Chúng ta có hiếu học lạc hậu?

Nhận định “chúng ta đang sống trong xã hội hiếu học lạc hậu, bởi ai cũng muốn vào đại học” được chia sẻ và cả phản bác từ nhiều góc độ.

TS Đàm Quang Minh, hiệu trưởng Trường ĐH FPT: Về lâu dài không nên "ăn xổi"

Tôi cho rằng cơ chế hiện nay đang đẩy mọi người vào tình trạng cho rằng học đại học là lãng phí hay vô nghĩa. Vấn đề ở chỗ quy hoạch nguồn nhân lực chứ không phải là việc vào đại học. Các công ty trong và ngoài nước vẫn tuyển người có trình độ cao nhưng có tuyển được đâu. Không phải thiếu việc làm, mà thiếu người làm được việc.


TS Đàm Quang Minh.

TS Đàm Quang Minh.

Trở lại với nhận xét của PGS Văn Như Cương, thì phụ huynh lâu nay vẫn thế. Nếu bảo toàn dân phải thay đổi quan niệm học hành này, là khó. Nhà trường phải thay đổi, chứ không phải “khách hàng”.

Muốn trường thay đổi phải có cạnh tranh. Muốn có cạnh tranh, phải có số lượng. Nếu số lượng các trường ít quá, sẽ không có động lực cạnh tranh, không khá lên được. Cứ cho mở thêm trường đại học cũng như cho các trường được chết. có trường mở mới và có trường chết đi, tự khắc cuộc sống sẽ lành mạnh, không phải lo nhiều hay ít.

Chính phủ cũng cần minh bạch hóa thông tin, có cơ chế yêu cầu các trường phải minh bạch hóa thông tin. Như hiện nay, các trường không có động cơ để minh bạch thật sự, vì mình minh bạch mà người khác không làm, có khi mình bất lợi.

Còn bảo tại sao không vào trung cấp, học nghề thay vì vào đại học, tôi nghĩ rằng về lâu dài không nên ăn xổi. Chúng ta muốn xây dựng xã hội tri thức, thì số người có trình độ đại học càng nhiều càng tốt. Càng nhiều người có trình độ cao, việc đón đầu hội nhập của đất nước sẽ càng thuận lợi.

BS Nguyễn Hữu Tùng - một trong 100 CEO châu Á xuất sắc nhất năm 2012: Những "nạn nhân" của truyền thống hiếu học

Theo tôi, mục tiêu vào đại học hiện nay của đa số học sinh phổ thông là việc đáp lại yêu cầu của phụ huynh, không phải yêu cầu của xã hội.

Cha mẹ yêu cầu phải học, áp lực hình thành từ rất lâu đời trong xã hội là phải vào đại học. Không học được đại học là không ra gì, uổng công nuôi dạy... Đặc biệt ở miền Trung và miền Bắc quan niệm này khá nặng nề.


BS Nguyễn Hữu Tùng.

BS Nguyễn Hữu Tùng.

Nhiều trường nước ngoài mở ở Việt Nam cũng chính vì tinh thần hiếu học này. Gia đình nghèo cỡ nào cũng cho con đi học. Nhưng vấn đề ở chỗ mục tiêu ngắn gọn của đa số chỉ là vào đại học.

Các em giống như nạn nhân bị bó buộc trong văn hoá hiếu học, rất căng thẳng khi vào đại học gần như là con đường bắt buộc.

Vấn đề là làm sao cho các em hiểu được rằng phải tôn trọng sự lao động. Làm cho công ty lớn là lao động, nhưng làm việc chân tay, làm nông cũng là lao động.

Lúc đó, vào hay ra đại học không phải là tất yếu mà phải có nghề, từ chân tay, đơn giản đến phức tạp, nặng nhọc… để lao động.

Vấn đề không phải chỉ nói cho các em học sinh, mà quan trọng là phải nói được đến phụ huynh, chính phụ huynh phải vượt qua được điều đó.

Không vượt qua được áp lực “phải học đại học” đó thì không xây dựng đất nước, xã hội được.

Học gì cũng được không cần đại học, mà học để trở thành người lao động chuyên nghiệp, bài bản, có năng suất.

Không nên nghĩ rớt đại học là buồn bã, mà nên xác định có một nghề, nhất nghệ tinh nhất thân vinh.

Có những người đầu bếp lương tháng vài chục triệu, nghề bác sĩ được bao nhiêu, mà bác sĩ dám coi thường đầu bếp? Cha mẹ thấy con hý hoáy trong bếp sao không động viên con theo đuổi năng khiếu mà lại bắt con lên nhà lo học thi vào trường y?

Ngành giáo dục phải thay đổi lối vào đời cho các em. Xây dựng nên những ngôi trường học thật dạy thật để đáp ứng nhu cầu xã hội. Đào tạo theo năng lực hay theo nhu cầu xã hội cũng được, nhưng phải đàng hoàng, bài bản, ra phải làm việc được.

Ông Haike Manning, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam: Coi trọng việc học theo giá trị mới

Sau thời gian sống ở Việt Nam và trải nghiệm các giá trị "Đông - Tây", tôi thấy người dân rất chú trọng tới giáo dục, cụ thể là việc học được coi trọng, Những thành công và kết quả học tập xuất sắc luôn được coi trong.


Ông Haike Manning.

Ông Haike Manning.

Ở New Zealand cũng đạt được nhiều thành tựu, nhưng đôi khi có những người quên đi giá trị đấy. Còn ở Việt Nam, điều đấy không xảy ra. Theo tôi, đó là điểm tích cực cần gìn giữ.

Nhưng cần coi trọng việc học như thế nào cho thỏa đáng? Theo tôi, ở góc độ chính sách, nền giáo dục tập trung vào xây dựng các kỹ năng tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề cho người lao động. Như thế mới tạo được sản phẩm là con người thay đổi và thích nghi với nhiều hoàn cảnh. Nhìn ra thị trường lao động quốc tế hiện nay có thể thấy nhân tài thực sự là người luôn có khả năng sáng tạo và thích nghi cao.

Theo Ngân Anh

VietNamNet