dạy trong năm học 2015-2016 thì ưu điểm, rõ nhất chính là học sinh năng động hơn. Do mỗi tuần học sinh có đến 8 tiết được tiếp xúc với giáo viên bản ngữ nên kỹ năng giao tiếp với người nước ngoài và tư duy phản xạ của các em tốt hơn. Bên cạnh đó, phong thái của học sinh cũng tự tin, cách học độc lập kể cả làm việc nhóm cũng nhanh nhạy hơn.
Khác với các chương trình dạy tiếng Anh khác chỉ dạy chuyên sâu về tiếng Anh, chương trình này tích hợp chương trình của quốc gia Anh quốc và Bộ GD –ĐT Việt Nam ở 3 môn Toán, Tiếng Anh và Khoa học. Cô Hoàng Thị Lê An – Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du (Quận 1) đánh giá rằng chương trình rất phù hợp với nhu cầu hiện nay của học sinh và cha mẹ học sinh. “Chúng tôi nhận thấy học sinh không chỉ giỏi về vốn ngoại ngữ mà kỹ năng sử dụng ngôn ngữ của các em rất tiến bộ. Đặc biệt là các em phát huy được tư duy khoa học và tiếp thu những kiến thức thông qua chương trình được truyền đạt bởi ngôn ngữ tiếng Anh”, cô Lê An cho biết.
Cô An cũng chia sẻ, thời gian đầu học sinh lớp 6 cũng gặp chút bỡ ngỡ do chuyển tiếp môi trường học từ tiểu học lên. Tuy nhiên chỉ sau một tháng học thì các em nhanh chóng thích nghi và kết quả học tập cũng nâng lên. Trong khi đó các học sinh lớp 7 do được trang bị từ năm học trước nên tiếp thu thông tin và phát huy kỹ năng thực hành nhanh hơn. Kết quả kiểm tra học kỳ vừa rồi nhìn chung chất lượng của học sinh học chương trình này rất tốt và không bị ảnh hưởng gì đến kết quả học chương trình chính khóa. Đặc biệt, gần như không có học sinh nào đạt kết quả trung bình thay vào đó hơn 90% học sinh đạt giỏi chương trình chính khóa .
Nhắc đến chương trình tiếng Anh tích hợp, thầy Nguyễn Hữu Hạnh - Hiệu trưởng trường THCS Đống Đa (Quận Bình Thạnh) tỏ ra tâm đắc: “Đây là chương trình tôi tâm huyết, ấp ủ vì tôi thấy mục tiêu chương trình đi đúng hướng mà chúng ta cần trang bị cho học sinh. Qua các tiết dự giờ tôi đánh giá những giờ học tích hợp rất hay ở chỗ được thiết kế không nặng về kiến thức mà đi sâu vào kỹ năng đồng thời hướng học sinh theo lối tư duy sáng tạo. Học sinh chủ động hơn và đặc biệt là phương pháp tự học, điều mà tôi muốn thay đổi các cháu từ lâu nhưng chưa được”.
Theo thầy Hạnh, minh chứng là khi cho học sinh chương trình này cọ sát với các bạn lớp chuyên tiếng Anh thì các em không hề thua kém thậm chí còn năng động hơn. Năm học qua,trường có 2 lớp tham gia chương trình với tổng cộng 47 học sinh theo học và dự kiến sẽ mở thêm 2 lớp trong năm học tới sau những tính hiệu khả quan đã được bộc lộ.
Tương tự tại trường THCS-THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, có 227 học sinh theo học chương trình tích hợp tại 6 lớp trong năm học 2015-2016. Sau một thời gian ngắn làm quen, học sinh thích nghi và hứng thú với cách học này nên không có em nào rút ra khỏi chương trình.
