1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Choáng váng với học phí đầu năm!

Các trường giải thích quy định học phí hiện hành không đủ để chi cho các hoạt động thực tập, nghiên cứu khoa học của sinh viên... Sáng 15/9, Phòng Tài chính Trường CĐ Giao thông Vận tải 3 đông nghẹt tân sinh viên đến đóng học phí.

Từ quê Nam Định vào TPHCM với 2 triệu đồng dằn túi, tân sinh viên Nguyễn Thị Loan choáng váng trước các khoản tiền đầu năm học của trường quy định cho sinh viên mới trúng tuyển.

 

Nào ngờ trường thu học phí cả năm

 

Thông báo của trường ghi rõ: “Thực hiện theo tinh thần Nghị định 05/2005/NQ-CP và Quyết định số 20/2005/QĐ-BGD&ĐT trong khi chờ văn bản hướng dẫn mức thu cụ thể, hiệu trưởng quy định CĐ hệ chính quy mức thu lần 1: 1.500.000 đồng, mức thu cả năm chưa cụ thể”. Ngoài mức thu này, sinh viên còn phải nộp thêm các khoản khác như: tiền nhập học 50.000 đồng, bảo hiểm y tế 60.000 đồng, bảo hiểm thân thể 15.000 đồng, đồng phục bảng tên 100.000 đồng...

 

Loan tâm sự: “Gia đình chạy vạy mãi mới kiếm cho em được hơn 2 triệu đồng để vào TPHCM nhập học. Em đinh ninh sẽ đóng học phí theo từng học kỳ (750.000 đồng/học kỳ); khoản tiền còn lại sẽ trang trải tiền ăn, ở, sinh hoạt phí... Nào ngờ trường thu học phí một năm, cộng với nhiều khoản khác. Giờ còn lại vài trăm ngàn, em không biết xoay xở thế nào trong thời gian tới”.

 

Sự lo lắng, băn khoăn của Loan cũng là băn khoăn của nhiều tân sinh viên khác. Tân sinh viên Nguyễn Văn An, quê Bình Thuận, tính toán để hoàn thành chương trình CĐ, một sinh viên phải có ít nhất 12 triệu đồng/năm. Trong đó, học phí 1,5 triệu đồng/năm, tiền ăn, ở khoảng 7 triệu đồng/năm, tiền sinh hoạt, mua tài liệu, quần áo và nhiều khoản chi khác...

 

Đem những băn khoăn của sinh viên hỏi ông Nguyễn Đức Tư, hiệu trưởng nhà trường, ông cho biết: Mức thu 1,5 triệu đồng là trường thu trọn gói trong một năm học, mức thu này nằm trong quy định. Tuy nhiên, trong thông báo nhà trường đã dự tính đến việc mức thu học phí của sinh viên điều chỉnh. Như vậy trong thời gian tới nếu việc thu tăng học phí được thực hiện thì nhà trường sẽ thu bổ sung lần 2. Trường phải thu học phí một lần mới có đủ kinh phí chi trả trong các hoạt động.

 

Nhiều trường ĐH DL thu trên 4 triệu đồng/năm

 

Tại Trường ĐH DL Hồng Bàng, chúng tôi chứng kiến sự băn khoăn của hai cha con T., vừa trúng tuyển vào ngành trang trí nội thất, vì giấy báo trúng tuyển ghi rõ phải đóng học phí trọn năm học là 3.980.000 đồng. Cha T. băn khoăn: “Không chỉ có học phí là đủ mà còn các khoản nhà trọ, tài liệu học tập, sách vở. Phen này, gia đình đi đứt con bò cái 8 triệu đồng”.

 

Nhiều trường ĐH DL khác mức học phí đã vượt ngưỡng 4 triệu đồng/năm học/sinh viên. Tại ĐH DL Công nghệ Sài Gòn, học phí năm nay tăng 5%. Cụ thể hệ ĐH khối công nghệ có học phí 4.200.000 đồng/năm. Nếu sinh viên đóng cả năm sẽ được giảm 200.000 đồng. Lãnh đạo nhà trường cho biết do thời giá cái gì cũng tăng nên nếu giữ mức học phí cũ rất khó cho trường trong các hoạt động. Tại ĐH DL Văn Lang, mức học phí ngành thấp nhất là kỹ thuật nhiệt: 1.900.000 đồng/học kỳ; ngành cao nhất là kiến trúc, mỹ thuật công nghiệp: 2.200.000 đồng/học kỳ.

 

Nhiều thí sinh dù đạt điểm xét tuyển của các trường ĐH DL nhưng với mức học phí trên đành từ bỏ ý định học ĐH. Năm 2004, nhiều trường hợp đã xin rút học phí do hoàn cảnh gia đình khó khăn như ĐH DL Hồng Bàng khoảng 30, ĐH DL Ngoại ngữ Tin học khoảng 10 trường hợp...

 

Sẽ tăng chất lượng đào tạo?

 

Chiều 13/9, Bộ GD-ĐT đã trình Chính phủ đề án học phí mới. Cụ thể, học phí bậc ĐH tăng từ 180.000 đồng lên 250.000 đồng/tháng. Theo các trường, tăng học phí để tăng chất lượng đào tạo, bởi với mức học phí như hiện nay các trường gần như không có kinh phí cho sinh viên thực tập, nghiên cứu khoa học... Nghĩa là học phí tăng sẽ tỉ lệ thuận với chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, bên cạnh các ý kiến cho rằng tăng học phí là xu thế tất yếu, cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn.

 

PGS-TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, nói: “Tôi rất lo nếu nâng học phí trong các cơ sở giáo dục một cách đồng loạt mà không tính đến mặt bằng thu nhập của người dân”.

 

Theo Diệu Hằng - Huy Lân

Người Lao Động