Chương trình đào tạo tiên tiến: Vẫn chưa tiên tiến!

(Dân trí) - Giảng viên nói tiếng Anh chưa chuẩn, còn nặng về lý thuyết và đọc chép; sinh viên còn chịu sức ép về thời gian và khối lượng kiến thức; phòng học còn hẹp, tiếng ồn lớn, không ổn định...

Đó là những hạn chế trong đào tạo chương trình tiên tiến ở 9 trường đại học được nêu ra trong buổi Hội thảo về đào tạo chương trình tiên tiến năm học 2007 - 2008, Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 7/6/2008.

Chương trình đào tạo tiên tiến là chương trình được “nhập khẩu” từ các trường đại học tiên tiến trên thế giới cả quy trình, kế hoạch đào tạo, quy định học vụ, quản lý đào tạo và được giảng dạy bằng tiếng Anh.

Sinh viên trúng tuyển vào các trường ĐH, có trình độ tiếng Anh đáp ứng yêu cầu sẽ được tham gia học tập.

Chương trình đào tạo tiên tiến được triển khai thí điểm ở 9 trường ĐH từ năm 2006 đó là trường ĐH KHTN - ĐH QG TP.HCM, ĐH KHTN - ĐH QG Hà Nội, ĐH Sư phạm - ĐH Huế, ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa HN, ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Nông nghiệp HN, ĐH Cần thơ, ĐH Kinh tế Quốc dân.

Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện đào tạo chương trình tiên tiến tại các trường.

Báo cáo kết quả kiểm tra của Bộ cho biết, bên cạnh những ưu điểm, chương trình đã bộc lộ một số hạn chế:

Đội ngũ giảng viên Việt Nam giảng dạy bằng tiếng Anh ở các môn khoa học cơ bản còn thiếu, phát âm không chuẩn. Thậm chí một số môn học cơ bản giảng viên dạy bằng tiếng Việt. Với thời gian giảng dạy của giáo viên người nước ngoài ngắn (2 tuần) sinh viên phải chịu sức ép về thời gian và khối lượng kiến thức.

Phương pháp giảng dạy của giảng viên VN còn nặng về lý thuyết, đọc chép. Sinh viên còn thiếu thông tin về chương trình đào tạo toàn khoá. Điều kiện cơ sở vật chất một số điểm còn hạn chế như một vài trường chưa có phòng học ổn định, tiếng ồn lớn, nhiều phòng máy tính chưa có nối mạng...

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, trong 9 trường đào tạo tiên tiến thì chỉ có 6 trường mời giảng viên đối tác tham gia giảng dạy các môn cơ bản và cơ sở như: ĐH KHTN - ĐH QG TP.HCM, ĐH KHTN - ĐH QG Hà Nội, ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, ĐH Sư phạm - ĐH Huế, ĐH Bách khoa HN, ĐH Nông nghiệp HN.

3 trường chưa mời giảng viên nước ngoài, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Cần thơ, ĐH Bách khoa TPHCM.

Bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ ĐH & SĐH Bộ GD&ĐT cho biết: “Trong năm học tới, Bộ yêu cầu chấm dứt ngay việc giảng dạy các môn học bằng tiếng Việt, phải thay giảng viên không đủ năng lực để giảng dạy bằng tiếng Anh. Mời giảng viên đối tác tham gia giảng dạy ngay từ các môn học cơ bản”.

Tuy nhiên, các trường thực hiện đào tạo chương trình tiên tiến đã kiến nghị với Bộ GD&ĐT: Sớm có thông tư hướng dẫn về sử dụng kinh phí cho chương trình tiên tiến, tăng đầu tư cơ sở vật chất. Cho phép mua giáo trình, tài liệu tham khảo qua amazon để tiết kiệm kinh phí và chủ động trong đặt hàng. Đặc biệt, cho phép mời giảng viên nước ngoài giảng dạy bằng tiếng Anh từ các nước khác, không nhất thiết phải là giảng viên từ trường đối tác.

Theo Bộ GD&ĐT, Đề án đào tạo chương trình tiên tiến tại một số trường ĐH Việt Nam giai đoạn 2008 - 2015 sẽ đào tạo khoảng 4000 cử nhân, 600 thạc sĩ và tiến sĩ. Nguồn lực tài chính của chương trình, Ngân sách nhà nước hỗ trợ 859,5 tỷ đồng; Kinh phí nhà trường 358,125 tỷ đồng; Học phí, các nguồn khác là 214,875 tỷ đồng.

Đánh giá xếp hạng của các trường sau thực hiện đào tạo chương trình tiên tiến:

 

  1. ĐH KHTN - ĐH QG TP.HCM
  2. ĐH KHTN - ĐH QG Hà Nội
  3. ĐH Sư phạm - ĐH Huế
  4. ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng
  5. ĐH Bách khoa HN
  6. ĐH Bách khoa TPHCM
  7. ĐH Nông nghiệp HN
  8. ĐH Cần thơ
  9. ĐH Kinh tế Quốc dân

Hồng Hạnh