"Chú... là mẹ, các cháu là con"

Hồi mới vào nghề, là thanh niên chưa vợ, giờ phải nuôi dạy, chăm sóc mấy chục đứa trẻ, lúc nào Lại Công Hoan cũng thấy mình bận rộn. Có những bé chưa biết tự phục vụ mình còn đi tiểu hoặc đại tiện ra quần, chính Hoan lại phải tự tay thay giặt, rửa ráy cho bé...

Chấp nhận làm "của hiếm" trong môi trường giáo dục toàn các chị em, sau khi tốt nghiệp Trường THSP mầm non Thái Bình, chàng trai Lại Công Hoan (sinh năm 1980, ở xóm Hòa Bình, xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương, TP Thái Bình) xung phong đảm nhiệm vai trò "chơi cùng các bé" ngay tại trường mầm non của xã nhà...

"Chú... là mẹ, các cháu là con"  - 1
Thầy Lại Công Hoan trong một buổi dạy. 
 
"Chú nuôi dạy trẻ" vùng quê

Hàng năm, số sinh viên nam thi vào các trường đào tạo giáo viên mầm non cũng có nhưng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có một thực tế, sau khi rời ghế giảng đường họ liền đi học thêm để làm công tác quản lý chứ không mấy ai chịu đứng lớp.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Thái Bình, cả tỉnh hiện nay chỉ có... 2 giáo viên nam "đầu quân" theo ngành này, nhưng chỉ có thầy Lại Công Hoan trực tiếp tham gia công tác giảng dạy.
   
Khi sinh ra cậu con trai thứ hai, đặt tên là Lại Công Hoan, có đến trong mơ ông bà Bào (xóm Hòa Bình, xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương, TP Thái Bình) cũng không tưởng tượng nổi khi lớn lên Hoan lại chọn cái nghề nuôi dạy, chăm sóc... trẻ em mầm non. Cái nghề đặc thù vốn cần sự tận tuỵ, tỉ mỉ, mềm dẻo và dịu dàng vốn chỉ dành riêng cho phái nữ lại được người con trai của họ chọn để thành "nghiệp" của mình.
    
Mẹ Hoan kể: "Từ nhỏ, lũ trẻ con hàng xóm hay chạy sang chơi và quây quần bên anh Hoan; anh Hoan dạy chúng hát hò và dỗ dành mỗi khi chúng dỗi hờn, khóc lóc. Có lẽ, Hoan gắn bó với lũ trẻ mầm non từ những ngày thơ ấu ấy".
    
Vốn có chút năng khiếu âm nhạc, học xong THPT, Lại Công Hoan nộp đơn thi vào Trường cao đẳng Sư phạm Nhạc hoạ Trung ương, nhưng không đỗ. Thêm một năm đèn sách, tự đánh giá thực lực của mình, năm sau Hoan ứng thí vào trường THSP Mầm non Thái Bình trong sự ngạc nhiên của bao nhiêu người. Tâm sự với chúng tôi ông Lại Thế Bào, cha Hoan cho biết, khi ấy ông chỉ biết thở dài khuyên con: "Thôi thì nghề nào cũng vậy miễn là lao động trong sạch, đàng hoàng, lương thiện. Quan trọng nhất khi đã chọn nghề là phải làm tốt, để không phải hổ thẹn với mọi người!"
    
Nhớ lại những ngày đầu nhập học, anh Hoan không khỏi bật cười: "Trường THSP Mầm non Thái Bình có hàng ngàn học sinh mà chỉ có... 2 mống con trai, thực sự lúc ấy Hoan mới thấy mình "liều" vì thiếu tự tin. Nhưng rồi những bỡ ngỡ ban đầu dần qua đi, bạn bè thầy cô động viên giúp đỡ, các môn học cuốn hút... Hoan bắt đầu cảm thấy say mê nghề mình đã chọn. Niềm tự tin nhen nhóm dần..."
    
Ra trường năm 2001, Hoan được nhận ngay về Trường mầm non Vũ Ninh (xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương, TP Thái Bình). Lúc đầu ban giám hiệu còn ưu tiên cho anh dạy môn Giáo dục âm nhạc chung cho toàn trường. Sang năm thứ hai, thầy giáo trẻ được phân công đứng lớp 4 tuổi. Cho đến bây giờ, Hoan vẫn không thể nào quên được những vất vả, khó khăn mà một thầy giáo trẻ như anh khi ấy gặp phải.

