Cho công ty dược phẩm lập dự án đầu tư phát triển trường đại học?
(Dân trí) - Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Trần Ngọc Căng có văn bản thống nhất chủ trương cho Công ty TNHH SXTM dược phẩm Sài Gòn nghiên cứu, khảo sát, lập dự án đầu tư phát triển trường ĐH Phạm Văn Đồng theo hướng xã hội hóa. Chủ trương này đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
Công văn số 5277 do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ký ban hành, nêu rõ: Thống nhất về chủ trương cho Công ty TNHH SXTM dược phẩm Sài Gòn nghiên cứu, khảo sát, lập dự án đầu tư phát triển trường Đại học Phạm Văn Đồng theo hướng xã hội hóa.
Cũng trong công văn này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Trần Ngọc Căng giao Sở KH-ĐT chủ trì phối hợp với các Sở: GD-ĐT, Xây dựng, Tài chính, trường ĐH Phạm Văn Đồng và các đơn vị liên quan nghiên cứu nội dung đề nghị của Công ty TNHH SXTM dược phẩm Sài Gòn; hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho công ty nghiên cứu, khảo sát, lập dự án đầu tư phát triển của trường ĐH Phạm Văn Đồng theo hướng xã hội hóa; trên cơ sở đó tham mưu UBND tỉnh để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định.
Chiều ngày 28/9, phóng viên Dân trí đã liên hệ với PGS.TS Phạm Đăng Phước - Hiệu trưởng trường Đại học Phạm Văn Đồng để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề nêu trên.
Tại buổi làm việc, PGS.TS Phạm Đăng Phước khẳng định: "Chúng tôi mới nhận được văn bản này chứ chưa gặp, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp có đề xuất nên cũng chưa rõ. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là không bao giờ chấp nhận cổ phần hóa, tư nhân hóa nhà trường".
Theo TS Phước, có thể văn bản có những nội dung gây hiểu nhầm. Thật ra, việc đầu tư xây dựng trường Đại học Phạm Văn Đồng giai đoạn II có một số hạng mục, công trình phải kêu gọi xã hội hóa.
Trong giai đoạn II, trường Đại học Phạm Văn Đồng cần nguồn vốn lên đến 250 tỷ đồng để đầu tư xây dựng giảng đường, hội trường và các hạng mục thể dục, thể thao. Trong đó, các công trình thể dục, thể thao cần khoảng 100 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Vì vậy, nếu doanh nghiệp vào đầu tư các hạng mục này là phù hợp và nhà trường rất hoan nghênh.
"Nếu có xã hội hóa một phần các hạng mục thì doanh nghiệp cũng không thể tham gia vào công tác quản lý của nhà trường được. Hiện chúng tôi đang chờ cuộc họp cụ thể giữa các bên liên quan để làm rõ thêm một số nội dung tránh gây hiểu nhầm", TS Phước cho biết.
Hà Xuyên