Chủ tịch Quốc hội gặp gỡ các nhà giáo tiêu biểu toàn quốc
(Dân trí) - Sáng 15/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có cuộc gặp gỡ 183 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu toàn quốc nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Cùng dự có ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. Về phía Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ; đại diện lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ.
Nỗ lực hoàn chỉnh hệ thống chế độ, chính sách phát triển nhà giáo
Báo cáo tại cuộc gặp gỡ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Thời gian qua, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Năm học 2019-2020, dù chịu tác động mạnh của đại dịch Covid-19, nhưng toàn ngành đã nỗ lực vượt khó, hoàn thành mục tiêu kép là đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên và hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và tuyển sinh đại học, cao đẳng được tổ chức thành công. Toàn ngành cũng tích cực chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và sách giáo khoa để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
“Có được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự động viên thường xuyên của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội; sự hỗ trợ, chia sẻ của các cơ quan của Quốc hội; sự nỗ lực, tâm huyết, trách nhiệm của toàn ngành, trong đó vai trò quyết định là của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp”, Bộ trưởng cho hay.
Xác định chất lượng đội ngũ giáo viên là một trong những yếu tố quyết định thành công của đổi mới giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Bộ GDĐT đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật và các đề án để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. Các chế độ, chính sách đối với nhà giáo ngày càng tốt hơn.
“Mới đây, Bộ GDĐT đã thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên với nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý và giao cho Chính phủ triển khai thực hiện”, Bộ trưởng thông tin.
Tại buổi gặp gỡ, các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã chia sẻ với Chủ tịch Quốc hội một số vấn đề quan tâm như chế độ chính sách với giáo viên mầm non; cơ chế cho nghiên cứu khoa học trong trường đại học; những hỗ trợ để thúc đẩy chuyển đổi số giáo dục…
Không vì một sai sót mà phủ nhận công lao của nhà giáo, ngành Giáo dục
Bày tỏ sự vui mừng được gặp mặt các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu, đại diện cho gần 1,5 triệu nhà giáo trên khắp cả nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi đến các thầy, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục và các thế hệ thầy, cô giáo trên mọi miền Tổ quốc những tình cảm trân trọng, sự biết ơn và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
“Tôi mong rằng, tất cả các thầy, cô giáo luôn đủ sức khỏe, lòng nhiệt huyết, niềm tin để tiếp tục yêu nghề, miệt mài cống hiến cho sự nghiệp chở đạo cao cả, xứng đáng là những “người đưa đò” thầm lặng mà vẻ vang.
Đặc biệt, các thầy giáo, cô giáo tiêu biểu có mặt tại đây hôm nay tiếp tục phát huy vai trò là hạt nhân nòng cốt, lan tỏa để có nhiều hơn nữa tấm gương về chuẩn mực đạo đức, sự tận tâm, tận tụy với nghề, truyền “ngọn lửa” nhiệt huyết, chia sẻ những cách làm hay, những kinh nghiệm quý, những đổi mới, sáng tạo; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, truyền thống hiếu học của cha ông; thổi bùng niềm tin, khát vọng đưa đất nước ngày càng phát triển phồn vinh, hạnh phúc”, Chủ tịch Quốc hội gửi gắm.
Đánh giá cao nỗ lực của ngành Giáo dục trong những năm qua, Chủ tịch Quốc hội đã điểm lại một số kết quả nổi bật như: Chất lượng giáo dục phổ thông ngày càng nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao; chất lượng giáo dục đại học được cải thiện rõ rệt, tự chủ đại học được thúc đẩy, tạo đột phá trong quản trị, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ngày càng được củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng, đồng bộ về cơ cấu.
Nhận định về năm học vừa qua, Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, ngành Giáo dục đã chủ động, kịp thời đề ra phương án phù hợp, vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương pháp và hình thức dạy học, nhất là dạy học trực tuyến để các hoạt động giáo dục không bị ngưng trệ, “đứt gãy”; tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng nền nếp, chất lượng, phù hợp với xu hướng quốc tế.
“Năm 2020, Ngân hàng Thế giới đánh giá chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam đứng thứ 38/74 nền kinh tế; trong đó, thành phần kết quả giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển”, Chủ tịch Quốc hội thông tin và khẳng định, đây là kết quả rất đáng tự hào.
Để có được những kết quả này, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, là nhờ sự cố gắng của toàn ngành, sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng trong dạy và học của các thế hệ thầy và trò trong cả nước. Trong đó, có những thầy, cô đã hy sinh cả tuổi xuân, hết lòng vì học sinh, bám trường, bám lớp, trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em,… ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, biên giới, hải đảo.
Trước không ít khó khăn của ngành Giáo dục trên chặng đường đổi mới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ sự chia sẻ và cho biết: Trong hoạt động Quốc hội, giáo dục luôn là vấn đề được đại biểu và cử tri quan tâm. Với trách nhiệm người đứng đầu, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT luôn phải đứng trước nhiều áp lực nặng nề. Ngay trong kỳ họp này, Bộ trưởng đã nhiều lần trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Câu trả lời của Bộ trưởng rất tốt, được đại biểu chấp nhận, đánh giá cao.
“Tôi chia sẻ với ngành Giáo dục, với Bộ trưởng. Vai trò của giáo dục rất lớn trong hoạt động đời sống xã hội. Sự nghiệp giáo dục còn ở phía trước với nhiều vấn đề tiếp tục cần triển khai thực hiện và phải thường xuyên, liên tục đổi mới.
Chúng ta đừng thấy bất cập nào đó, một sai sót nào đó chưa được để đánh giá, phủ nhận hết tất cả những vấn đề, công lao của thầy cô giáo, của ngành Giáo dục trong suốt thời gian qua”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.