Cháu nhà thơ Tế Hanh và hành trình nối dài văn hóa Việt

Suốt từ khi định cư tại tại Mỹ năm 1991 đến nay, Trần Thắng (sinh năm 1970, cháu nhà thơ Tế Hanh, Chủ tịch Viện Văn hóa Giáo dục Việt Nam tại Mỹ - IVCE), miệt mài với những hoạt động “nối dài văn hóa Việt”.

Giữ chủ quyền online

2013 là năm nhiều thành công của Trần Thắng, người tốt nghiệp kỹ sư ngành cơ khí Trường Đại học Connecticut năm 1998, hiện làm việc cho Công ty sản xuất động cơ máy bay Pratt & Whitney của Mỹ. Anh là một trong hai người Việt xuất sắc, được mời đến gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại hội nghị giáo dục, khi đoàn công tác cấp cao của Việt Nam làm việc tại Mỹ, hồi tháng 7/2013.

Trần Thắng (
Trần Thắng (bên trái) được mời đến gặp gỡ Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại hội nghị giáo dục, khi đoàn công tác cấp cao của Việt Nam làm việc tại Mỹ, hồi tháng 7/2013.

Trước đó, Chủ tịch IVCE - The Institute for Vietnamese Culture & Education - quê gốc Quảng Ngãi ấy, được Bộ Thông tin và Truyền thông mời về nước dự chuỗi hoạt động khẳng định “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử” tại Hà Nội.

Cái tên “người sưu tập yêu nước, giữ chủ quyền online” dành cho Trần Thắng bắt đầu xuất hiện trên truyền thông từ tháng 7/2012, khi anh tặng 150 tấm bản đồ, 3 sách atlas quý, được in tại nhiều nước trên thế giới, như Anh, Đức, Australia, Canada, Mỹ, Hồng Kông (Trung Quốc)… trong khoảng thời gian 1626 – 2008, mà anh sưu tầm được, cho Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng (ngày 23/11/2012).

Khi biết những tấm bản đồ quý giá đó là chứng cứ không thể chối cãi, khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, Trần Thắng liền bỏ tiền túi, rồi quyên góp thêm từ bạn bè để mua, lưu giữ cẩn thận. Dù đang định cư ở Mỹ, nhưng tấm lòng của người con yêu quê hương nơi xa xứ ngày đêm thôi thúc “ông chủ tịch” không ngại cất công lặn lội khắp nơi, hỏi thăm, mua lại những “bằng chứng lịch sử biết nói”.

Hằng đêm “lùng bản đồ” trên mạng Ebay trong 6 tháng, nhiều khi vét sạch túi “đầu tư” cho những atlas quý giá…, cuối cùng, “chiến lợi phẩm” của Trần Thắng là 150 bản đồ (gồm 110 bản đồ gốc và 40 bản đồ tái bản) tặng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng. 

Anh đã góp thêm tiếng nói nặng cân và ý nghĩa trong cuộc đấu tranh khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương. Ghi nhận đóng góp lớn lao này, Chủ tịch UBND TP Ðà Nẵng đã tặng bằng khen cho Trần Thắng về việc sưu tầm tài liệu khẳng định chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa, tháng 6/2013.

Không những thế, trên trang web của IVCE tại Mỹ, Trần Thắng còn mở mục “Lãnh thổ của Trung Quốc trên bản đồ thế giới” tại địa chỉ: http://www.ivce.org/map/map.html. Ở đó, lần lượt giới thiệu toàn bộ số bản đồ anh sưu tầm trong suốt nhiều năm qua.

“...Tôi muốn chia sẻ với các bạn về bộ sưu tập 80 tấm bản đồ từ năm 1626 đến 2008 được xuất bản tại Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Canada, Scotland, Ấn Độ... Trong đó, 70 tấm biểu thị biên giới phía nam Trung Quốc là Hải Nam và 10 tấm chỉ rõ, Hoàng Sa thuộc về Việt Nam...” - người giữ chủ quyền online hùng hồn.

Nối dài văn hóa Việt

Từ lâu, Trần Thắng đã là “khách quen” của truyền thông trong nước, khi anh cùng một số bạn hữu lập ra Hội Văn hóa giáo dục Việt Nam (IVCE) và tạp chí Nhịp Sống (năm 1996). “Mục đích của chúng tôi là quảng bá văn hóa Việt thông qua các sinh hoạt văn hóa văn nghệ và giáo dục ở Hoa Kỳ, cũng như ở Việt Nam” - cháu nhà thơ Tế Hanh chia sẻ.

Không lâu sau khi ra đời, Nhịp Sống trở thành diễn đàn văn hóa - giáo dục cho không ít người trong cộng đồng người Việt, đặc biệt là các học giả và trí thức Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới. Nó là cầu nối, giới thiệu văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của người Việt với bạn bè ở châu Mỹ Latinh.

Với ước nguyện nối dài hơn nữa văn hóa Việt, cũng như tạo lập nhịp cầu văn hóa và giáo dục thiết thực và hiệu quả giữa Việt Nam - Hoa Kỳ, Trần Thắng và những người cùng chí hướng quyết định thành lập IVCE tại New York từ năm 2000.

Ban điều hành IVCE gồm bảy người, đều còn rất trẻ, công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Ban cố vấn cũng gồm bảy người, là Giáo sư Trần Văn Khê, Giáo sư John Balaban, Giáo sư Nguyễn Thuyết Phong, Tiến sĩ Ngô Thanh Nhàn, Giáo sư Trần Vũ Hoa, Trần Thuận và Trần Thắng.

