"Chạy sô" đại học

Một bằng đại học vẫn chưa đủ, nhiều sinh viên còn phải chạy đôn, chạy đáo học bằng này, chứng chỉ nọ, sao cho đến khi "dắt lưng" hai ba tấm bằng, thì mới đủ tự tin để xin việc. Song, đáng tiếc "chạy sô" đại học lại có nguy cơ khiến sinh viên còn khó kiếm việc hơn!

Học nhiều trường cùng lúc

 

Đậu cùng lúc hai trường cao đẳng kinh tế đối ngoại và khoa ngoại ngữ Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, Ngọc Hiền phân vân không biết chọn trường nào để học. Bởi vì theo Hiền bạn, trường nào cũng có cái "oách" của nó. Không nên từ chối trường nào, Hiền quyết định nộp hồ sơ cho cả hai. Buổi sáng ở trường Nhân văn, Hiền được trau dồi, nâng cao ngoại ngữ. Buổi chiều, Hiền lại cấp tập đến lớp kiểm toán của Trường Kinh tế đối ngoại để mày mò trên máy tính, làm quen các môn thống kê, Iso. Có khi lịch học của hai trường trùng nhau, học bên này ba tiết, Hiền ba chân bốn cẳng chạy sang bên kia.

 

Khoảng cách hai trường khá xa, trường nào đến kỳ thi học phần trước, Hiền dành ưu tiên cho trường đó. Chạy qua chạy lại như một con thoi, nhưng Hiền chưa bao giờ than mệt mỏi, tốn tiền. Cô bảo vừa có bằng Anh văn chính quy, vừa có thêm bằng kiểm toán, vị trí của một kiểm toán viên trong tương lai sẽ nhanh vào tay cô hơn.

 

Cũng như Ngọc Hiền, Văn Thứ học ngành sử trường Nhân văn, nhưng lại ước muốn trở thành một hướng dẫn viên du lịch, vì thế ở năm thứ hai, anh bạn thi tiếp vào khoa du lịch, trường Cao đẳng văn hóa. Nếu như ở trường Nhân văn, Thứ học rất sâu về  lịch sử Việt Nam, thì ở khoa du lịch trường Văn hóa, Thứ được bồi bổ những kỹ năng của một người hướng dẫn viên. Thứ luôn chú tâm vào thời khóa biểu ở trường Nhân văn vì ở đây anh sẽ được cấp bằng đại học chính quy hẳn hoi, nhưng những lần thực tập thực tế bên khoa du lịch cứ liên tiếp, Thứ cũng không ít lần chểnh mảng với việc học bên trường đại học.

 

Một trường hợp khác, Thu Minh - sinh viên ngành giáo dục học, trường ĐH Sư phạm HCM, nhắm thấy tương lai của mình chỉ trông chờ vào đồng lương của nhà nước thôi thì chưa đủ, năm thứ ba, cô bạn nộp hồ sơ vào trường Kinh tế. Minh cho rằng nghề chính của cô là sư phạm, nhưng lỡ khi các trường không đoái hoài đến, cô vẫn có thể an tâm kiếm cơm ở các công ty.

 

Bích Liễu, khoa Tâm lý trường dân lập Văn Hiến cũng vậy, cô bạn chạy sô suốt ngày với ba trường đại học. Buổi sáng, Liễu ngồi ở trường Văn hiến, buổi chiều thì chễm chệ bên trường Luật, buổi tối đạp xe một đoạn khá dài đến lớp tại chức Anh văn trường Nhân văn. Liễu khoe khi ra trường, cô bạn sẽ có trong tay cùng lúc ba bằng: cử nhân Tâm lý học, cử nhân Luật học và cử nhân Anh văn tại chức.

 

Hệ quả từ việc "chạy sô"

 

Học đến năm thứ ba trường Nhân văn thì bên Cao đẳng kinh tế đối ngoại vào mùa tốt nghiệp, Ngọc Hiền phải tập trung vào chuyện thực tập, ôn thi, cô phải cúp các môn học bên trường đại học. Lịch học của Hiền dày đặc, tài liệu ngoại ngữ và sổ sách từ công ty thực tập nằm xáo lẫn vào nhau, có khi đến 4 giờ sáng mà Hiền vẫn còn thức trắng.

