Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM:
“Chịu “lỗ” để tuyển được sinh viên giỏi”
(Dân trí) - Năm đầu tiên ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực tại 3 nơi nhưng chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả kỳ thi này được công bố chỉ chiếm 20% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm nay. Liệu có sự lãng phí so với kinh phí đã bỏ ra?
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TPHCM và PGS.TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế đã có những chia sẻ về vấn đề này tại buổi gặp gỡ báo chí về Công tác tuyển sinh ĐH, CĐ tại ĐH Quốc gia TPHCM năm 2018 sáng 19/4.
-ĐHQG TPHCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cũng nhằm tạo thêm cơ hội cho thí sinh, tuy nhiên trường ĐH Quốc tế cũng tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Vì sao lại có nhiều kỳ thi như vậy? Nội dung có khác nhau hay không?
TS Nguyễn Quốc Chính: Một người vào học ĐH phải có những năng lực cơ bản nhất: đọc hiểu, viết và nghe tốt ngôn ngữ mẹ đẻ lẫn ngôn ngữ nào đó; phải có khả năng logic tốt và kỹ năng xử lý số liệu; biết giải quyết vấn đề ở tự nhiên, xã hội, kinh tế tài chính... Như vậy, trước hết phải có kiến thức nền tảng sau đó đối với những ngành nghề chuyên môn thì đòi hỏi những kiến thức chuyên sâu về chuyên môn của lĩnh vực đó hoặc những thiên hướng xã hội, tự nhiên, ngành y. Trong đó bao gồm những kiến thức, kỹ năng và thái độ, khả năng làm không.
Trên thế giới cũng có nhiều cách đánh giá kiến thức và kỹ năng, như ở Mỹ có kỳ thi SAT 1 đánh giá năng lực tổng quan, còn SAT 2 thì đánh giá sâu hơn với ở lĩnh vực toán, lý, hoá… Tuy nhiên ở những cách thức này sẽ không đánh giá được thái độ, do đó đòi hỏi phải có thêm hình thức phỏng vấn trực tiếp, hoặc thông qua những bài luận, hoặc cả quá trình hoạt động, học tập của học sinh. Do đó, muốn tuyển sinh toàn diện phải thực hiện 3 phần này và ĐHQG TPHCM đang tiếp cận những phần này. Kỳ thi đánh giá năng lực này nhắm đến năng lực nền tảng, căn bản nhất mà một người học ĐH phải có. Còn kỳ thi của trường ĐH Quốc tế sẽ chuyên sâu hơn, tập trung hơn vào những môn cần thiết.
Đồng thời ĐHQG cũng tuyển chọn mang tính tổng quát hơn khi yêu cầu các học sinh ở trường chuyên đăng ký xét tuyển vào phải viết bài luận kèm theo gửi bảng tổng hợp quá trình học tập phổ thông. Như vậy, chúng tôi đang từng bước xây dựng việc tuyển sinh mang tính toàn diện trong toàn hệ thống ĐHQG TPHCM. Tất nhiên việc này phải thực hiện từng bước chứ không thể nào thay đổi hoàn toàn trong một năm. Chúng tôi cũng có sự chuẩn bị mang tính hệ thống và dần dần tiến hành ở từng ngành. Có thể có những ngành sẽ phải dùng đến 3 phần đánh giá, cũng có ngành ít hơn đó là quyền tự chủ ở từng ngành, chương trình.
TS Hồ Thanh Phong: Kỳ thi kiểm tra năng lực của trường chúng tôi áp dụng theo format kỳ thi SAT 2 (Mỹ), tức thi theo môn đáp ứng năng lực tự nhiên của ngành nghề. Môn toán là bắt buộc, còn lại là chọn theo ngành gồm các môn lý, hoá, sinh, anh. Ví dụ như thí sinh muốn vào công nghệ sinh học sẽ chọn thi môn toán - hóa hoặc sinh.
Nếu có nhiều phương thức tuyển sinh thì sẽ tăng thêm nhiều lựa chọn cho học sinh và thời gian qua xã hội cũng đã chấp nhận điều này. Trong thực tế, ở trường tôi cũng nhận được nhiều đăng ký của thí sinh ở nhiều phương thức khác nhau như đăng ký thi năng lực, nộp học bạ xét….Năm nay trường vẫn tiếp tục áp dụng kỳ thi kiểm tra năng lực này và đến nay đã có 3120 thí sinh đăng ký dự thi. Trường dành 65% chỉ tiêu để xét tuyển kết quả từ kỳ thi này.
-Năm đầu tiên tổ chức kỳ có gặp nhiều khó khăn và thách thức? Phương thức này có đảm bảo đánh giá chất lượng sinh viên hay không? Cấu trúc đề thi mẫu vừa công bố chưa rõ mức độ yêu thích, sự phù hợp về ngành nghề, có nên đưa thêm những câu hỏi dạng này vào đề không?
