Chuẩn đầu ra khối đào tạo nghề: Vẫn nhiều rào cản
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN- Bộ LĐTBXH) vừa tổ chức Hội thảo triển khai khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với GDNN.
Theo đánh giá, hiện Việt Nam vẫn đi chậm so với các nước trong khu vực và còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai khung trình độ quốc gia.
Hoạt động này nhằm tham vấn về kế hoạch triển khai khung trình độ quốc gia Việt Nam giai đoạn 2020-2025; Dự thảo báo cáo tham chiếu thành phần của Việt Nam với khung tham chiếu ASEAN.
Tham dự Hội thảo có thành viên tổ công tác về thực hiện Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA), Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về kỹ năng (MRS), Khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF), Khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF)…
Liên thông các bậc học chưa rõ ràng
TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, từ năm 2016 đến nay, Tổng cục GDNN đã triển khai xây dựng khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp trung cấp và cao đẳng, là chuẩn đầu ra trong lĩnh vực GDNN. Tổng cục đã phối hợp ban hành được 320 chuẩn đầu ra cho 160 ngành nghề.
Dự kiến thời gian tới, Tổng cục sẽ bổ sung thêm khoảng 100 chuẩn đầu ra cho các ngành nghề khác nhau. Nhân lực và nguồn lực, tài chính để thực hiện xây dựng khung trình độ quốc gia Việt Nam đang là một thách thức lớn.
Việt Nam mới chỉ có một số cá nhân tham gia, trong khi đó cơ chế tổ chức thực hiện trên một số nước có cả hội đồng để thực hiện khung trình độ quốc gia.
Ngoài ra, vấn đề liên thông các bậc học chưa rõ ràng, do đó trong quá trình triển khai sắp tới sẽ có rất nhiều những khó khăn, vướng mắc.
TS. Nguyễn Quang Việt-Viện trưởng Viện Khoa học GDNN cũng cho rằng, hiện còn một số vấn đề đặt ra khi triển khai khung trình độ quốc gia Việt Nam như cần phải thống kê, phân loại để xây dựng danh mục và phân loại ngành nghề đào tạo, liên thông.
Ngoài ra, chưa có điều kiện để đảm bảo chất lượng trình độ. Hiện chuẩn đầu ra là tập hợp các kiến thức, kỹ năng hoặc năng lực mà cá nhân đạt được sau khi hoàn thành một quá trình độ học tập theo hình thức chính quy, không chính quy hoặc phi chính quy...
Hướng tới chuẩn hóa các trình độ
Cũng theo ông Nguyễn Quang Việt, các nhân tố làm ảnh hưởng đến việc xây dựng khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với giáo dục nghề nghiệp như, nhu cầu của các địa phương khác nhau về quy mô, mật độ dân số, điều kiện thị trường lao động, kinh tế, thành phần dân tộc, văn hóa truyền thống, giáo dục...
Mục đích của việc xây dựng khung trình độ quốc gia Việt Nam nhằm phân loại, chuẩn hóa năng lực, khối lượng học tập tối thiểu và văn bằng chứng chỉ phù hợp với các trình độ thuộc GDNN.
Đồng thời, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực, tạo cơ chế liên thông giữa các trình độ đào tạo. Thiết lập mối quan hệ với khung trình độ quốc gia của các nước khác thông qua các khung tham chiếu trình độ khu vực làm cơ sở thực hiện lẫn nhau về trình độ.
Tại Hội thảo này, Dự thảo báo cáo tham chiếu thành phần của Việt Nam với khung tham chiếu ASEAN đã đưa ra kế hoạch thực hiện khung trình độ quốc gia Việt Nam (đối với các trình độ của GDNN giai đoạn 2021-2025). Trong đó nêu rõ một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.
Cụ thể, xây dựng và ban hành các văn bản, tài liệu để triển khai thực hiện khung trình độ quốc gia đối với các trình độ GDNN; Xây dựng và ban hành chuẩn đầu ra theo lĩnh vực ngành nghề đào tạo nghề nghiệp. Đồng thời triển khai, cập nhật, phát triển chương trình đào tạo nghề nghiệp theo khung trình độ quốc gia.