Chính phủ Anh vào cuộc trước tình trạng “lạm phát” bằng ĐH loại xuất sắc
(Dân trí) - Chính phủ Anh đã công bố kế hoạch triển khai những biện pháp để kiểm soát tình trạng số lượng bằng tốt nghiệp Đại học loại xuất sắc tăng vọt trong những năm gần đây, trong bối cảnh có một số quan ngại cho rằng bằng cấp không phản ánh đúng thực lực của sinh viên.
26% sinh viên tốt nghiệp Đại học tại Anh được trao bằng hạng nhất (first-class) năm 2017, tăng 18% so với năm học 2012-2013.
Theo các số liệu chính thức được công bố đầu năm nay, các đại học tại Anh đã cấp số bằng cử nhân loại xuất sắc ở mức chưa từng có trong suốt thập kỷ qua.
Đơn cử như Đại học Wolverhampton, chỉ có 175 sinh viên (chiếm 5% tổng số sinh viên) tốt nghiệp năm 2006-2007 được trao bằng hạng nhất. Trong năm 2016-2017, con số này đã tăng lên tới 973 em, chiếm 28% tổng số sinh viên.
Số lượng sinh viên được cấp bằng hạng nhất chiếm 41% tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học Surrey trong năm ngoái, con số này ở Đại học Oxford là 33% và Cambridge là 32%.
Nhiều người trong ngành giáo dục đại học Anh cho rằng sở dĩ có tình trạng này là do áp lực từ các bảng xếp hạng đại học và từ chính người học. Các sinh viên muốn đạt được giá trị từ khoản đầu tư hơn 9.000 bảng Anh họ phải bỏ ra cho các khoản học phí hàng năm tại các trường đại học.
Một phát ngôn viên của các trường đại học Anh cho rằng, ngành này đã phải thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây. Các trường đại học ngày càng đầu tư nhiều hơn vào chất lượng giảng dạy cùng với thực tế rằng học phí cao hơn khiến sinh viên phải học hành chăm chỉ hơn để có được bằng “đẹp”.
Người này cũng khẳng định, các đại học Anh đang phối hợp với các bên liên quan để tìm ra nguyên nhân của việc số lượng bằng “đẹp” tăng vọt và sẽ đề xuất các giải pháp để khắc phục những trường hợp xảy ra “lạm phát” bằng cấp, gây nguy hại tới tính minh bạch của cả hệ thống.
Các chuyên gia đánh giá những đơn vị giáo dục đại học thuộc hệ thống xếp hạng đại học của chính phủ Anh sẽ rà soát lại tỷ lệ bằng cử nhân hạng nhất và hạng 2:1 (chỉ sau hạng nhất) tại các cơ sở trong những năm gần đây. Nếu phát hiện trường hợp nhà trường đã quá “nới tay” trong việc đánh giá sinh viên, trường đó có thể sẽ bị đánh tụt hạng.
Khuôn khổ đào tạo xuất sắc (TEF) của chính phủ Anh cũng được yêu cầu nhìn nhận vấn đề “lạm phát” bằng cấp như một tiêu chí phụ thêm khi đánh giá các trường đại học.
Trong giai đoạn thí điểm, các chuyên gia sẽ tiến hành rà soát, đánh giá tại 50 đại học trong năm nay. Sau đó, các biện pháp này sẽ chính thức được đưa vào để xếp hạng các đại học tại Anh vào mùa hè năm 2020.
Ông Sam Gyimah – quan chức phụ trách giáo dục đại học của Anh, nhận định: “Giá trị của bằng cấp là điều giúp các trường đại học của chúng ta có uy tín. Giá trị này đang bị đe dọa bởi tình trạng lạm phát bằng cấp và là một vấn đề cho các sinh viên, những người chủ lao động và chính bản thân các trường đại học”.
“Những biện pháp mới này nhằm bảo vệ hệ thống giáo dục đại học vốn đã được công nhận trên toàn cầu của chúng ta bằng cách ngăn các trường đại học làm tổn hại tới uy tín của bằng cấp theo tiêu chuẩn của Anh”, ông Gyimah cho biết.
Minh Hương
(Theo Guardian)