 

Xong kỳ thi tốt nghiệp bên trường cao đẳng, Hiền mới thở phào nhẹ nhõm vì cô không đánh hỏng bất cứ môn học nào bên trường Nhân văn. Tuy nhiên, điểm tốt nghiệp ngành kiểm toán của Hiền chưa đạt đến 7, còn điểm các môn học kỳ bên trường Nhân văn trung bình mức 5, thì chất lượng của cô như thế vẫn chưa cao.

 

Chương trình học ở năm thứ nhất của các trường vẫn còn khá dễ dàng, thời gian rộng rãi, cho nên Bích Liễu tha hồ bay nhảy từ nơi này sang nơi khác. Thế nhưng đến năm thứ hai, môn học nhiều, yêu cầu của ngành đòi hỏi sinh viên phải tập trung nghiên cứu tài liệu, nhất là ngành Luật cứ thuyết trình, thảo luận tình huống liên tục.

 

Liễu bắt đầu cảm thấy việc nhảy cóc của mình ngày một khó khăn hơn, cô bạn bắt đầu thấm mệt với đôi chân chạy như thoi từ sáng đến tối không biết ngưng nghỉ của mình.

 

Vào giai đoạn chuyên ngành mà kiến thức của Liễu vẫn còn khá mơ hồ, thời khóa biểu của các trường chồng chéo, trùng lặp khá nhiều. Đến năm cuối, Liễu ngưng lớp Anh văn buổi tối, sau đó bảo lưu kết quả học tập trường Văn hiến, tập trung tất cả cho trường Luật. Thật phí công, tốn sức cho 3 năm dài Liễu theo học cả ba trường, mà lượng học phí đóng vào các khóa học không hề nhỏ.

 

Còn với Văn Thứ, do liên tục thực hiện các chuyến thực tế xuyên vùng của trường Cao đẳng văn hóa, cho nên chuyện nợ nần chất chồng ở trường Nhân văn của anh bạn là một điều đương nhiên. Bạn bè thảnh thơi lo ôn thi tốt nghiệp, còn Thứ thì hộc tốc đi trả nợ các môn kỳ đại cương. Với anh bạn, chỉ cần điểm 5 đủ để thi tốt nghiệp là được rồi. Cách học như Thứ là cần số lượng trước tiên chứ chưa đề cập đến chất lượng. Anh bạn còn đang dự định nộp hồ sơ vào lớp tại chức kinh tế ban đêm. Vì theo Thứ, kinh tế phải kết hợp với du lịch.

 

Có nhiều bằng cấp trong tay chưa hẳn đã chứng tỏ năng lực thật sự của bạn. Hoài Linh, góp nhặt 4 năm trời trên các giảng đường, cô hiện có trong tay cử nhân kinh tế, tại chức Anh văn và chứng chỉ hướng dẫn viên du lịch. Ra trường, chỉ mới nhìn lướt qua hồ sơ, Linh đã được chọn vào làm kế toán chính thức cho một khách sạn nhiều sao, lương tháng tính theo đô hẳn hoi. Thế nhưng, chưa được 3 tháng, từ  kế toán, Linh rơi dần xuống tiếp tân quầy, rồi chuyển sang bộ phận buồng, sau cùng, không thấy được khả năng làm việc của Linh, giám đốc khách sạn đành cho cô nghỉ việc.

 

Cũng ở trường hợp của Minh Hải, ông sếp người nước ngoài lúc đầu gật gù với mớ bằng cấp ngoại thương, Anh văn mà anh bạn kỳ công đạt được. Nhưng sau 5 phút phỏng vấn, một câu tiếng Anh bày tỏ nguyện vọng cá nhân, Hải không thể hiện rành rọt, ông sếp tiu nghỉu, đánh rơi hồ sơ của cậu bạn ngay vòng đầu tiên.

 

Dắt lưng một lúc hai ba bằng đại học giúp bạn chứng tỏ trí óc và khả năng của  mình hơn nếu như  các bằng cấp ấy mang chất lượng thật sự và đem lại những kiến thức có giá trị cho xã hội. Nếu đổ xô nhau tìm kiếm bằng cấp theo số lượng, chỉ để đối phó với bên tuyển người, thì tốt hơn bạn hãy chuyên tâm một ngành nghề duy nhất, để khỏi lâm vào cảnh "tiền mất, tật mang" mà kiến thức mình có được vẫn "xôi hỏng bỏng không". Dù sao, một nghề cho chín vẫn hơn...

 

 

Theo Nguyên Nguyễn

Thanh Niên