TS Nguyễn Quốc Chính: Năm đầu tiên tổ chức thì chắc chắn chúng tôi sẽ đối mặt nhiều khó khăn. Bởi vì thí sinh hiện đang quen một cách thi kiểm tra kiến thức và việc đổi một thói không thể một sớm một chiều. Cái khó thứ hai chính vì là lần đầu tiên tổ chức nên mọi hệ thống đều phải xây dựng đầu tiên dù trước đó chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm tổ chức các kỳ thi trắc nghiệm, kỳ thi“3 chung”… Với nhiều khó khăn vừa khách quan lẫn chủ quan nhưng dù vậy, với mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao chất lượng giáo dục thì ĐHQG TPHCM vẫn phải thực hiện kỳ thi này.
Còn vấn đề liệu cách đánh giá này chắc chắn tốt hay không thì chỉ có thực tế mới trả lời được và phải thông qua nghiên cứu sâu mới chứng minh được. Hiện giờ chúng ta đang sử dụng theo thông lệ quốc tế và trên thế giới người ta sử dụng phương pháp này và có hiệu quả. Thông lệ cho thấy phương pháp đánh giá năng lực này giúp cho thí sinh chuẩn bị cho việc học ĐH tốt hơn. Tuy nhiên khi áp dụng phải có sự đánh giá và ĐHQG TPHCM cũng đã có kế hoạch dài hơi là theo dõi các thí sinh trúng tuyển từ kỳ thi đánh giá năng lực này và đối sánh với các thí sinh trúng tuyển từ những phương thức khác. Kết quả như thế nào chúng tôi sẽ công bố cho xã hội biết.
Về sự phù hợp của ngành nghề thì không thể chỉ dựa vào một kỳ thi để đánh giá được mà cần phải có nhiều sự đánh giá khác.
- Liệu có sự lãng phí không vì tổ chức một kỳ thi ở 3 nơi sẽ khá tốn kém nhưng kết quả chỉ chiếm 20% chỉ tiêu vào 6 trường thành viên và chỉ có thêm trường ĐH Thủ Dầu Một sử dụng để xét tuyển?
TS Nguyễn Quốc Chính: Chỉ dành 20% chỉ tiêu cho một kỳ thi như vậy liệu có phí quá hay không? Điều này ứng với thay đổi một thói quen không phải dễ dàng do đó mọi việc làm phải có sự chuẩn bị dần dần. Mục tiêu là nhằm tăng thêm cơ hội cho thí sinh chứ không phải tước bớt đi cơ hội của thí sinh. Do đó chúng tôi bao gồm Ban giám đốc ĐHQG TPHCM và lãnh đạo các trường thành viên thống nhất năm đầu tiên áp dụng khoảng 20% chỉ tiêu để giúp cho xã hội dần hiểu để làm tốt hơn sau này. Nếu xét về tài chính thì tuyển với số lượng nhỏ này thì chắc chắn ĐHQG TPHCM sẽ bị lỗ, vì thu không đủ bù chi. Mức chi phí chúng tôi đưa ra là thu 200.000 đồng/1 lượt thi tính ra rất khiêm tốn. Tuy nhiên chúng tôi đều thống nhất rằng tất cả vì chất lượng giáo dục là trên hết.
PGS. TS Hồ Thanh Phong: Nếu có nhiều phương thức tuyển sinh thì sẽ tăng thêm nhiều lựa chọn cho học sinh và thời gian qua xã hội cũng đã chấp nhận điều này. Trong thực tế, ở trường tôi cũng nhận được nhiều đăng ký của thí sinh ở nhiều phương thức khác nhau như đăng ký thi năng lực, nộp học bạ xét…. Vấn đề làm sao để hay, phù hợp, kinh tế. Thú thật trong giáo dục chúng tôi không đặt nặng vấn đề kinh tế, chúng tôi có thể chi ra nhiều hơn để đạt hiệu quả cao nhất là tuyển được học trò giỏi. Thậm chí là chúng tôi cũng chịu lỗ.
- Sắp tới, kỳ thi này có dẫn đến tình trạng luyện thi và hướng dẫn cho các trường hay không? Ngân hàng câu hỏi cho phương thức thi này là bao nhiêu?
TS Nguyễn Quốc Chính: Chúng tôi khẳng định không hướng dẫn luyện thi mà chỉ hướng dẫn cơ cấu đề thi thông qua đề thi mẫu. Đó cũng là định hướng để học sinh và giáo viên THPT giảng dạy theo. Nếu đọc đề mẫu sẽ thấy cách ra đề rất toàn diện, không thể nào tồn tại được cách học vẹt, học tủ mà phải học cách suy nghĩ, tư duy, logic. Vậy nếu có luyện thi thì chỉ là luyện cách suy nghĩ, cách tư duy logic, cách xử lý vấn đề. Nếu luyện được những điều đó cho học sinh thì quả là điều vô cùng đáng làm. Nếu muốn thi tốt kỳ thi này thì các học sinh nên học tốt toàn diện ở THPT.
Về ngân hàng câu hỏi, thông thường các tổ chức đề thi sẽ không công bố ra số lượng ngân hàng đề thi. Chúng tôi khẳng định trong ngân hàng câu hỏi hiện nay có lượng dư để tổ chức kỳ thi này theo thông lệ quốc tế. Ví dụ, để có môt đề thi như đề mẫu hôm nay thì chúng tôi phải có số lượng gấp 30 lần con số đó. Đảm bảo rằng mọi câu hỏi đều được kiểm tra và xã hội cần phải tin tưởng chúng tôi.
Lê Phương