Chiếc hộp “chất lượng sống”

Một chiếc hộp đặc biệt mang tên “Bộ cảm biến môi trường”, tích hợp 7 loại cảm ứng để đánh giá nhiệt độ – độ ẩm, ô nhiễm âm thanh, ô nhiễm không khí, đo tia tử ngoại, ô nhiễm ánh sáng, chất thải độc hại từ môi trường.

Chủ nhân chiếc hộp độc đáo này là Nguyễn Thị Thanh Mai (sinh 1987, tốt nghiệp kỹ sư Robot công nghiệp, ĐH Quốc gia Singapore). Sau một thời gian nghỉ việc, trở về TP. HCM sống, Mai đã hướng đam mê cùng sự quan tâm của mình đến sáng tạo cho môi trường sống.

 

Làm, không đợi người khác cấp cho

 

Thanh Mai tình cờ đọc trên mạng về một dự án khảo sát môi trường ở Thụy Sĩ. Dự án phát động ở 7 thành phố lớn trên thế giới. Mỗi thành phố sẽ được cấp một bộ cảm ứng về môi trường. Các bộ cảm ứng này sẽ thu thập những thông số môi trường sống, tự động cập nhật dữ liệu gởi về tổ chức để đánh giá chất lượng môi trường sống.

 

Mai nói: “Tiếc là dự án này không có ở Việt Nam. Nhưng bộ cảm ứng này thì mình làm được, không nhất thiết phải đợi ai đó cấp cho. Thế là Mai lên kế hoạch, kết hợp với một vài cộng tác viên giỏi điện tử thực hiện”.

 

Với 125 đô-la Mỹ (tính cả phí vận chuyển) để nhập cảm biến về, không lâu sau, bộ cảm biến hoàn cơ bản hoàn thành với một bo mạch điều khiển chính gắn với một adapter làm nhiệm vụ trung gian kết nối để gắn kết với các loại cảm biến. Gắn với adapter theo các nhánh khác nhau là các cảm ứng đo chất lượng môi trường sống.

 

“Bộ cảm ứng đo không khí sẽ được vận hành bằng tia hồng ngoại. Khi không khí nhiều bụi, khả năng xuyên thấu của tia hồng ngoại giảm đi. Bộ cảm biến sẽ hiển thị đèn báo các mức ô nhiễm không khí khác nhau như: màu xanh tương ứng với không khí trong lành, màu vàng tương ứng không khí ô nhiễm, màu đỏ hiển thị không khí rất ô nhiễm.

 

Bộ đo ô nhiễm âm thanh có gắn microphone. Bộ đo độ sáng kiểm tra môi trường được chiếu sáng ít hay nhiều. Bộ đo chất thải độc hại có thể phát hiện các chất nguy hại cho con người như NO2, SO2.

 

Nếu đèn báo chất thải độc hại nháy liên tục, bạn có thể chủ động phòng tránh ngay trước khi chúng gây những nguy cơ về sức khỏe,…”, Mai diễn tả.

 

Nguyễn Thị Thanh Mai và chiếc hộp cảm ứng môi trường
Nguyễn Thị Thanh Mai và chiếc hộp cảm ứng môi trường

 

Mơ “môi trường khoa học quần chúng”

 

Sắp tới, thay vì chỉ đặt ở trong nhà như hiện nay đang thử nghiệm, Mai sẽ cùng các cộng tác viên của mình phát triển chiếc hộp “Cảm biến môi trường” của mình nhỏ gọn hơn, dùng nhiều nơi hơn.

 

Mai nói: “Nó có thể bỏ túi, có thể gắn trên xe. Thậm chí, tất cả các dữ liệu về môi trường có thể báo về cho chủ nhân qua wifi. Chỉ cần bạn mở máy tính, lên smartphone,… là có thể biết được chất lượng môi trường mơi đặt máy.

 

Việc nắm bắt các thông số môi trường sống giúp cho người ta ý thức về sự thay đổi, cải thiện môi trường nơi mình đang sống ngày một tốt hơn. Thông qua đó, bảo vệ chính sức khỏe của mình. Khác với trước, người ta chỉ có cảm giác mọi thứ ô nhiễm một cách mơ hồ nên chưa cảm thấy sợ hãi, chưa đi đến hành động thiết thực”.

 

Là một người từng học tập và làm việc ở Singapore, Mai nhận thấy được sự chênh lệch về các chỉ số môi trường sống giữa đảo quốc sư tử và nước mình. “Ở Singapore, các khu công nghiệp được quy hoạch tách bạch với khu dân cư. Do đó, khu dân cư rất yên tĩnh. Nếu khuya, nhà bên cạnh ồn ào, người ta có thể dễ dàng sang gõ cửa góp ý mà không phải ngại ngùng.

 

Còn ở Việt Nam mình, người dân phải sống chung với tiếng động cơ và khói bụi mù mịt ngoài đường. Các nhà xưởng tư nhân lẫn lộn với khu dân cư, gây ra tiếng ồn. Nhiều người dân chưa có ý thức bảo vệ không gian chung trước vấn đề ô nhiễm tiếng ồn.

 

Người dân phải khổ sở sống chung, và dần coi ô nhiễm là một điều bình thường. Người ta phải cam chịu vì nể nang hàng xóm, và vì… “đặc thù xứ ta nó vậy”, Mai nhận định.

 

Sau khi hoàn thành chiếc hộp đa năng này, cô bạn này đã nghĩ xa hơn. Về sau, nếu chiếc hộp “Cảm biến môi trường” được sản xuất cho nhiều người dân, với giá rẻ hơn thì mỗi nhà đều có thể sở hữu một chiếc để đánh giá môi trường sống của chính mình. Phong trào khoa học quần chúng, vì thế, chắc chắn sẽ có những tín hiệu khởi sắc hơn.

 

Bộ cảm biến môi trường” của Thanh Mai được thiết kế từ bo mạch Arduino. Đây là bo mạch xuất thân từ Italia, ra đời vừa tròn 10 năm.

 

Trong nhiều năm qua, bo mạch này đã dần dần chinh phục cộng đồng chế tạo, DIY (Do it yourself – Tôi tự làm), giáo dục và ngay cả những người làm nghệ thuật với những ưu điểm: Giao diện đơn giản, rất dễ sử dụng; Nhiều thông tin hỗ trợ kỹ thuật từ nhà sản xuất lẫn cộng đồng chế tạo; Thiết kế mở.

 

Trong số những ứng dụng nổi bật của Arduino gồm có máy in 3D Makerbot, máy bay không người lái và điều khiển đèn qua mạng internet.

 

Theo Cầm Lai – Vũ Hằng

Sinh viên Việt Nam