Bạn đọc viết:

Chính phụ huynh đánh cắp tuổi thơ của con trẻ!

(Dân trí) - Câu hỏi “Ai đang lấy cắp tuổi thơ của trẻ?” vang lên đâu chỉ ở mỗi dịp hè về. Nó văng vẳng quanh năm suốt tháng với những hình ảnh nhói lòng: trẻ ngồi sau xe máy nuốt vội ổ bánh mì, trẻ dựa người vào thang máy ngủ gà ngủ gật, trẻ ngáp ngắn ngáp dài trong các lớp học thêm…

Học, học và học vẫn luôn là nhiệm vụ hàng đầu của mỗi đứa trẻ trên bước đường trưởng thành. Nhưng cuộc đời của mỗi người đâu chỉ gói gọn trong tiếng “học” khô khan, nặng nề. Con trẻ còn phải rèn kỹ năng, uốn nắn nhân cách, vun bồi các mối quan hệ gia đình, kết nối với cộng đồng.

Tiếc là không ít đứa trẻ hôm nay bị “đóng khung”, “lồng kính” vào một guồng quay khép kín: học ở trường - học ở trung tâm - học kèm. Phần lớn thời gian được ưu ái dành riêng cho việc học, nên các khoản ăn - ngủ - nghỉ bị cắt xén là lẽ tất nhiên.

Cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” thèm ngủ, mê chơi ấy bị nhiều gia đình gò vào khuôn một cách cưỡng ép khiến các con phát triển một cách còi cọc đến tội nghiệp. Đừng nghĩ con có thể xác phát triển, có trí tuệ hơn chúng bạn nhờ nhồi nhét kiến thức là mọi thứ vẫn ổn! Chúng ta đang bỏ quên đời sống tâm hồn, sức khỏe tinh thần của các con mất rồi.

Việc một đứa trẻ cuối cấp một vẫn chưa tự chọn được quần áo, không thể tự lo vệ sinh cá nhân là câu chuyện nhan nhản. Một đứa trẻ cấp hai thấy mẹ ốm, bố mệt vẫn vô tư vô lo, chưa biết cách hỏi han, quan tâm, chăm sóc là chuyện thường ngày. Một đứa trẻ cấp ba không phân biệt nổi rau muống và rau mồng tơi, quả bầu và quả bí đao là chuyện không hiếm…

Vì sao nên nỗi như thế? Đơn giản vì con lúc nào cũng mải mê “cày cấy” bên bàn học. Để con chuyên tâm lo học, bố mẹ kiêm tất tần tật việc nhà, cơm bưng nước rót, lo lắng luôn việc cắt móng chân tay cho con.

Tuổi thơ là trang viết lung linh sắc màu mà đời người chỉ có một lần trải nghiệm. Nhưng tuổi thơ của vô số đứa trẻ hôm nay nhạt thếch, lạc lõng bởi áp lực học tập vẫn mải đè nặng trên vai. Ngành Giáo dục liên tục giảm tải chương trình, thầy cô cũng đâu muốn dội lên vai học trò muôn gánh nặng điểm số.

Nhưng dưới sức ép của phụ huynh, con trẻ vẫn học đến mụ mị cả người. Trẻ bị điểm thấp, phụ huynh lại chất vấn “Sao con tôi học thêm nhiều vậy vẫn không thể đạt điểm giỏi?”. Trẻ thiếu điểm, phụ huynh lại rủ rỉ xin thêm điểm để đạt danh hiệu này kia. Nhìn đồng nghiệp, bạn bè khoe bảng điểm và thành tích của con người ta, phụ huynh vội đe nẹt con mình sao chẳng cố gắng hơn chút nữa để giờ bố mẹ xấu mặt…

Thử đặt câu hỏi “Con muốn thay đổi điều gì trong cuộc sống của mình?” thì có lẽ câu trả lời có thể trùng lặp đến nhan nhản: giảm áp lực học hành, bớt hơn thua nhau điểm số, giảm căng thẳng thi cử và… bố mẹ bớt so sánh “con nhà người ta”.

Tiếng lòng của con trẻ đôi khi giản đơn đến bất ngờ “ước được ngủ nhiều hơn”, “ước được bố mẹ cho đi chơi cùng bạn”… Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ để chúng ta thấy được rằng ngay đến những nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống các con còn bị thiếu hụt, huống hồ gì chúng ta mơ tưởng đến việc vun đắp cho con một tuổi thơ trọn vẹn ý nghĩa?

Điều khiến chúng ta nhói lòng nhất chính là những lời nói dối dỗ dành của người lớn dành cho bọn trẻ: “Xong kỳ thi này con sẽ ngủ thoải mái”, “Xong đợt thi vượt cấp này con sẽ tha hồ chơi”… Nhưng các bài kiểm tra, các kỳ thi lại nối tiếp nhau, đích đến thành tích mà bố mẹ đặt ra cũng ngày càng cao vời vợi.

Và lới hứa với tuổi thơ cứ bị đẩy lùi, đẩy lùi đến khi giật mình nhìn lại thì tuổi thơ của con trẻ đã trôi qua mất rồi…

Thùy Mai

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm