"Chúng ta đang đào tạo những thợ vụng"

Đó là nhận xét của nhà giáo Vũ Cao Đàm, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích Chính sách. Những trao đổi của ông về chính sách đối với giáo dục hiện nay cho thấy nhiều kiến giải lý thú.

Học sinh đau khổ, khó chịu với các môn học

Chưa có năm nào việc mất cân đối trong các ngành thi lại được nói tới nhiều như kỳ thi đại học năm nay. Theo ông đó có phải là hiện tượng bình thường?


Nếu nói là bình thường thì sẽ có nhiều người phản ứng. Nhưng thực tế xã hội phát triển, như của ta hiện nay, phát triển từ một nền kinh tế do Nhà nước chỉ huy sang nền kinh tế thị trường, sự cơ cấu lại hệ thống đào tạo là một quy luật tất yếu. Không thể bắt nó cứ theo như cũ được.

Chả lẽ cứ để người ta đổ xô vào kinh tế, ngân hàng, còn khoa học cơ bản thì chả mấy ai học?

Theo tôi, thứ nhất là  do nhu cầu xã hội kéo một bộ phận nhân lực vào một số ngành vì dễ xin việc làm. Bây giờ đi học là phải nghĩ ngay đến xin việc làm. Ví dụ, có thời kỳ xô vào luật, đến bây giờ học luật không dễ xin việc nữa. Các bạn trẻ lại xô vào quản trị kinh doanh. Các trường cũng đua nhau mở quản trị kinh doanh. Đến lúc ngành này cũng lại bão hoà, sức cuốn hút vào đấy chắc sẽ lại kém đi. Cái này xã hội sẽ điều chỉnh, chúng ta muốn cũng không được. Có thể do bản thân ngành đó không vươn lên được đúng cái tầm của nó. Như ngành sử chẳng hạn, chính các thầy cô giáo dạy sử cũng phàn nàn rằng cách dạy sử cũng như nội dung dạy sử hiện nay làm cho người học không hứng thú.

Vừa rồi có ý kiến cho rằng nên bỏ thi đại học môn sử?

Việc không thi sử trong tuyển sinh đại học có thể có lý, nhưng học sử thì rất cần. Phải biết sử để rút ra bài học lịch sử...

 

"Chúng ta đang đào tạo những thợ vụng" - 1
PGS.TS Vũ Cao Đàm.

 

Không mặn mà với ngành khoa học xã hội nhân văn, theo ông đây có phải là vấn đề chung trên thế giới?

Theo tôi không phải như vậy. Tôi biết một cháu học bên Đức từ trung học. Gặp cháu về nghỉ hè sau năm học lớp 12, tương đương lớp 11 của ta, tôi hỏi cháu thích những môn học nào? Tôi thật ngạc nhiên khi nghe nói, cháu thích nhất triết học, xã hội học và tâm lý học. Tôi hỏi cháu có ấn tượng về nhà triết học nào nhất, cháu nói đến Nitsche, Freud, Popper và Marx.

Tôi hỏi có biết Kuhn không? Cháu nói có biết, đó là một nhà triết học về khoa học sáng giá của thế kỷ XX. Cháu còn cho tôi xem bài tiểu luận về vị thế của giới nữ trong xã hội thông tin. Tôi cũng không ngờ cháu viết được một bài tiểu luận với ý tưởng hay như thế. Chuyện trò với cháu, tôi thấy sốc thật sự vì nền giáo dục của họ như thế. Người ta dạy về khoa học xã hội lôi cuốn, hấp dẫn học sinh như thế, còn của mình học sinh thấy đau khổ, khó chịu với các môn học này. 

 

PGS.TS Vũ Cao Đàm sinh năm 1938. Ông nguyên là viện trưởng sáng lập Viện Quản lý Khoa học, một trong những tiền thân của Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN; Là giám đốc sáng lập Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích Chính sách thuộc trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Từ 1991, ông đề xướng và tổ chức công việc đào tạo sau đại học chuyên ngành Chính sách KH&CN và Quản lý KH&CN tại Bộ KH&CN và Đại học Quốc gia Hà Nội.

Chính sách giáo dục đang sa lầy

Theo ông, vì sao lại có sự khác nhau như vậy?

Có lẽ là do quan điểm đào tạo hết sức khác nhau. Nhiều người cho rằng, sản phẩm đào tạo của Việt Nam "thừa thầy thiếu thợ". Tôi muốn nói, chương trình ấy thiếu cả thầy cả thợ. Giáo dục Việt Nam nhằm đào tạo ra những người thợ, nhưng là thợ vụng chứ không dạy làm người.

