Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới: Hệ thống giáo dục Việt Nam là điểm mạnh

Hoàng Hoàng

(Dân trí) - Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá hệ thống giáo dục của Việt Nam từ lâu đã là một điểm mạnh, cần tiếp tục đầu tư cho giáo dục để đảm bảo học sinh được trang bị những kỹ năng của tương lai.

Công nghệ là cơ hội và thách thức cho người trẻ

Đó là chia sẻ của Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới trong buổi trò chuyện truyền cảm hứng cho các sinh viên trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TPHCM lần thứ 5 diễn ra vào ngày 6/10.

Với chủ đề "Kinh tế tri thức - Nền tảng cho thịnh vượng và hành động của giới trẻ", ông nhấn mạnh, công nghệ là cơ hội và thách thức người trẻ Việt Nam, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI).

Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới: Hệ thống giáo dục Việt Nam là điểm mạnh - 1

Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới, chia sẻ tại buổi nói chuyện với giới trẻ (Ảnh: Hương Tuyết).

Ông đánh giá, kỷ nguyên trí tuệ lên ngôi mở ra nhiều ý tưởng khởi nghiệp, sáng tạo. Việt Nam, một quốc gia có nền văn hóa phong phú và nền kinh tế phát triển nhanh chóng, đang đứng trước ngưỡng cửa của sự chuyển đổi này.

Việt Nam đã đón nhận các xu hướng đổi mới công nghệ, số hóa và hiện đại hóa bằng những chính sách đầy tầm nhìn của Chính phủ nhằm đưa Việt Nam trở thành một cường quốc số tại khu vực Đông Nam Á.

"Là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, Việt Nam đã và đang định vị mình là một nhân tố quan trọng trong thương mại và sản xuất toàn cầu.

Khi bước vào kỷ nguyên trí tuệ, Việt Nam cần tiếp tục thay đổi, tận dụng công nghệ số để duy trì lợi thế cạnh tranh của mình", Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhấn mạnh.

Giáo sư chỉ ra 4 lĩnh vực chính mà công nghệ đang tái định hình bối cảnh của Việt Nam gồm: AI và tự động hóa trong sản xuất, Thương mại điện tử và dịch vụ số, Hạ tầng số và đô thị thông minh, Phát triển bền vững và công nghệ xanh.

Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới: Hệ thống giáo dục Việt Nam là điểm mạnh - 2

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Hương Tuyết).

Cần tiếp tục đầu tư cho giáo dục 

Những tiến bộ công nghệ của kỷ nguyên trí tuệ dù mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam nhưng cũng đặt ra những thách thức như: Nguy cơ làm gia tăng bất bình đẳng nếu không được quản lý cẩn thậ

n, một số công việc có nguy cơ mất đi...

Chính phủ Việt Nam đang giải quyết vấn đề này thông qua Chương trình quốc gia về phát triển nguồn nhân lực, tập trung vào tái đào tạo nguồn lao động cho các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới chia sẻ rằng đào tạo nghề, kết hợp với các chương trình phát triển kỹ năng số, sẽ là chìa khóa đảm bảo cho lực lượng lao động của Việt Nam duy trì tính cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu.

Ông nhấn mạnh tới hệ thống giáo dục và đánh giá: "Hệ thống giáo dục của Việt Nam từ lâu đã là một điểm mạnh, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).

Tuy nhiên, để tham gia toàn diện vào kỷ nguyên trí tuệ, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào hệ thống giáo dục của mình, đảm bảo học sinh được trang bị những kỹ năng của tương lai, bao gồm tư duy phản biện, tư duy sáng tạo và kỹ năng số".

Theo ông, để cạnh tranh trong môi trường quốc tế, sinh viên Việt Nam cần sự bản lĩnh, sáng tạo, đam mê, ham học hỏi và sử dụng công nghệ một cách thông minh.

Từ góc độ chuyên gia, ông cũng giao lưu với các doanh nhân và sinh viên tiêu biểu về những hành động của thế hệ trẻ. Giáo sư cho biết, ngoài sự đột phá mới mẻ, người trẻ cần cập nhật xu hướng, thích ứng thay đổi và sẵn sàng giải quyết những rủi ro. Bằng cách đó, thế hệ trẻ sẽ trở thành những nhà lãnh đạo, góp phần vào sự phát triển của mỗi quốc gia.

Tại buổi trò chuyện, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM cho hay, việc xây dựng và phát triển nền kinh tế tri thức không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu cấp thiết.

Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng có những lợi thế để phát triển kinh tế tri thức như lực lượng lao động trẻ đông đảo, thích ứng nhanh với công nghệ và tư duy sáng tạo.

"Mỗi bước đi của các bạn, mỗi ý tưởng khởi nghiệp, mỗi sáng kiến cải tiến đều góp phần vào sự thịnh vượng chung", ông Mãi phát biểu.

Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới: Hệ thống giáo dục Việt Nam là điểm mạnh - 3

Giáo sư Schwab và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, lãnh đạo Trường Đại học Hoa Sen trò chuyện về sự phát triển của thành phố (Ảnh: Hương Tuyết).

Do đó, theo ông Mãi, để biến tiềm năng thành hiện thực, chúng ta cần có những giải pháp đột phá trong giáo dục và đào tạo, thế hệ trẻ không chỉ trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn mà còn rèn luyện kỹ năng sáng tạo, tư duy phản biện và nhạy bén với công nghệ mới.

Theo PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen, thông qua chia sẻ của Giáo sư Klaus, doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp, trí thức trẻ sẽ tiếp cận tầm nhìn của một chuyên gia kinh tế có tầm ảnh hưởng toàn cầu về kinh tế tri thức. Thế hệ trẻ TPHCM sẽ hiểu rõ hơn vai trò của nguồn nhân lực, công nghệ trong sự phát triển kinh tế.

Với sự tham gia của các đại biểu, doanh nghiệp và đông đảo sinh viên từ nhiều trường đại học, đây là sự kiện đánh dấu sự trở lại Việt Nam của Giáo sư Klaus Schwab sau 15 năm. Sự kiện do UBND TPHCM chủ trì, Sở Ngoại vụ TPHCM và Trường Đại học Hoa Sen phối hợp tổ chức.

Kỷ Hương 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm