Cho măng mọc thẳng
Tí năm nay 5 tuổi, Tí đang học lớp lá. Sáng nay mẹ đưa Tí đi học, dọc đường gặp cô giáo cũ, mẹ thấy Tí cố tình ngó lơ không chịu chào cô trước. Tí còn lúng búng gì đó khi cô chào Tí.
Tối về, mẹ méc ba: “Tí hôm nay hư, gặp cô giáo cũ không chào. May mà em đỡ lời, chào cô trước rồi thúc cu cậu chào. Vậy mà còn lúng búng trong miệng cái gì đó ra vẻ khó chịu lắm”.
Ba nghe mẹ nói cũng ngỡ ngàng. Đợi đến tối, khi Tí xem xong chương trình thiếu nhi ưa thích, ba nhẹ nhàng tới bên Tí. Trên tay ba cầm quyển sách Tâm hồn cao thượng. Ba nháy mắt: “Cu Tí, bữa nay muốn nghe ba đọc truyện không?”. Cu Tí mừng rỡ, nhảy lên bá cổ ba.
Ba đọc giọng chầm chậm, cố tình chọn chương: “Thầy học cũ của cha tôi” để đọc. Vừa đọc, ba vừa cố tình đổi tên người nước ngoài thành tên VN cho Tí dễ hiểu. Ba giải thích cho Tí biết tại sao người ta nên đi thăm thầy cô giáo cũ và niềm vui của thầy cô khi được học trò cũ lại thăm.
Ba cười và nói thêm với Tí: “Ông nội cu Tí cũng là nhà giáo đó, Tí có thấy mấy bác già già lại thăm nội hông? Học trò cũ của nội đó”. Tí im lặng nghe ba đọc truyện rồi tự nhiên Tí xịu mặt xuống: “Ba nè, rủi Tí không thích thầy cô giáo cũ thì sao? Hồi đó cổ hay la Tí lắm, toàn bắt Tí ăn nhiều, bắt Tí ngủ, hổng cho Tí nói chuyện…”.
Ba cố nén cười rồi giải thích cho Tí: “Vậy mẹ cũng la Tí, cũng bắt Tí đi ngủ sớm, hổng cho Tí làm ồn, Tí có ghét mẹ không?”. Ý chừng cu cậu còn phụng phịu, ba lại thì thầm to nhỏ. Cuối cùng, mẹ nghe Tí nói với ba: “Tí ngoéo tay hứa mai mốt gặp cô giáo cũ Tí sẽ thưa cô”. Mẹ cười mãn nguyện.
Tí lớn rồi, đã năm tuổi và bắt đầu khó dạy. Nhưng mẹ không lo, mẹ và ba sẽ uốn nắn từ khi Tí còn là măng non để Tí thành tre mọc thẳng. Mẹ muốn Tí phải là người có trước có sau, sống có nhân nghĩa, như tên Trọng Nghĩa của Tí vậy.
Nguyễn Công Vinh
Tuổi trẻ