Chưa một trường đại học Việt Nam nào đạt chất lượng

(Dân trí) - Bộ GD-ĐT vừa thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục của 20 trường ĐH “tốp đầu” của Việt Nam. Theo GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, thành viên Hội đồng thẩm định, “không có trường đại học Việt Nam nào đạt chất lượng”.

 
Chưa một trường đại học Việt Nam nào đạt chất lượng - 1

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT
 
Được biết, 20 trường ĐH được kiểm định lần này là những trường được coi là “tốp trên” của Việt Nam, tại sao lại không có trường nào đạt chất lượng thưa ông?

Bộ GD-ĐT đã phối hợp với các chuyên gia nước ngoài để thực hiện kiểm định thí điểm 20 trường ĐH thuộc “tốp trên”. Kết quả kiểm định cho thấy, không có một trường ĐH nào ở Việt Nam đạt chuẩn cơ sở vật chất như nhà học, phòng thí nghiệm, giáo trình… Ví dụ ĐH Bách khoa Hà Nội là trường có Thư viện điện tử đầu tiên của Việt Nam nhưng vẫn không đủ máy tính để phục vụ sinh viên.

Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên thì vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng. Sinh viên ĐH, CĐ hiện nay có hơn 1,7 triệu, đội ngũ giảng viên có hơn 61 nghìn, trong đó Giáo sư chỉ có 320 người (chiếm 0,52%), Phó Giáo sư 1.966 người (chiếm 3,21%), Tiến sĩ 6.217 người (chiếm 10,16%). Nhìn con số trên thì chúng ta cũng đủ hiểu chất lượng đào tạo như thế nào.

Kết quả kiểm định cho thấy các trường mới chỉ đạt hơn 80% yêu cầu của tiêu chí. Thậm chí chỉ có 3 trường ĐH mới đạt khoảng 50-60% yêu cầu của các tiêu chí đánh giá.

Theo ông “lỗ hổng” lớn nhất của giáo dục ĐH Việt Nam là gì?

Theo tôi được biết, ở các trường công, đã được nhà nước đầu tư nhưng các trường không thực hiện triệt để, thậm chí có trường 15 năm mới xây xong nhà Hiệu bộ.

Còn các trường Dân lập thì mở ra ào ạt. Một người đồng nghiệp của tôi kể, một trường ĐH ở khu vực miền Trung khi thành lập có một tiến sĩ, sau 5 năm thì tăng lên được ba tiến sĩ. Hay như báo Tuổi trẻ đã phản ánh về trường ĐH Phan Thiết vừa mới thành lập, chưa có cơ sở vật chất mà vẫn ung dung được phép tuyển sinh và sắp khai giảng năm học đầu tiên với gần 750 sinh viên. Tôi không hiểu các cơ quan quản lý nhà nước làm gì mà vẫn để tình trạng này xảy ra.

Vậy nên, theo ý kiến của tôi: Với các trường công, nhà nước đã đầu tư thì đầu tư đến nơi đến chốn. Với các trường dân lập, bao giờ có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, giảng viên, chương trình, giáo trình đào tạo… thì mới cho mở chứ đừng để tràn lan như hiện nay.

Là người hiểu rõ về sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam, vậy theo ông đâu là mấu chốt để khắc phục được tình trạng hiện nay của giáo dục ĐH?

Bản dự thảo kiểm định chất lượng 20 trường ĐH hàng đầu đã cho thấy rất cụ thể về bức tranh giáo dục ĐH Việt Nam. Đáng lo nhất là hiện tượng các trường ĐH công lập mở tràn lan các hệ đào tạo, nhất là đào tạo tại chức (trên thế giới làm gì có trường ĐH nào có đến gần 50.000 sinh viên). Đại học là đào tạo ra những đội ngũ lao động tri thức chất lượng cao, nếu để tình trạng thế này thì rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tiền đồ của xã hội.

Vấn đề này chúng tôi đã nhận thấy từ lâu và  có nhiều trăn trở. Cách đây một tháng, tôi cũng đã phát biểu tại cuộc họp của Uỷ ban Văn hoá giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội. Mở trường ĐH là quyết định của Chính phủ; chỉ tiêu tuyển sinh, mở ngành, giáo trình… là do Bộ GD-ĐT quyết định nhưng kết quả cuối cùng là người dân phải chịu. Để xoay chuyển được tình hình này thì chỉ có Chính phủ quyết định được. Cần phải có biện pháp giải quyết triệt để, nếu để lâu thì “ung nhọt” vỡ ra, rất khó giải quyết.

Xin cảm ơn ông!

Theo dự thảo báo cáo đánh giá chung về 20 trường ĐH “tốp đầu” được kiểm định giai đoạn 2005-2008 thì chỉ có 14/20 trường đáp ứng hoàn toàn yêu cầu về xác định sứ mạng và mục tiêu.
 
Về tổ chức và quản lý thì chỉ có 8/20 trường đạt yêu cầu.
 
Về chương trình đào tạo, các trường mới chỉ đáp ứng được 80% yêu cầu, đặc biệt về “Chương trình đào tạo được định kì bổ sung, điều chỉnh” thì chỉ có 3 trường ĐH mới đạt 50-60% yêu cầu của các tiêu chí.
 
Về hoạt  động đào tạo thì chỉ duy nhất trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM được công nhận là “Tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ đi vào ổn định”.
 

Đặc biệt, ở cả 20 trường, sinh viên không hài lòng với chất lượng giảng dạy. Còn các vấn đề khác như cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, thư viện, thiết bị học tập và cơ sở vật chất… thì vẫn thiếu và yếu, nhiều trường gặp khó khăn về vấn đề này, hiện chưa có biện pháp tháo gỡ. 

Hồng Hạnh