Chật vật mô hình trường chất lượng cao

Trước sức hút của mô hình trường tư chất lượng cao, cuối năm 2012 Hà Nội vừa cho phép xây dựng mô hình trường công chất lượng cao. Dù đã có hành lang pháp lý nhưng đến nay vẫn chưa có trường chất lượng cao nào chính thức ra mắt. Vì sao vậy?

Một tiết học ở Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội).
Một tiết học ở Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội).

 

Trường tư, học phí cao vẫn đắt hàng

 

Trong số các trường ngoài công lập, trường Nguyễn Siêu (với ba cấp học) là đơn vị sớm có ý thức xây dựng hình ảnh “chất lượng cao” (CLC). Từ năm học 2005 – 2006, trường bắt đầu mở các lớp CLC – lúc đó còn gọi là “dịch vụ giáo dục trình độ CLC” bên cạnh các lớp thông thường.

 

Điểm nổi bật của lớp CLC là quy mô nhỏ: cấp tiểu học không quá 22 học sinh/lớp, cấp trung học không quá 26 học sinh lớp. Học sinh lớp CLC được học chương trình tăng cường tiếng Anh với sự tham gia của giáo viên người nước ngoài. Các hoạt động ngoại khoá phong phú.

 

Các dịch vụ phụ trợ được xem là yêu cầu không thể thiếu đối với một trường CLC: xe đưa đón học sinh tại các điểm tập trung hay tại nhà, có khu bếp ăn – nhà ăn riêng biệt với khu học. Thoạt tiên trường chỉ mở vài lớp thí điểm, sau tám năm thì tất cả đều là lớp CLC.

 

Gần đây trong dư luận có nhiều ý kiến không đồng tình với mô hình trường công CLC của Hà Nội. Theo GS Văn Như Cương, trong hệ thống trường công thì không nên phân biệt trường CLC và trường “không cao”. Mục tiêu của giáo dục công lập là tạo sự công bằng trong hưởng thụ giáo dục cho người học.

Tuy nhiên, đi kèm theo dịch vụ giáo dục được gọi là CLC này là khoản học phí cũng cao không kém, chỉ phù hợp với mức sống của một bộ phận nhỏ phụ huynh học sinh.

 

Năm học 2013 – 2014, mức học phí cấp tiểu học của trường Nguyễn Siêu là 4,2 triệu đồng/ tháng. Tiền ăn 35.000 đồng/ngày; tiền ô tô đưa đón từ 550.000 đồng đến 2 triệu đồng/ tháng. Ngoài ra khi vào trường học sinh phải nộp lệ phí nhập học (nộp một lần cho cả cấp học) là 2 triệu đồng; hỗ trợ đầu tư phát triển của trường 1,5 triệu đồng/năm.

 

Chi phí cao vậy nhưng nhiều phụ huynh cho biết đỗ được vào trường cũng rất khó vì quá đông học sinh dự tuyển. Tháng 4 vừa rồi, trường tổ chức thi vào lớp 1, tuy chỉ lấy chưa đến 300 học sinh nhưng dự thi khoảng 1.000 em.

 

Tiếp theo Nguyễn Siêu, nhiều trường tư ở Hà Nội cũng mở các lớp CLC (đương nhiên thu học phí cao) và đều tạo được sức hút mạnh mẽ đối với phụ huynh học sinh. Chẳng hạn Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, dù học phí ở mức bình quân 3 triệu đồng/tháng (học sinh lớp quốc tế thì phải đóng thêm 3 triệu đồng/tháng tiền học ngoại ngữ)… nhưng năm vừa rồi khoảng 1.500 cháu dự tuyển vào lớp 1 trong khi trường chỉ lấy 600 chỉ tiêu. Hoặc Trường Tiểu học Lê Quý Đôn mức học phí tương đương trường Đoàn Thị Điểm cũng có tới gần 700 cháu dự thi trong khi trường chỉ lấy 360 em.v.v…

 

Trường công cũng làm chất lượng cao

 

Theo ông Hoàng Hữu Niềm, Trưởng phòng GD Chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT, trước đây Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã cho phép thí điểm mô hình trường công lập CLC ở khoảng trên chục trường cả bốn cấp học (mầm non, tiểu học, THCS, THPT).

 

Trường THPT Phan Huy Chú là một trong những trường thực hiện thí điểm mô hình trường CLC từ khá sớm. Năm học 2008 – 2009, trường thí điểm 2 lớp CLC. Những năm tiếp theo, trường tiếp tục mở rộng quy mô lớp CLC theo yêu cầu, dù học phí lớp này gấp 3 lần học phí lớp bình thường. Năm nay, trường tuyển sinh 10 lớp 10 thì có đến 8 lớp yêu cầu được học mô hình CLC với mức học phí lớp cao nhất là 2,4 triệu đồng/ tháng.

 

“Mục tiêu của trường là 100% số lớp CLC. Tuy nhiên tôi thấy để mô hình CLC xen kẽ cũng có cái hay là tạo động lực cho giáo viên phấn đấu bởi chỉ những giáo viên giỏi, tâm huyết mới được dạy lớp CLC”, cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú cho biết.

 

Trong thời gian qua, toàn thành phố có khoảng trên chục trường thực hiện thí điểm mô hình CLC. Do thành phố chưa có cơ chế tài chính chung cho mô hình trường CLC nên việc thu chi của từng trường phụ thuộc vào quy định của UBND các quận/ huyện.

 

Theo đó một số trường đã được phép thu học phí cao do được phép tự chủ tài chính. Một số trường khác, ví dụ trường THCS Cầu Giấy, quận Cầu Giấy thì vẫn chỉ thu học phí như các trường đại trà với mức 40.000 đồng/ tháng.

 

“Thời gian vừa rồi toàn bộ giáo viên nhà trường phải gồng mình lên để làm CLC. Nếu tình trạng đó kéo dài chúng tôi rất lo là không giữ nổi giáo viên giỏi ở lại trường”, cô Lê Kim Anh, Phó Hiệu trưởng trường THCS Cầu Giấy cho biết. Tuy nhiên hiện nay trường THCS Cầu Giấy vẫn chưa tính đến chuyện làm đề án để được công nhận trường CLC do đang mải làm hồ sơ để được công nhận là trường chuẩn quốc gia. Vì thế, học phí năm nay trường vẫn thu như những năm trước.

 

Nhưng danh xưng “chất lượng cao” của các mô hình nói trên (kể cả trường tư và trường công) chỉ là sự khẳng định chủ quan của các trường. Việc thẩm định để gắn mác này cho các trường từ các cơ quan chức năng là không thể vì đơn giản là không có căn cứ pháp lý.

 
Sau nhiều hội thảo, mãi đến tháng 6/2012 UBND TP Hà Nội mới ban hành một bộ quy định tiêu chí trường CLC. Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, để được công nhận là trường CLC, các trường phải làm đề án và phải qua thẩm định, kể cả những trường tư đang thu mức học phí rất cao. Tuy nhiên, thành phần hội đồng thẩm định là những ai và quy trình thẩm định thế nào thì Sở GD&ĐT Hà Nội đang… bàn.

 

Theo Quý Hiên

Tiền Phong