Một thí sinh trượt ĐH tự tử:
Chết vì áp lực thông tin hay vì thiếu cộng hưởng?
Tuần qua, sự kiện nóng bỏng trên các forum, diễn đàn của giới trẻ là việc học sinh <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2005/8/69707.vip">Trần Duy Hùng </a>lớp 12 Toán 2 trường THPT Lê Hồng Phong, Nam Định tự tử sau khi biết mình không đỗ vào ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội.
Nhiều ý kiến đã bàn về những sức ép cộng hưởng, những áp lực nặng nề đang đè lên vai học trò. Và cả một dự báo (có thái quá không): sẽ còn những cái chết rất vô lý sau mỗi mùa thi ĐH?
Trong 5 năm trở lại đây, các vụ HS, SV tự tử gia tăng một cách đột biến đặc biệt vào thời điểm trước và sau các kỳ thi quan trọng. Ngay trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay các học trò ở HN đã sốc trước tin HS lớp 12 Đặng Lê Minh treo cổ bằng dây phơi quần áo. Võ Thanh H. ở Cai Lậy, Tiền Giang tự tử khi mới là HS lớp 11.
Năm 2004 có 4 SV tự tử trong các đợt thi học kỳ. Và giờ đây là sự quyên sinh đột ngột của một thí sinh chỉ đạt 20 điểm trong kỳ thi ĐH vào trường KTQD. (Ở Ấn Độ, người ta từng gọi kỳ thi ĐH là kỳ thi... giết người, vì số lượng thí sinh tự tử tăng đột biến sau mỗi mùa thi).
Áp lực của tốc độ truyền tin
Chưa bao giờ thông tin về kỳ thi tuyển sinh ĐH,CĐ và kết quả thi tuyển được truyền đi nhiều và nhanh chóng như năm nay. Người ta có thể sử dụng hàng loạt hình thức để tiếp cận điểm thi của thí sinh một cách nhanh chóng nhất: báo hàng ngày, báo điện tử, các website chuyên dụng, các dịch vụ tin nhắn, các hộp thư thoại tự động...
Và nếu bạn nhấp chuột vào website của nhiều trường ĐH cũng thấy bảng tra cứu kết quả tuyển sinh hiện lên tới tấp. Khái niệm "cò xem điểm" xuất hiện 2-3 năm trước đây thì nay đã hết đất và giải nghệ.
Nhưng những thí sinh điểm kém thì không mong đợi cơn lũ thông tin ấy. Họ đứng ở tình huống "trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường". Thông tin vừa mới lộ diện là đổ như thác, như lũ từ mọi kênh truyền về, ào ào và dồn dập và phân tán rộng rãi. Điều này không giống như 3-4 năm trước, thông tin về kết quả thi được "nén" trong một tờ phiếu điểm gửi về tận tay thí sinh. Họ thường là chủ sở hữu đầu tiên thông tin của chính mình.
Thầy Cao Xuân Hùng, Hiệu phó THPT Lê Hồng Phong, Nam Định cho biết: "Sau sự việc đáng tiếc về HS Trần Duy Hùng, nhà trường đã tổ chức một buổi làm việc với toàn thể lớp Toán 2, cô giáo chủ nhiệm... Các bạn cho biết, ngay sau khi thi ĐH, Hùng đã tự chấm điểm bài của mình, so với đáp án và thấy kết quả không được như mong muốn. Căn cứ vào những gì Duy Hùng đã trao đổi với các bạn thì HS này hoàn toàn có thể chịu đựng và chấp nhận thông tin về kết quả".
"Chắc là tao trượt rồi". Điều này được Hùng xác nhận bình thản trước mặt bạn bè ngay sau kỳ thi.Nhưng chỉ đến tối ngày 1/8, ĐH KTQD công bố kết quả thi, sáng ngày 1/8 hàng loạt phương tiện thông tin cùng đưa tin về điểm chuẩn dự kiến 24,5 của trường. Và đến chiều ngày 2/8 là thời điểm Duy Hùng ra đi.
Áp lực của đề thi... dễ (?)
Thoạt nghe có vẻ vô lý nhưng sự thật là HS khá giỏi khi tham gia thi ĐH rất sợ... đề thi dễ. Thầy Cao Xuân Hùng với hơn 20 năm dạy Toán cũng khẳng định điều này: "Với những đề thi dễ, HS khá giỏi thường mắc tâm lý chủ quan. Có rất nhiều thao tác, các bước tiến hành trong một câu đều được các em tính nhẩm. Trong khi tiến hành làm bài, các em thường làm tắt. Đôi khi, điều này dẫn đến việc mất các điểm nhỏ. Các em có thể làm bài nhanh, xong sớm nhưng khi nhìn lại bài với nhiều bước tắt, một số nghĩ đến chuyện sửa lại hoặc viết thêm, Chính Trần Duy Hùng cũng đã nói với bạn bè cùng lớp rằng: "Đề dễ thế này chắc tao trượt rồi".
Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong vừa kỷ niệm 85 năm ngày thành lập trường, là một trong những trường có số lượng HS giỏi quốc gia, quốc tế lớn trên toàn quốc (năm 2005 có 58 giải quốc gia). Nhưng, uy tín của nhà trường, tỉ lệ thuận với những sức ép học hành và danh tiếng.
