Châu Âu: Trường học vẫn mở cửa giữa “cơn sóng" Covid-19 dâng cao
(Dân trí) - Hầu hết các nước châu Âu vẫn cho phép mở cửa trường học, chấp nhận đánh cược giữa nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tăng cao và quyền được đi học của học sinh.
Trong khi hàng loạt trường học tại Mỹ đang phải quay lại với hình thức học trực tuyến thì phần lớn các nước châu Âu vẫn kiên trì với việc mở cửa trường học cho dù tỷ lệ nhiễm Covid-19 vẫn đang ở mức cao.
Điều này có nghĩa là giới hữu trách ở các nước châu Âu đang chấp nhận đánh cược giữa rủi ro về lây nhiễm dịch bệnh và quyền được đi học của học sinh.
Tại một số bang thuộc nước Mỹ, nhiều trường học đã đóng cửa hồi mùa xuân thì đến giờ vẫn chưa hoạt động trở lại, trong khi một số trường đã đóng cửa, rồi mở cửa, và lại tiếp tục phải đóng cửa thêm lần nữa do diễn biến ngày càng phức tạp của đại dịch Covid-19.
Ngay cả với thành phố New York vốn rất quyết tâm vực dậy việc dạy và học vốn bị đình trệ quá lâu giờ cũng đang trong tình trạng nhấp nhổm với phương án đóng cửa trường học khi số ca lây nhiễm vẫn đang tăng lên không ngừng mỗi ngày.
Thế nhưng trái ngược với Mỹ, từ cuối tháng 9, các trường học trên khắp châu Âu đã mở cửa đón học sinh trở lại lớp, và hầu hết các chính phủ ở lục địa này đều thể hiện thái độ cương quyết duy trì cánh cửa trường học rộng mở dù châu Âu đang phải đối mặt với sự quay trở lại của làn sóng Covid-19 thứ 2.
Nguyên nhân một phần nằm ở việc các lý do để đóng cửa trường học vẫn chưa đủ sức thuyết phục nhà chức trách khi mà các nghiên cứu khoa học lại đưa ra nhiều kết quả lẫn khuyến nghị trái ngược nhau.
Trong khi đó, những nhà làm chính sách lại kết luận rằng, tác hại và hậu quả đối với xã hội gây ra bởi việc đóng cửa trường học dài ngày sẽ là rất nghiêm trọng, đặc biệt ảnh hưởng đến tầng lớp lao động và các cặp vợ chồng có con nhỏ.
Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer là quan chức ủng hộ việc mở cửa trường học càng sớm càng tốt bởi theo ông thì “cái giá mà xã hội và nền kinh tế của đất nước phải gánh chịu khi hệ thống trường học bị đình trệ là quá lớn”.
Bởi vậy, khi Pháp bắt đầu đợt phong tỏa tiếp theo vào cuối tháng Mười vừa rồi, trường học vẫn được cho phép mở cửa trong khi tất cả các dịch vụ kinh doanh thiết yếu đều bị buộc phải dừng hoạt động.
Ông Blanquer cho biết sẽ sớm trình lên Quốc hội những biện pháp đảm bảo an toàn cho các trường học trong mùa dịch, nhưng vẫn khẳng định “mục tiêu là mở cửa trường học đến mức tối đa bởi con em chúng ta cần được đảm bảo quyền được học hành”.
Pháp không phải là trường hợp cá biệt. Trong khi các loại hình kinh doanh dịch vụ tại Anh, Đức và nhiều nơi khác ở châu Âu như quán bar, nhà hàng, câu lạc bộ buổi tối phải đóng cửa từ cách đây vài tuần thì trường học vẫn duy trì việc mở cửa như không có chuyện gì xảy ra.
Châu lục này đã từng là tâm điểm của dịch bệnh với trung bình hơn 206 nghìn người mắc coronavirus mỗi ngày trong khi ở Mỹ thì số ca nhiễm bình quân là 135.000 trường hợp.
Ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha, và nhiều nước châu Âu khác, những biện pháp phòng chống dịch mới khắt khe hơn đang được áp dụng, như học sinh từ 6 tuổi trở lên bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ở trong lớp học. Anh và Đức cũng có yêu cầu tương tự với học sinh lớn tuổi hơn cùng với việc rửa tay thường xuyên và cửa sổ lớp học phải luôn được mở.
Bà Jennifer Dowd, giáo sư ngành y tế công cộng tại Đại học Oxford (Anh) nhận xét rằng: “Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy trẻ em, nhất là trẻ dưới 10 tuổi, không phải là đối tượng dễ mắc hoặc lây nhiễm Covid-19 như người lớn. Chính vì vậy mà giới chức hữu trách cảm thấy tự tin để mở cửa trường học kể cả khi dịch bệnh đang trong thời điểm căng thẳng trở lại”.
“Khác với Mỹ, các nước châu Âu có vẻ như đang dành nhiều sự ưu tiên cho giáo dục hơn là các lĩnh vực khác như quán bar, nhà hàng”.
Điều này có thể nhận thấy rõ khi các lớp học vẫn mở cửa trên khắp châu Âu. Và việc đóng cửa hoặc cách ly chỉ xảy ra khi có ca nhiễm được xác nhận ở một khu vực cụ thể nào đó.
Thế nhưng, vẫn có những ngoại lệ. Đầu tháng 11, Ý và Hy Lạp đã ra yêu cầu tất cả trường học phải chuyển sang dạy và học theo hình thức trực tuyến. Thậm chí ở Ý, những nơi mà chính quyền đánh giá có nguy cơ cao thì toàn bộ mọi hoạt động học hành phải dừng, và trẻ em buộc phải ở nhà.
Ở Pháp, một quốc gia bị dịch tấn công nặng nề nhất châu Âu, cũng vừa mới quyết định chỉ cho phép 50% thời lượng chương trình học được tổ chức ở lớp học, còn lại phải triển khai theo hình thức trực tuyến. Với Đức thì các trường học phải giảm thời gian học trực tiếp xuống một nửa nếu ở địa phương có số ca nhiễm tăng vượt mốc 500 ca/triệu dân.
Và trong khi số ca lây nhiễm ở châu Âu vẫn đang không ngừng tăng lên từng ngày và giới khoa học vẫn đang đưa ra các nghiên cứu với những bằng chứng khác nhau về tác động của Covid-19 đến lứa tuổi thanh thiếu niên thì trường học ở lục địa này vẫn đang mở rộng cửa đón học sinh cùng với những biện pháp phòng chống dịch cơ bản kèm theo.