Lan rộng đến các quận ngoại thành
Dựa vào kết quả khả quan sau khi đưa vào giảng dạy, nhiều trường muốn thực hiện tiếp chương trình và sẽ mở rộng thêm trong năm học tới. Cô Lê Thị Bình- Trưởng phòng giáo dục Quận 1 cho biết, sau khi nắm bắt nhu cầu của phụ huynh, học sinh, dự kiến quận sẽ mở rộng thêm ở một số trường trên địa bàn. Trước mắt có 2 thêm trường tiểu họcvà 1 trường THCS đã đăng ký thực hiện trong năm học 2016-2017. Ngoài ra phòng GD quận cũng đang làm việc với một số trường THCS để mở rộng thêm số trường có tham gia dạy. Năm học rồi có tất cả 11 trường THCS và Tiểu học ở quận 1 có dạy chương trình Tiếng Anh tích hợp.
Cô Bình cũng chia sẻ thêm rằng do là quận trung tâm với những áp lực về sỉ số, cơ sở vật chất nên khi sắp xếp phòng học cho chương trình tích hợp cũng gặp một số khó khăn. “Tuy nhiên tất cả các trường đều trên tinh thần tất cả vì học sinh, đáp ứng mong muốn và tạo điều kiện cho HS có cơ hội tiếp cận với chương trình tiên tiến cũng như được làm quen với phương pháp học chủ động, tích cực. Chúng tôi cũng chỉ đạo các trường sắp xếp phòng học, cơ sở vật chất để có thể mở rộng thêm”.
Không chỉ các trường đã giảng dạy chương trình thấy hài lòng mà nhiều quận, huyện cũng muốn tham gia chương trình này từ năm sau. Sức lan tỏa của chương trình đã đến tận các quận, huyện vùng ven như quận 6, 9, Gò Vấp và huyện Hóc Môn.
Thầy Lưu Hồng Uyên – Trưởng phòng giáo dục quận 6 cho biết, “chúng tôi xin ý kiến của thường trực UBND quận để triển khai chương trình này trong năm học 2016-2017. Trên địa bàn quận 6 có 10 trường THCS và 18 trường tiểu học thì dự kiến triển khai trên mỗi một cấp học là 5 trường với số học sinh tùy theo số lượng phụ huynh đăng ký”.
Thầy Uyên cho biết: “Điều mong mỏi của chúng tôi là học sinh của quận mình cũng có thể nói tiếng Anh lưu loát và sử dụng tiếng Anh vào việc học các môn toán, tự nhiên và xã hội để đáp ứng với vấn đề hội nhập quốc tế”. Thầy Uyên cũng nhận định, qua trao đổi với các quận đã triển khai, nhận thấy chương trình này hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới các môn học do Bộ GD-ĐT quy định, thậm chí còn giúp các em giảm tải bớt các kiến thức về toán và khoa học vì đã được tích hợp.
Là quận vùng ven, điều kiện kinh tế người dân còn khó khăn nhưng nhiều phụ huynh tại quận 9 cũng mong muốn cho con em được học chương trình theo chuẩn quốc tế ngay trong nhà trường. Cô Nguyễn Thị Thu Hiền- Trưởng Phòng GD-ĐT quận 9 cho biết, trước nhu cầu của phụ huynh trường đã cung cấp thông tin đến cha mẹ học sinh về chương trình. Ngay như năm học vừa rồi, rất nhiều phụ huynh thắc mắc và có nguyện vọng cho con học dù quận chưa triển khai. Theo cô Thu Hiền, “năm học tới căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, quận chúng tôi dự kiến sẽ triển khai chương trình tích hợp tại 3 trường tiểu học gồm trường Lê Văn Việt, Phước Bình và Bùi Văn Mới đồng thời tại 2 trường THCS là Hoa Lư, Trần Quốc Toản”.
BOX: Được biết, chương trình tiếng anh tích hợp đã được thực hiệntừ HK II năm học 2014 - 2015 tại 18 trường học trên địa bàn và thực hiện đại trà tại 65 trường (bao gồm tiểu học, THCS) từ năm học 2015 – 2016. Đây là bước đệm vững chắc khi mà nguồn nhân lực tương lai sử dụng thành thục tiếng Anh, sẽ giúp cho học sinh có cơ hội phát triển tri thức để tự tin sự hội nhập với quốc tế trong giai đoạn mới.
Phương Lan