Ví dụ, dạy nhạc không phải dạy cảm thụ âm nhạc, mà lại dạy cách phát âm, tức là dạy để trở nên một anh thợ làm nhạc... Nhưng sau mấy năm phổ thông, liệu được bao nhiêu học sinh biết phát âm? Bao nhiêu học sinh có được khái niệm tối thiểu về nhạc lý? Học toán thì học đủ thứ thủ thuật làm toán, có thể đi thi đấu quốc tế được, thành thợ toán, chứ không dạy toán học chiếm vị trí nào trong hệ thống khoa học hiện nay. Trường tôi mở chương trình cử nhân tài năng về quản lý, đưa vào dạy môn quy hoạch toán, là môn rất quan trọng đối với ngành quản lý, thì không tìm đâu ra người dạy toán ứng dụng trong  quản lý.

Theo ông cần có chính sách gì để giải quyết những bất cập này?


Nếu bạn là người có  thẩm quyền, liệu bạn có thể đưa ra một  được giải pháp chính sách nào không? Về chính sách đối với giáo dục, chúng ta đang sa lầy, đang có nhiều khuyết tật, nhưng quan trọng nhất, nói như cựu chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, là mắc lỗi hệ thống. Muốn gỡ phải gỡ từ hệ thống. Liên quan lỗi đó, mới có thể xem xét những lỗi cụ thể, ví dụ, chính trị hóa khoa học xã hội, khô cứng hóa triết học là lỗi từ trên, không thể đổ lỗi cho các thầy cô dạy dỗ kém (đương nhiên cũng có nhiều thầy cô dạy dỗ kém).

Tôi muốn nói tới một chính sách để thu hút được người giỏi vào học sư phạm hoặc các ngành khoa học cơ bản?

Nhà nước cần nâng đỡ những ngành thiếu hụt nguồn lực, nhưng tôi cho rằng nâng đỡ cũng rất khó. Thu hút người ta vào học rồi, sau học xong thì đi làm ở đâu, không có việc làm, hoá ra lại làm khổ người ta à. Nếu nói sự thay đổi cấu trúc về nhu cầu thì đó là một tất yếu xã hội không tránh được. Vấn đề đặt ra là Nhà nước phải có một giải pháp nào đó thích ứng tạo điều kiện cho nó biến đổi mềm mại.

Xin hỏi hơi tò mò một chút, tham vọng của ông khi làm về phân tích chính sách là gì?

Tôi mong muốn kiến thức về  phân tích chính sách sẽ được phổ cập và người ta phân tích chính sách có lý có lẽ chứ không theo cảm tính. 10 năm nay chúng tôi xin được một dự án của Quỹ Rosa Luxemburg của Cộng hòa Liên bang Đức, chuyên nghiên cứu và mở các lớp về kỹ năng phân tích chính sách: Mở theo yêu cầu của Văn phòng Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Mặt trận tổ quốc các tỉnh, được hưởng ứng rất tích cực. Đã phát triển được các tài liệu phân tích chính sách, nhìn ra chính sách mắc lỗi ở đâu. Nói thực là, chúng ta làm chính sách nhưng còn đang rất lúng túng về phân tích chính sách.

Vì sao ông lại chọn nghiên cứu một lĩnh vực khó khăn như vậy?

Cũng là ngẫu nhiên thôi. Tôi thấy đây là lĩnh vực rất hay. Từ năm 1974, khi đang làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô cũ, tôi  đã có ý tưởng thành lập viện nghiên cứu chính sách. Hồi đó nhiều người còn e ngại, nghĩ làm chính sách là của các nhà chính trị chứ không phải nhà khoa học.

Người kéo tôi vào lĩnh vực này là GS.VS Trần Đại Nghĩa, ông là người nhìn trước thời đại rất xa. Từ năm 1978, ông đã yêu cầu tôi đứng ra thành lập một đơn vị nghiên cứu Chính sách Khoa học tại Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Đến 1982 chính thức có tên Viện Nghiên cứu Quản lý Khoa học. Năm 1992, tôi chuyển sang Đại học Tổng hợp Hà Nội, được GS Đào Trọng Thi hỗ trợ, lập ra chương trình nghiên cứu xã hội học về chính sách, chính thức đưa khoa học chính sách thành môn dạy trong ngành quản lý và đến nay đã phát triển thành khoa học chính sách.

Xin cảm ơn ông về những trao đổi lý thú này!

 
Theo Nhật Minh

Khoa học & Đời sống Online