Bạn đọc viết:
Chỉ tại… cây xoài
(Dân trí) - Một buổi sáng có học trò đi học sớm trèo cây hái trái xoài bị ngã gãy tay khiến cha mẹ học sinh hoang mang, nhà trường bất an. Có ý kiến cho rằng tại... cây xoài nên đề nghị chặt…
Thu đến rồi hè qua, cây xoài đầu đốc nhà là bạn tri kỉ, chia sẻ những chuyện buồn vui của bao thế hệ học trò giờ chỉ còn trơ gốc. Những giọt nhựa ứa ra bịn rịn, bấu víu trên mặt những vết dao khiến bao người trông thấy không khỏi bùi ngùi…
Một buổi sáng có học trò đi học sớm trèo cây hái trái xoài bị ngã gãy tay khiến cha mẹ học sinh hoang mang, nhà trường bất an. Có ý kiến cho rằng: Tại cây xoài trồng ở góc khuất tầm nhìn, hàng năm trái lại nhiều, là nơi tụ tập của rất đông học trò nên sẽ gây ra hiểm họa khôn lường, đề nghị chặt!
Thế là, “chứng nhân” tuổi thơ, nỗi luyến lưu trong ký ức học trò bỗng chốc trở thành “tội đồ” bị loại bỏ. Bất giác, nhìn hàng cây đang vô tư tỏa bóng sau trường, có người thầm nghĩ: Không biết rồi đây trong số đó có cây nào còn chung số phận với cây xoài.
Mới đây thôi, dư luận xôn xao vụ học sinh lớp 1 ở Hải Phòng đứng dưới cổng trường giữa trời nắng nóng. Một số ý kiến cho rằng nguyên nhân là do đội ngũ “Sao đỏ”, do vậy cần phải xóa bỏ Sao đỏ.
“Sao đỏ” là ai? Đó là những học sinh ưu tú của các chi đội do đại hội Liên Đội của các nhà trường bầu ra. Không thể phụ nhận vai trò to lớn của Sao đỏ trong việc giúp các chi đội duy trì nề nếp, chấp hành nội quy, quy định và nâng cao ý thức kỉ luật, tự giác cũng như vai trò tự quản của học sinh trong các nhà trường.
Có nơi, đội Sao đỏ biến thành “Hồng vệ binh” khiến cho không chỉ học sinh mà nhiều giáo viên cũng bị “ám ảnh”. Đây có phải lỗi của các em Sao đỏ không? Ai biến các em thành như vậy? Biến bằng cách nào?
Trước hết cần khẳng định rằng, không phải lỗi của các em, mà là do căn bệnh thành tích của người lớn lây sang học sinh. “Thi đua” biến thành “ganh đua” sự áp đặt tâm lý của người lớn sang học sinh. Một số quản lý nhà trường, thiếu quan tâm sâu sát đến hoạt động của tổ chức đội mà “khoán trắng” cho giáo viên tổng phụ trách.
Sự cổ vũ mạnh mẽ của một bộ phận cha mẹ học sinh ủng hộ việc thực hiện kỹ cương trong nhà trường theo kiểu “thương cho đòn, ghét cho chơi” nên góp phần lệch hướng bản chất của giáo dục: Giáo dục là làm cho con người biết hướng thiện, giáo dục không phải là sự trừng phạt!
Một trong những công cụ góp phần làm thay đổi nhân cách học sinh đó là: Quy chế chấm điểm thi đua của Liên Đội. Một quy chế mà đầy rẫy các các hạng mục trừ điểm: đi học muộn trừ điểm; sinh hoạt 15 phút đầu giờ ồn trừ điểm; đi học muộn trừ điểm, nghỉ học trừ điểm (nghỉ có lý do trừ điểm ít hơn không có lý do); xếp hàng không thẳng trừ điểm; ăn quà trừ điểm; trực nhật muộn trừ điểm; đi học sớm hơn giờ vào học 30 phút trừ điểm, xả rác không đúng chỗ trừ điểm… đã biến học sinh thành những “Hồng vệ binh” là điều dễ hiểu.
Xây dựng các phong trào thi đua giữa các Chi Đội trong nhà trường là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cần phải thay đổi tiêu chí thi đua từ việc tìm ra lỗi để xử phạt bằng cách hướng tới tìm kiếm những việc làm tốt để biểu dương.
Thay việc xử phạt, trừ điểm học sinh đi học chưa đúng giờ bằng việc khen ngợi, cộng điểm cho những lớp có học sinh giúp bạn đi học đúng giờ là việc làm thiết thực đầy tính nhân văn.
Thay trừ điểm việc ăn quà vặt, xả rác bừa bãi bằng cách hướng dẫn học sinh ăn quà xả rác đúng chỗ, tuyên dương cộng điểm cho những học sinh biết tự nguyện nhặt rác…
Hãy thay tất cả những phép trừ thành phép cộng trong quy chế thi đua của Liên Đội để Sao đỏ không còn bị áp lực, mỗi ngày đến trường thực sự là mỗi ngày vui.
Xin đừng đổ lỗi cho Sao đỏ mà hãy giúp các em luôn tìm thấy giá trị của người khác và tự hoàn thiện nhân cách của bản thân trong suốt hành trình tuổi thơ trong môi trường giáo dục nhà trường.
Võ Phi Hùng
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.
Xin trân trọng cảm ơn!