Không chỉ ở trường chuyên này, ở nhiều trường khác, những học sinh không xếp ở thứ hạng cao trong đội tuyển thi quốc gia (không nắm chắc việc sẽ được giải), đã viết đơn xin ra khỏi đội tuyển để dành sức cho kỳ thi ĐH. |
Chưa năm nào, người ta được chứng kiến kết quả thi ĐH khối A có nhiều biến động đến thế: bội thực thủ khoa, bội thực điểm cao. Dù kết quả có là 26,27 điểm nhũng cô cậu HS giỏi ấy vẫn bị đứng trước nguy cơ trượt ĐH. (ngay cả 2 người bạn cùng khoá của Duy Hùng cũng trượt ngay tại cánh cửa vào ĐH Dược dù điểm thi của họ là 27 điểm, ĐH Dược dự kiến điểm chuẩn là 27,5 đến 28 điểm).
Áp lực của học sinh trường chuyên, lớp chọn
Dù rằng thầy hiệu phó Cao Xuân Hùng khẳng định: "Áp lực đó không nhiều với Trần Duy Hùng, vì em học ở lớp không chuyên (lớp Toán 2)" nhưng bất cứ ai đã mang thương hiệu của trường chuyên lớp chọn đều phải chịu những áp lực này. Theo số liệu mà thầy Xuân Hùng cung cấp thì tỷ lệ chọi của HS thi vào trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong năm vừa qua là 1/7 (có hơn 34.000 hồ sơ dự tuyển nhưng chỉ có 500 học sinh được lựa chọn).
Những người trượt ĐH trong các trường chuyên nổi tiếng là con số rất nhỏ. Tỷ lệ đỗ ĐH năm 2004 của trường THPT Lê Hồng Phong Nam Định là 93%. Và theo dự kiến của thầy Hùng thì năm nay tỷ lệ sẽ còn cao hơn. Ngay cả cô bạn lớp trưởng lớp Toán 2 của Trần Duy Hùng cũng đã đạt số điểm 32/30 và những người bạn thân của Hùng cũng đã đỗ ĐH. (Những tin vui về thủ khoa đến dồn dập với những HS cùng khoá với Hùng: Bùi Ngọc Diệp (ĐH Ngoại thương), Phạm Thị Hoài (ĐH Sư Phạm)...
Nếu nói rằng việc trượt ĐH không là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến quyết định tự tử của Duy Hùng thì đó là điều không đúng. Tuổi 18 mong manh và yếu đuối đâu dễ có thể vượt qua cú sốc quá lớn này? (Dù rằng thầy Cao Xuân Hùng cho biết: "Chưa thể khẳng định nguyên nhân tự tử của em Duy Hùng vì trượt ĐH. Nhà trường đã đồng ý cho các bạn của Hùng mở các hòm thư điện tử, tìm trong máy tính, lưu bút và sách vở của Hùng cũng không để lại một tài liệu nào việc tự tử là vì trượt ĐH").
Áp lực từ những thay đổi chóng mặt
Nhiều trường đã dự kiến phương án điểm chuẩn: và có những trường điểm chẩn đã lên ở mức cao nhất từ trước đến nay. Điểm chuẩn nói riêng và "chuẩn" nói chung vốn là những gì mang ý nghĩa của sự ổn định, chuẩn mực.
Thế nhưng điểm chuẩn vào ĐH của VN ở hầu khắp các trường đều không cố định. Riêng với trường KTQD HN, năm 2003 điểm đầu vào chung cho tất cả các ngành là 20,5 điểm.
Đến năm 2004, điểm đầu vào được căn cứ theo từng ngành (ngành cao nhất là 25,5 điểm, ngành thấp nhất là 21,5 điểm). Và đến năm nay, dù là điểm dự kiến thì ngành cao nhất đã là 27,5 điểm ngành thấp nhất là 24,5 điểm.
Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ là kỳ thi có tần số xuất hiện nhiều nhất, chiếm nhiều diện tích, thời lượng nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng. Một trong những lý do đó là: liên tục có sự thay đổi. Không chỉ việc điểm chuẩn leo thang mà tỷ lệ chọi và chỉ tiêu NV2 cũng thay đổi. Tỷ lệ chọi của các trường CĐ còn cao hơn cả một số trường ĐH. Những thí sinh 18, 19 tuổi (lứa tuổi được đánh giá là dễ bị rối nhiễu tâm lý nhất) bị cuốn vào những thay đổi, bổ sung, sửa chữa chóng mặt này.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ trượt ĐH cao đến mức không bình thường so với nhiều nước trên thế giới (tỷ lệ tuyển sinh phổ biến ở các nước là 60 đến 80%, nhưng ở Việt Nam là 10 đến 12%). Năm nay, tổng số hồ sơ dự thi lên đến gần 1,8 triệu nhưng tổng chỉ tiêu của các trường chỉ hơn 191.000. Và năm nay, hàng loạt thí sinh điểm cao mà vẫn trượt. Áp lực tâm lý của chuyện thi cử mang lại dường như vì thế, còn tăng hơn trước rất nhiều.
Theo Phạm Thu Hà
Sinh Viên Việt Nam