Là trường mầm non ở một xã thuần nông nghèo, Trường mầm non Vũ Ninh cũng có những khó khăn như bất cứ trường mầm non nào ở khu vực nông thôn trong tỉnh. Với dân số trên 8.000 nhân khẩu, số lượng các cháu vào học tại trường mỗi năm đạt từ 400-600 cháu, chia làm 9 lớp mẫu giáo và 9 nhóm trẻ ở 4 khu trong xã. Thêm vào nữa, trẻ em ở nông thôn sống trong điều kiện vật chất thiếu thốn, không chịu hoà nhập nên việc dạy bảo các cháu những ngày đầu không phải dễ dàng.
     
Trong những khó khăn chung, thầy giáo trẻ Lại Công Hoan còn gặp phải những khó khăn riêng mà không phải ai cũng biết. Là thanh niên chưa vợ, nay phải nuôi dạy, chăm sóc mấy chục đứa trẻ... lúc nào Hoan cũng thấy mình bận rộn. Cho chúng ăn, ngủ; dạy chúng tự phục vụ, giáo dục để chúng nhận thức dần về cuộc sống, bản thân. Chưa hết, do trình độ trẻ không đồng đều, có những bé chưa biết tự phục vụ mình còn đi tiểu hoặc đại tiện ra quần, chính Hoan lại phải tự tay thay giặt, rửa ráy cho bé. Bữa cơm phải dỗ làm sao cho trẻ ăn đủ no, không quấy khóc. Đó chính là... 1001 "nỗi niềm" không được đặt tên.

Hơn nữa, tại thời điểm đó, điều kiện của trường còn khó khăn, thầy giáo Lại Công Hoan đành xin bố mẹ hỗ trợ một cây đàn để dạy trẻ môn giáo dục âm nhạc được tốt hơn. Anh cũng tự mày mò làm đồ chơi, đồ dùng để tiết học có các giáo cụ trực quan, những vật dụng này sẽ làm trẻ tiếp thu nhanh hơn và thích thú với môn học. Cứ thế, Lại Công Hoan đã tự gây dựng tình yêu và niềm say mê với nghề như thế. 
"Chú... là mẹ, các cháu là con"  - 2
Thầy giáo Lại Công Hoan trong một giờ lên lớp.
 
 
"Một nghề cho chín..."

Năm đầu tiên tham gia đứng lớp cũng là năm Sở GD-ĐT về thanh tra toàn diện trường mầm non Vũ Ninh 2001. Giờ học Giáo dục âm nhạc của Lại Công Hoan được xếp loại giỏi và được các chuyên viên mầm non của Sở đánh giá cao. Phấn khởi với những kết quả đạt được ban đầu đó, thầy Hoan đầu tư hơn nhiều công sức vào những tiết dạy. Năm học sau đó, Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình tổ chức cuộc thi Giáo viên mầm non dạy giỏi cấp tỉnh môn học dạy các bé làm quen với Toán, Lại Công Hoan là giáo viên duy nhất đại diện cho ngành Mầm non huyện Kiến Xương được chọn "đem chuông đi đánh xứ người...".

Hoan kể: "Để có tiết dạy hướng dẫn trẻ 4 tuổi nhận biết hình khối trong môn toán học, tôi đã phải xây dựng ý tưởng, hình thành giáo án, tự tay làm đồ dùng dạy học là một bức tranh xốp được tháo rời ra thành các hình khối, từ đó giúp trẻ nhận biết và lắp ghép thành một bức tranh hoàn chỉnh". Tiết học của Lại Công Hoan đã được đánh giá cao và giành giải nhất cuộc thi năm đó. Cứ thế, tự mày mò sáng tạo thêm những đồ dùng dạy học để phục vụ cho những tiết học nhằm tăng thêm phần trực quan, sinh động, mấy năm liền tại các kì hội giảng, Lại Công Hoan liên tục trở thành người đứng đầu.

Trong ngày hội giao lưu giáo viên mầm non giỏi toàn quốc, Lại Công Hoan là giáo viên nam duy nhất trong số gần 100 giáo viên mầm non giỏi đến từ khắp các tỉnh thành trong cả nước vinh dự được trao cúp Búp sen vàng và kỉ niệm chương của ngành năm 2005.

Những giáo viên trong trường rất tâm đắc về nam giáo viên mầm non này: "Anh Hoan rất năng động, chịu khó nhiệt tình trong công việc. Thầy rất hòa đồng, có những cách thức mới thầy đều hướng dẫn cho giáo viên ở trường dạy tốt hơn. Nhiều khi thầy còn thức đến khuya để tự mày mò làm đồ dùng cho trẻ nhỏ" - cô Phạm Thị Thảo, giáo viên lớp trẻ 5 tuổi cho biết.
    
Giờ tuy đã được bổ nhiệm làm hiệu phó Trường Mầm non Vũ Ninh, nhưng Lại Công Hoan cho biết, anh vẫn sẽ tham gia đứng lớp cho đến khi nào các bé không còn yêu quí thầy Hoan nữa mới thôi.

Theo Tamnhin.net