Chỉ số thông thạo Anh ngữ toàn cầu của Việt Nam đang đứng ở đâu?
(Dân trí) - Ngày 30/10 vừa qua, tổ chức giáo dục quốc tế Education First đã công bố bảng xếp hạng đánh giá kỹ năng tiếng Anh của những người trưởng thành trên toàn cầu. Theo đó, Việt Nam giữ thứ hạng trung bình trên bảng xếp hạng kỹ năng tiếng Anh toàn cầu. Vậy chúng ta cần nhìn sự đánh giá này như thế nào?
Trao đổi với báo chí sáng nay, đại diện của Education First cho hay, bảng xếp hạng đánh giá kỹ năng tiếng Anh của những người trưởng thành trên toàn cầu năm 2018 dựa trên cơ sở dữ liệu 1,3 triệu người sử dụng tiếng Anh là ngoại ngữ trên 88 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 8 quốc gia so với năm 2017.
Đây là lần thứ 4 trong vòng 8 năm, Thủy Điển xếp hạng cao nhất trong bảng xếp hạng Chỉ số thông thạo Anh Ngữ của EF (EF EPI). Hà Lan, quốc gia xếp hạng cao nhất vào năm ngoái, năm nay xếp vị trí thứ hai, Việt Nam xếp thứ 41 trên tổng số 88 với chỉ số thông thạo Anh ngữ ở mức trung bình.
Theo đánh giá của EF, vào năm 2018, tiếng Anh càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trên thực tế, tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp của tất cả các loại hình trao đổi quốc tế từ kiến thức, hàng hóa, dịch vụ cho đến ý tưởng.
Báo cáo chỉ số thông thạo Anh ngữ toàn cầu (EF EPI) năm nay cũng cho thấy, Châu Âu vẫn dẫn đầu thế giới về mức độ thông thạo Anh ngữ, với 8 trên 10 quốc gia dẫn đầu bảng xếp hạng.
Singapore trở thành quốc gia Châu Á đầu tiên lọt vào top 3 bảng xếp hạng. Tuy nhiên, các quốc gia trong Châu Á có sự phân hóa lớn về trình độ. Việt Nam xếp thứ 7 trong tổng số 21 quốc gia châu Á tham gia khảo sát.
Đáng chú ý, Châu Phi thể hiện sự tiến bộ về sự thông thạo Anh ngữ hơn các châu lục khác, với Algeria, Ai Cập và Nam Phi tăng từ 2 điểm trở lên. Châu Mỹ La Tinh là châu lục duy nhất có chỉ số thông thạo Anh ngữ giảm nhẹ. Điểm số giữa các quốc gia khá đồng đều, chỉ có khoảng cách nhỏ giữa các quốc gia trong khu vực.
Đối với Việt Nam, giai đoạn từ 2011-2015, mức tăng trưởng rõ rệt qua từng năm và Việt Nam đã đi từ mức “Rất thấp” tới “Thấp” và giữ mức độ “Trung bình” từ năm 2016.
Trong năm 2018, báo cáo mở rộng phạm vi đánh giá trên 5 tỉnh thành là Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ thay vì 2 thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh như các năm trước.
Nếu so sánh trên cùng một phạm vi (Hà Nội và TPHCM) so với năm 2017, mức độ thông thạo Tiếng Anh của Việt Nam tăng từ 54.6 lên 55.45 điểm. Điều này cho thấy đã có sự tiến bộ trong việc học tiếng Anh ở Việt Nam năm nay so với năm trước.
Tiến sĩ Trần N Minh – Giám đốc nghiên cứu cấp cao EF cho biết, chỉ số EF EPI chỉ ra rằng các quốc gia và các cá nhân tiếp tục đầu tư vào việc đào tạo tiếng Anh do nhận thấy tầm quan trọng của ngôn ngữ trong việc tạo ra lợi thế cạnh tranh.
“EF EPI đã trở thành nguồn tài liệu tham khảo quan trọng cho chính phủ, các doanh nghiệp và người học khi thảo luận về việc nâng cao trình độ Anh ngữ”, TS Trần N Minh nói.
Theo bà Cao Phương Hà, Giám đốc điều hành EF Việt Nam, để tăng trình độ Anh ngữ của Việt Nam thì cần có những đổi mới về chính sách và phương thức triển khai. Việt Nam cần tiếp tục đổi mới tích cực hơn nữa trong những năm tiếp theo.
“ Trong thời đại 4.0 với những bước nhảy vọt về công nghệ và phát triển, ngôn ngữ là điều kiện tiên quyết để tiếp cận với văn minh nhân loại. Vì vậy, giáo dục không nên coi tiếng Anh như là một môn học nữa mà là ngôn ngữ bắt buộc cần thiết cho việc phát triển và hội nhập”, bà Hà nhấn mạnh.
Cũng theo bà Hà, việc đào tạo ngôn ngữ cần hướng đến mục tiêu cao nhất là người học có thể làm chủ ngôn ngữ chứ không phải là điểm số hay thành tích đơn thuần.
Trước câu hỏi, với việc 88 quốc gia tham gia mà mẫu phân tích chỉ có 1,3 triệu người liệu có quá ít, tính khoa học trong việc nghiên cứu xếp hạng này?
Đại diện của EF cho rằng, mẫu phân tích không phải là quá lớn nhưng cũng không phải quá ít. Tuy nhiên có một thực tế phải thừa nhận đó mà mẫu tham gia không đại diện hết cho một quốc gia bởi nó còn phụ thuộc người dùng thuộc độ tuổi đánh giá có tham gia làm bài kiểm tra hay không, yếu tố khác là khi tham gia phải có kết nối internet…
“Mặc dù chỉ hướng đến một nhóm đối tượng nhưng sự đánh giá của các quốc gia là tương đồng. Nên xét về mặt tương đối thì có thể so sánh các mẫu này để đánh giá trên toàn quốc gia đó”, đại diện EF chia sẻ.
Được biết, báo cáo EF EPI dựa trên bài kiểm tra tiếng Anh tiêu chuẩn của EF (EF SET), bài kiểm tra chuẩn hóa Anh ngữ miễn phí diện rộng của EF.
Nguyễn Hùng