Trần Thắng quyết định tạm chia tay công việc của một kỹ sư trong 3 năm, từ 2008 đến 2011, để toàn tâm, toàn ý cho những hoạt động không lương nhưng đầy nhiệt huyết của IVCE.

Nhờ những hoạt động “nối dài” đó cua IVCE, mà những Đời cát, Mê Thảo - Thời vang bóng, Mùa len trâu, Chuyện của Pao, Sống trong sợ hãi, Trăng nơi đáy giếng, Cánh Ðồng Bất Tận, Chơi Vơi... đã được chiếu ở đất Mỹ xa xôi. Sau mỗi buổi chiếu phim là phần giao lưu sôi động với những bạn trẻ đang nhiệt tình tìm hiểu văn hóa Việt. 

Tôi rất xúc động. Dù công tác tại phái đoàn Liên Hợp Quốc nhiều năm, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên tôi thấy có buổi biểu diễn áo dài ở nơi công cộng, đồng thời trưng bày thư pháp của người Việt Nam. Nó có rất nhiều ý nghĩa. - Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Lê Hoài Trung

Trần Thắng và Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam cũng từng được Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên New York mời tham gia chương trình Tết Châu Á. Ở đó, IVCE thực hiện chương trình “Hello Vietnam” qua 2 phần: Áo dài thời trang và triển lãm tranh Đông Hồ, tự làm tranh Đông Hồ, viết thư pháp.

Trần Thắng nhớ lại, “chương trình văn hóa Việt Nam mang giá trị tinh thần đến cho người Việt tại New York. Chúng tôi đã giới thiệu những nét đẹp truyền thống văn hóa Việt Nam đến người Mỹ. Từ đó, họ quý mến chúng ta nhiều hơn”. Đài Truyền hình NBC lớn nhất nước Mỹ đã chọn phần áo dài Việt Nam đại diện cho chương trình Tết Châu Á trong phóng sự lên sóng sau này.

Và, như một lẽ tự nhiên, sau nhiều chuỗi sự kiện cụ thể ấy, những dòng chảy văn hóa Việt cứ thẩm thấu vào hiểu biết, nhận thức, lối sống của những người trẻ ở bên kia bán cầu.

10 năm bắc nhịp cầu du học Mỹ

Với mục đích giúp đỡ các bạn trẻ Việt Nam có cơ hội đặt chân đến những trường đại học tốt ở Mỹ để nghiên cứu, học tập, từ năm 2000 đến tháng 6/2009, IVCE đã tư vấn du học cho khoảng 7.000 lượt người, tổ chức hội thảo du học tại Đại học Cần Thơ, Đại học Quốc tế TPHCM, Đại học Nha Trang, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên...

10 năm liên tục, anh bỏ tiền túi về Việt Nam, tổ chức những hội thảo du học được tổ chức thường kỳ hàng năm. Kết hợp các trường đại học tại Việt Nam, IVCE còn thường xuyên tổ chức những lớp học ngắn hạn về các môn thi vào đại học cho sinh viên, học sinh để định hướng và hướng dẫn làm quen phương pháp học trước khi đến Hoa Kỳ. Hội thảo cũng hướng dẫn sinh viên từ làm hồ sơ, chọn trường, trả lời phỏng vấn, kinh nghiệm sống xa nhà khi du học, đến “đánh bại” các nhà cung cấp học bổng danh giá, cũng như giới thiệu các nguồn học bổng giá trị…

Ngoài ra, IVCE còn đóng vai trò quyết định trong nhiều chương trình hỗ trợ, trao đổi thường xuyên về giáo dục và đào tạo đại học, mà điển hình là ViTA, chương trình hỗ trợ giảng dạy, đưa sinh viên Mỹ tình nguyện về Việt Nam tham gia các khóa dạy ngắn hạn Anh ngữ cho các sinh viên chuẩn bị du học. Mỗi năm, IVCE giúp 1.000 sinh viên trong nước được tham dự các khóa học như vậy.

“Mục tiêu của IVCE là giúp khoảng 30.000 người trong 10 năm, từ 2005 đến 2015. Xa hơn nữa, IVCE còn hướng tới sự hợp tác lâu dài giữa đại học Mỹ - Việt, mở chương trình giảng dạy theo tiêu chuẩn của trường đại học Mỹ, nhằm nâng cao trình độ đào tạo đại học tại chỗ cho Việt Nam”, Chủ tich IVCE tâm sự.

Động cơ khiến anh quên cả việc… lấy vợ để theo đuổi đam mê “nối dài văn hóa Việt” trên đất Mỹ? Trả lời câu hỏi của tôi, anh cười: Vì tôi “nhớ con sông quê hương”, đúng như bài thơ mà ông ngoại Tế Hanh của anh đã viết.

Trần Thắng sinh năm 1970 tại Quảng Ngãi, là cháu của nhà thơ Tế Hanh.

Khi đang học ngành cơ khí tại Trường ĐH Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), năm 1991, Trần Thắng cùng gia đình định cư tại Connecticut, Hoa Kỳ. Trần Thắng tiếp tục theo đuổi ngành cơ khí tại Trường ĐH Connecticut, Mỹ.

Sau khi tốt nghiệp, Trần Thắng học tiếp để lấy văn bằng hai chuyên ngành Quản Lý Nhà Máy. Năm 1999, anh chính thức làm công việc chuyên môn tại Công ty tàu ngầm nguyên tử Electric Boat.

Ðầu năm 2000, anh đầu quân cho Công ty động cơ máy bay Pratt & Whitney. Hiện anh làm về phân tích mô phỏng thiết kế, quy trình lắp ráp máy bay tại công ty này.

 

Theo Linh Thi

Tiền Phong